back

Báo Giáo dục và Thời đại OnlineE-magazine

“Dạo này, Thuần học tiến bộ lắm nhé, đánh vần đã tốt hơn trước đây, cố gắng học em nhé. Biết chữ sẽ biết cách đọc hướng dẫn bón phân cho cây lúa, ngô và hồi chứ em nhỉ” - giọng cô giáo Ngô Thị Hồng (xã Liên Hội, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) vang lên trầm ấm, gần gũi xen chút tự hào. Đây là lời động viên cô dành cho cậu học viên 30 tuổi của lớp học xoá mù chữ mình tham gia trong suốt hơn 8 tháng qua.

Cậu thanh niên Nông Văn Thuần, ngồi sát bên cô giáo, tay hơ hơ trên ngọn lửa, khẽ nhoẻn miệng cười rồi nói: “Từ hồi biết viết chữ, biết đọc, em vui lắm”.

Những ngày cuối tháng 12, đêm xứ Lạng bao phủ một màn sương lạnh dày đặc, đen kịt. Cái lạnh thấu xương khiến người trò chuyện với nhau thở ra một làn khói. Trong gian bếp nhỏ nhà anh Nông Văn Thuần, ngọn lửa ấm đang bùng cháy có thêm tiếng trò chuyện tíu tít xen lẫn những lời động viên ân cần của cô Hồng xua đi bầu không khí lạnh giá nơi rẻo cao.

Thuần chỉ là một trong số rất nhiều học trò tại lớp xoá mù chữ do chính cô giáo Hồng trực tiếp giảng dạy. Nơi vùng cao này, ở cái tuổi mải làm ăn, kinh tế, vận động người dân đến lớp xoá mù chữ đã khó nhưng giữ chân họ ở lại, kiên trì với việc học còn là cả chặng đường gian nan gấp nhiều lần.

Những học viên lớn tuổi, mang trong mình tâm lí rụt rè, tự ti và mặc cảm vì không biết chữ. Giáo viên, không chỉ đơn thuần là dạy chữ, dạy đọc, dạy làm tính, còn phải “kiêm nhiệm” vị trí nhà tư vấn tâm lí, bạn đồng hành.

Cô Ngô Thị Hồng từng là giáo viên và sau đó ở vị trí quản lí - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Liên Hội (xã Liên Hội, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn). Cả cuộc đời gắn bó với học sinh vùng cao, không ít lần cô Hồng phải “nuốt nước mắt” chứng kiến học sinh nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn dẫn đến hệ luỵ mù chữ.

Trước kia, khi còn công tác, cô đứng trên bục giảng, tối về lại kêu gọi những người dân trong xã không biết chữ đến nhà dạy chữ miễn phí.

Còn hiện tại, 56 tuổi - dù đã nghỉ hưu, cô Hồng vẫn tình nguyện tham gia công tác vận động và giảng dạy lớp xoá mù chữ vào buổi tối tại Trường Tiểu học và THCS Liên Hội.

Lớp học xoá mù chữ có số lượng học viên không quá nhiều, chỉ từ 7 - 10 người/lớp, trong độ tuổi từ 30 - 50 tuổi. Song, với đặc thù về độ tuổi, hoàn cảnh, điều kiện kinh tế, đòi hỏi giáo viên phải khéo léo và luôn gần gũi, động viên, lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của họ.

Với một nhà giáo yêu nghề, nhiều năm công tác trong ngành, say với sự nghiệp giáo dục, điều này không hề làm khó cô Hồng. Những học viên đến lớp xoá mù chữ đều đã có gia đình, con cái. Do đó, cô Hồng nghĩ ra cách chủ động nhờ con của học viên cùng tham gia hỗ trợ, hướng dẫn bố mẹ trong quá trình ôn bài ở nhà. Sau khi làm xong bài, học viên sẽ gửi qua zalo hoặc có thể đến trực tiếp nhà cô để được chấm và chữa bài. Những phần nào chưa hiểu, cô Hồng kiên nhẫn ngồi giảng lại.

Mỗi ngày trôi qua, học viên lớp xoá mù chữ lại thêm thông thạo kĩ năng đọc, viết, tính toán cơ bản. Với cô Hồng như vậy là đủ, bởi chỉ khi biết con chữ, người dân mới có thể chủ động tìm hiểu các kỹ thuật mới vào sản xuất để nâng cao năng suất.

Nếu biết chữ, những người phụ nữ mới có thể chủ động tính toán, cân đối chi tiêu trong gia đình, dạy con cái các kỹ năng sống, bảo vệ bản thân trong các độ tuổi dẫn đến tình trạng tảo hôn hay nghỉ học giữa chừng,… Có như vậy, cái đói, cái nghèo mới được đẩy lùi, chất lượng cuộc sống của bà con dân tộc mới được cải thiện.

“Khi đứng trên bục giảng dạy cho học viên xoá mù chữ, tình yêu nghề giáo trong tôi lớn lắm. Chính học viên đã thôi thúc tôi còn sức khỏe là còn cống hiến và thêm trân quý nghề của mình hơn”, cô Hồng trải lòng.

Không riêng xã Liên Hội, phong trào mở lớp học xoá mù chữ, vận động bà con theo học đang được triển khai đồng bộ, hưởng ứng nhiệt tình trên khắp các xã thuộc huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn. Các lớp học xoá mù chữ được mở ra là cả sự nỗ lực, cố gắng và sự vào cuộc của Trung tâm học tập cộng đồng, các trường học, bí thư chi bộ, trưởng thôn, đoàn thanh niên, chi hội phụ nữ.

Toàn huyện Văn Quan có 5 xã đang thực hiện giảng dạy công tác xoá mù chữ. Dự kiến tháng 1/2024, các lớp xoá mù chữ giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của huyện Văn Quan sẽ kiểm tra đánh giá công nhận thoát mù chữ.

Địa điểm các lớp học được bố trí linh hoạt, tuỳ thuộc với điều kiện của từng xã. Có nơi tổ chức tại ngay nhà văn hoá, nơi lại tổ chức ngay tại các trường học trên địa bàn,… Thời gian thường vào các buổi tối để thuận tiện cho học viên tham gia. Dù ở không gian nào, thời điểm nào, điều kiện ra sao,… Những lớp học xoá mù chữ cho người dân vùng cao xứ Lạng vẫn diễn ra đều đặn, nghiêm túc, chất lượng.

Ông Liễu Văn Thoại, Phó chủ tịch UBND xã kiêm Giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng xã An Sơn (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) nói rằng, để duy trì được các lớp học, là sự nỗ lực của toàn ngành giáo dục, sự ủng hộ của các cấp chính quyền, địa phương.

Ông Thoại dẫn câu chuyện về một học viên 30 tuổi, nhà cách điểm học hơn 10 km nhưng lại không có phương tiện lại. Học viên này đã được bí thư, trưởng thôn trực tiếp đưa đón đến lớp trong nhiều tháng nay. Hay câu chuyện về một học viên khác, sau khi tham gia vài buổi học, biết được cách đọc, cách viết cơ bản đã bắt đầu chán nản, làm đơn xin nghỉ học. Khi đó, ông Thoại cùng giáo viên chủ nhiệm, trưởng thôn đến nhà động viên, phân tích để vận động học viên tiếp tục đến lớp,...

“Hiện ở xã tôi vẫn còn gần 80 người chưa biết chữ, trong đó có những người đã ngoài 70 tuổi ngại đi học vì không biết sử dụng phương tiện đi lại, tuổi cao lười học; một số đi làm ăn xa hay đang tuổi sinh nở nên khó khăn trong việc tham gia lớp học. Do đó, chúng tôi tiếp tục rà soát và khảo sát nhu cầu của người dân để có phương án tổ chức mới lớp phù hợp”, ông Thoại cho biết.

Đánh giá về việc triển khai mô hình giảng dạy lớp xoá mù chữ trên địa bàn huyện, ông Ngô Văn Hiền, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan (tỉnh Lạng Sơn) cho rằng, không chỉ đội ngũ giáo viên đang đứng lớp trực tiếp tham gia mà Phòng GD&ĐT còn vận động thầy cô giáo về hưu tham gia phong trào xoá mù chữ trên tinh thần tự nguyện, lan tỏa tinh thần hiếu học cho người dân trên địa bàn.

Đồng thời, Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan còn huy động lực lượng là người thân của học viên để giúp đỡ người học tiếp tục đọc thông, viết thạo, tính toán và ứng dụng khoa học vào sản xuất.

Ngoài những thuận lợi đến từ sự đồng lòng, quyết tâm đẩy nạn mù chữ, ông Hiền cho biết huyện Văn Quan là huyện miền núi nghèo, việc sử dụng nguồn kinh phí địa phương chi trả cho giáo viên thực hiện hết sức khó khăn.

“Chúng tôi vận động người tham gia giảng dạy lớp xoá mù chữ trên tinh thần tự nguyện là chủ yếu. Đặc biệt, chúng tôi có sự hỗ trợ tối đa của những nhà giáo đã về hưu, cán bộ trung tâm giáo dục cộng đồng, cán bộ văn hoá xã tham gia giảng dạy, phần nào đó cũng giảm áp lực cho các thầy cô giáo đang công tác”, ông Ngô Văn Hiền nói.

NGÔ CHUYÊN - CẨM VÂN Đồ họa: TIẾN THÀNH
NGÔ CHUYÊN - CẨM VÂN

Đồ họa: TIẾN THÀNH

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Diễn sâu kịch bản vụng

GD&TĐ - Ukraine càng thêm khó khăn trong cuộc chiến với Nga thì quyết định cho phép của Mỹ và Anh sẽ càng đến nhanh.