Đường vào bản được coi là “ải tử thần”, song không ngăn cản được bước chân của mỗi nhà giáo suốt bao năm qua trong hành trình "gieo chữ".
Xã Đứa Mòn thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Để con em đồng bào dân tộc thiểu số ở đây học được con chữ, các thế hệ giáo viên cắm bản đã đánh đổi rất nhiều - không chỉ là sức khỏe, gia đình, tuổi thanh xuân…, mà đôi khi còn là cả tính mạng.
Còn nhớ, cách đây chừng gần 3 năm, vào đợt khai giảng năm học mới 2020 – 2021, tôi có dịp tâm sự với cô Lò Thị Phượng (Trường Mầm non xã Đứa Mòn, huyện Sông Mã). Trong câu chuyện, cô Phượng kể vanh vách những vụ giáo viên trường mầm non bị tai nạn, ngã xe, rơi vực. Nào là cô Lan rơi ở vực này, thầy Thật khốn khổ khiêng xe ở đoạn kia…
Cô Phượng còn nhớ như in cái lần tử thần suýt “đoạt mạng”. Hôm đó đang dịp nghỉ hè, nhưng do dịch bệnh nên giáo viên đã ở lại để bồi dưỡng hè giúp các em khỏi hổng kiến thức.
“Kết thúc buổi học sáng, tôi về điểm bản trung tâm. Vì những giáo viên cách trường chừng 5km đều về để ăn cơm, nghỉ ngơi để chiều lại vào bản dạy học. Con đường từ điểm bản Tạng Sỏn về trung tâm nhỏ, hẹp, lại trơn trượt, khó đi. Khi cố tránh một hòn đá to ở giữa đường, cả người và xe của lăn xuống vực sâu chừng 15m. Bản thân bị xe cuốn theo rồi đè lên người. Cả người và xe nằm dưới vực sâu, phía dưới là khe suối. Lúc đó cứ nghĩ là mình chết rồi!”, cô Phượng kể lại.
Cô Phượng mất gần 20 phút tự vật lộn, xoay xở để thoát thân khỏi chiếc xe máy đang đè nặng dưới nền dòng suối cạn. Đó cũng là lúc cô nghĩ đến chồng, con, người thân và đám trẻ nhỏ còn thơ ngây trên lớp đang chờ. Cứ thấy ai đi qua là cô lấy cành cây phe phẩy, lấy tay khua khua ra hiệu cầu cứu, chứ chẳng còn sức để gọi nữa.
“Thoát ra khỏi cái xe máy, em bò vào chỗ khô ráo, dễ quan sát người đi đường phía trên đỉnh đầu rồi gọi điện về cho chồng. Trong lúc đợi chồng lên hỗ trợ, em cố gắng lắng nghe xem ở trên có người dân đi lại hay không để nhờ trợ giúp. Hết đoàn này đi, đoàn kia đi, cứ cố ra hiệu song chẳng ai nhìn thấy. Khoảng 30 phút sau có người phát hiện ra em đang ở dưới đáy vực, họ tìm thêm người đến cứu…”, cô Phượng kể lại.
Người “tiền nhiệm” cắm bản Tạng Sỏn của cô Phượng là cô giáo Lò Thị Lan. Cô Lan cũng từng được “tử thần gọi tên” hồi cuối năm 2017.
“Hôm đó, tôi từ trường về. Trời đang mưa dầm. Đường vốn khó đi lại trơn trượt. Chỉ trong chốc lát, người và xe bất ngờ văng xuống vực sâu. Cả người và xe cứ thế lăn lộn xuống cho đến tận đáy vực sâu chừng 10m. Trong đầu quả thật không kịp nghĩ đến điều gì khi tình huống đó xảy ra...”, cô Lan nhớ lại đồng thời kể tiếp: “Hôm đó cũng là mùa đông, may mắn em đang mặc rất nhiều áo dày và ấm. Thế nên khi ngã xuống, mặc dù có nhiều cây gai, cành cây và cả đá nữa nhưng chỉ bị rách quần áo. Người thì bị bầm tím chứ không ảnh hưởng đến sức khỏe”.
Năm 2020, cô Lan được luân chuyển sang nơi bớt khó khăn hơn, đó là điểm Trả Lầy. Nói bớt khó khăn là để so sánh với những điểm đặc biệt khó khăn thôi, chứ thực ra hiểm nguy vẫn còn đầy rẫy. Giữa tháng 9/2020, cô Lan thêm một lần trải qua giây phút sinh tử.
“Trời mưa, đường thì trơn trượt. Em đang đi thì bỗng chốc xe trượt bánh rồi rơi cả người và xe xuống vực sâu. May mắn thế nào, chiếc xe lại mắc vào một gốc cây ở lưng chừng vực, còn người thì cứ thế lăn như bi xuống tận đáy. Lần này cũng may mắn thoát nạn”, cô Lò Thị Lan nói.
Nguy hiểm, gian nan là vậy, song cô Lan cũng chưa khi nào nghĩ đến chuyện sẽ bỏ trường, bỏ nghề. “Em chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đó. Lý do thì em không biết. Chỉ biết rằng bản thân cố gắng được bao nhiêu thì tương lai của các em sẽ tươi sáng thêm bấy nhiêu!”, cô Lan cười.
Trước ngày khai giảng năm ấy, thầy giáo Quàng Văn Thật, giáo viên Trường Mầm non Đứa Mòn (điểm bản Hoa Cúc) quay trở lại điểm bản Tỉa nơi đang công tác. Trời thì mưa mỗi lúc một nặng hạt. Mấy người dân bản đã trót ra đến trung tâm xã, họ ngao ngán lên xe quay trở về bản vì họ sắp phải đối diện với cung đường đầy gian truân. Thầy Thật cùng mấy cô giáo cắm bản vẫn cứ nổ máy xe, lầm lũi tiến về phía rừng sâu. Biết rằng ở phía xa kia có cả “đàn con” đang ngóng cô, đợi thầy.
Cô Nguyễn Thị Trang - Trường Tiểu học – THCS Ba Lế (huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) có hơn 20 năm dạy học ở xã vùng cao Ba Lế. Những sự cố như té xe, tắm bùn, theo như cô Trang là chuyện quá đỗi bình thường.
“Hồi năm 2010, mới vào nghề, đâu có nhiều tiền mà cũng không vay mượn được, tôi mua cái xe máy Trung Quốc. Có lần ngã xe, điện thoại rơi lúc nào không hay. Cả tuần đó gia đình liên lạc không được nên lo sốt vó. Hôm nào xe hỏng đành bỏ đó rồi đi bộ cho lớp khỏi trống giáo viên. Hên thì gặp người đi đường biết sửa thì còn giúp, không đành kêu thợ dưới trung tâm lên”, cô Trang kể.
Sau khai giảng năm học 2021 – 2022, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, học sinh phải chuyển sang học trực tuyến. Không có điện thoại thông minh, chất lượng mạng chập chờn, những HS là con em đồng bào Hrê ở làng Tốt của cô Nguyễn Thị Trang chỉ có thể học trực tiếp. Làng Tốt cách trung tâm xã Ba Lế 12km. Để HS không bị chậm bài vở, đầu tuần, cô giáo Trang vào làng, đến tận nhà HS để giảng bài rồi giao bài tập. Đến cuối tuần lại làm một vòng đến các thôn vùng xanh để kiểm tra bài vở của các em.
Con đường vào làng Tốt được ví là chỉ dành cho vận động viên đua xe địa hình, được mở rộng từ một lối mòn khá nhỏ với nhiều con dốc dựng đứng. Chỉ một trận mưa là trở nên lầy lội với bùn đất đỏ quạch. Xe và người không ít lần tắm bùn khi cô Trang “ship” bài vào làng Tốt cho học sinh. Đi xe máy vào được đến làng Tốt, theo như cô Trang, đã là quá hạnh phúc so với nhiều năm trước, chỉ có thể lội bộ vào làng.
Gắn bó với điểm trường Đăk Púk - Trường PTDT bán trú Tiểu học Đăk Nên (xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) đã mấy năm. Thế nhưng, cô Hồ Thị Thu Hà, giáo viên lớp chẳng thể quên những ngày đầu dạy chữ.
Nhà ở thành phố Kon Tum, cách điểm trường đang giảng dạy hơn 120km nên đến cuối tuần cô Hà mới về thăm gia đình. Cô Hà bảo rằng, những ngày đầu mới về, do chưa quen đường sá nên có khi cô chạy xe máy cả ngày mới đến nơi. Ngày nắng chặng đường đi thuận lợi hơn, bởi chỉ có bụi, nhưng ngày mưa thì con đường trơn trượt, lầy lội.
“Đường vào trường có những đoạn xuyên rừng, chỉ lác đác vài nóc nhà và ít người qua lại. Đường lại xấu, nhiều ổ gà, ổ voi nên phải chú ý nếu không sẽ dễ dàng bị ngã. Trên hành trình dạy chữ cho học trò, không ít lần gặp nạn, nhưng may mắn chỉ là những vết thương ngoài da”, cô Hà tâm sự.
Cô Y Hồng (giáo viên Trường Tiểu học xã Đăk Tờ Kan, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) vẫn còn hãi hùng khi nhớ lại gần một năm đã qua kể từ ngày gặp nạn trên đường đi khai giảng.
Khi đó, hơn 6 giờ sáng ngày 5/9/2022, cô Y Hồng chạy từ nhà ở huyện Đăk Tô vào Trường Tiểu học xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông để dự lễ khai giảng năm học mới. Khi đến đoạn mỏ đá xã Ngọc Tụ (huyện Đăk Tô) thì va chạm với xe ô tô đi ngược chiều. Do vết thương quá nặng nên cô Hồng được đưa xuống Bệnh viện 211 (TP Pleiku, Gia Lai) cấp cứu và điều trị. Vụ tai nạn khiến cô Y Hồng bị gãy xương đùi, xương hông, bể xương trán…
“Trước kia, khi còn giảng dạy ở trường cũ, mỗi ngày phải vượt chặng đường hàng chục km qua đèo Văn Rơi với một bên là núi, phía kia là vực. Sau vụ tai nạn, tôi chuyển về Trường Tiểu học xã Đăk Tờ Kan giảng dạy. Tuy đường sá thuận lợi hơn, không phải di chuyển qua đèo nên cũng bớt lo lắng phần nào. Thế nhưng, nỗi ám ảnh sau vụ tai nạn khiến mình chẳng dám chạy xe máy, đành đi nhờ đồng nghiệp. Hiện nay vết thương đã bình phục, nhưng những hôm trái gió, trở trời thì vẫn đau nhức’, cô Y Hồng bộc bạch.
Cô Y Hồng cũng như bao giáo viên cắm bản, chẳng mong ước gì cho bản thân, chỉ hy vọng sẽ có nhiều hơn chính sách quan tâm, hỗ trợ cho giáo viên cắm bản, giảng dạy ở vùng khó khăn. Đặc biệt, với những chính sách của Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang được triển khai hiện nay, cô ước mong những con đường gập ghềnh sỏi đá, hay đoạn núi đồi hiểm trở… sẽ được sửa chữa, xây mới lại để giáo viên yên tâm giảng dạy."