Để những hy sinh thầm lặng của đồng nghiệp không vô nghĩa, đội ngũ giáo viên Trường Mầm non Đường Thượng sẽ viết tiếp những trang giáo án còn dang dở. Tin rằng, dẫu núi có cao, vực có sâu, dẫu bao hiểm nguy luôn rình rập nhưng các thầy, cô vẫn hoàn thành trọn vẹn ước mơ của người đã khuất trên hành trình gieo mầm tri thức.
Cô Mai Thị Yến (sinh năm 1987) quê tại xã Bằng Hành, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Năm 2010, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, cô tiếp tục theo học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và xung phong lên xã Đường Thượng làm giáo viên cắm bản.
Trường Mầm non Đường Thượng thuộc huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Đây là xã đặc biệt khó khăn của huyện với 100% trẻ người Mông. Trường Mầm non Đường Thượng có 504 trẻ học tại trường chính và 9 điểm lẻ. Điểm trường Cờ Tẩu nơi cô Yến giảng dạy cách trung tâm xã khoảng 3 cây số, đường đi được trải đá, với những khúc cua nguy hiểm.
Trong quá trình làm việc ở vùng cao, năm 2012, cô Mai Thị Yến lập gia đình với thầy Nguyễn Đại Đình Nam, giáo viên kiêm Tổng phụ trách Đội Trường PTDT Bán trú Tiểu học Đường Thượng. Vợ chồng cô sinh được hai người con. Con lớn (sinh năm 2013) gửi bà nội nuôi, còn con nhỏ (sinh năm 2018) theo bố mẹ lên Hà Giang.
Trải qua 13 năm công tác, bám bản dạy chữ, cô luôn được đồng nghiệp, nhà trường và phụ huynh yêu mến; nhiều năm liền là giáo viên xuất sắc. Nói về đồng nghiệp của mình, cô Bang Thị Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Đường Thượng kể: Dù sức khoẻ không tốt, song với tình yêu nghề, thương trẻ, cô luôn cố gắng vượt qua khó khăn của bản thân, rào cản đến từ ngoại cảnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ, kiên trì cắm bản, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng cao.
13 năm bám bản, cung đường vốn được coi là “ải tử thần” tưởng chừng như quá quen thuộc với cô Yến và đồng nghiệp nhưng chẳng ai ngờ cũng là nơi cô dừng lại hành trình gieo chữ của mình.
Ông Nguyễn Đức Tuyên, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang cho biết: Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 16h ngày 3/5, khi cô Mai Thị Yến cùng chồng và con nhỏ quay trở lại trường học sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5.
Do đường núi quanh co, dốc trơn trượt, xe máy của vợ chồng cô gặp sự cố nên rơi xuống vực sâu. Nơi xảy ra tai nạn cách điểm trường khoảng 2km. Khi đồng nghiệp và người dân phát hiện đã nhanh chóng ứng cứu, đưa cô Yến đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, do bị thương quá nặng, nữ giáo viên qua đời lúc 20h cùng ngày. Chồng cô Yến bị đa chấn thương, rất may cháu nhỏ không bị thương nặng.
Nhớ về đồng nghiệp, ông Nguyễn Đức Tuyên kể, cô Yến luôn nhiệt tình, trách nhiệm, yêu nghề. Đang nuôi con nhỏ nhưng khi nhà trường phân công nhiệm vụ bất cứ điểm trường nào, cô chưa bao giờ từ chối. Sự ra đi của cô Yến không chỉ là mất mát lớn của gia đình mà còn là thiệt thòi của nhà trường, ngành Giáo dục Yên Minh.
Sau sự việc đáng tiếc xảy ra, Ban giám hiệu Trường mầm non Đường Thượng đã họp và động viên tinh thần đội ngũ vượt qua đau thương, mất mát; an tâm công tác, tiếp tục bám trường bám bản để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Theo cô Bang Thị Hằng, điểm trường Cờ Tẩu có 2 lớp ghép, trong đó lớp 4 – 5 tuổi do cô Mai Thị Yến phụ trách có 24 học sinh. Hầu hết trò đều nói tiếng Việt chưa sõi, nhất là trẻ 3 tuổi. Ban giám hiệu đã phân công cô Ly Thị Chu tiếp quản công việc cô Yến để lại.
Nhận nhiệm vụ viết tiếp những trang giáo án còn dang dở của đồng nghiệp, cô Ly Thị Chu chia sẻ: “Tôi gặp nhiều khó khăn vì chưa quen trường, lớp, chưa làm quen được với học sinh. Hằng ngày phải đi trên con đường đã cướp đi sinh mạng của người chị, đồng nghiệp thân thiết, tôi lại nhớ ngày xảy ra tai nạn cùng cảm giác lo sợ trước những khúc cua có thể nuốt trọn mình bất cứ lúc nào”.
Lo lắng là vậy nhưng cô Chu và những giáo viên Trường Mầm non Đường Thượng ngày ngày miệt mài trên con đường cõng chữ lên vùng cao với quyết tâm hoàn thành trọn vẹn những ước mơ, nguyện vọng còn dang dở là gắn bó với lớp, trường và với lũ trẻ vùng cao trên hành trình ươm mầm tri thức của đồng nghiệp đã ngã xuống.
Đọc thông tin về vụ tai nạn của cô Yến, những ký ức về thời thanh xuân của thầy Đặng Xuân Viên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Xuân (Quan Hóa, Thanh Hóa) lại ùa về.
Kể về quãng thời gian “cõng chữ lên ngàn”, thầy Viên nhớ lại: “Những ngày đầu bước chân lên vùng trời Trung Lý, ngước đôi mắt nhìn về phía những ngọn núi cao vòi vọi, nhưng sức trẻ đầy nhiệt huyết, tinh thần lạc quan, chúng tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Ban giám hiệu phân công tôi và thầy Đỗ Quang Bằng về các bản của xã Trung Lý, để vận động trẻ em người Mông ra lớp.
Trung Lý nổi tiếng với câu “nhất Trung Lý, nhì Trung Sơn”, bởi lẽ đã có nhiều người bỏ mạng ở đây vì sốt rét. Có thời điểm, người chết vì sốt rét trong xã lên đến hàng trăm. Trước thời điểm chúng tôi lên chừng nửa tháng, thầy Đỗ Xuân Thơm là Phó Hiệu trưởng Trường PTCS Trung Lý đã không qua khỏi vì sốt rét”.
Khi nhắc đến thầy Đỗ Quang Bằng, nhà giáo Đặng Xuân Viên dường như “chạm” phải ký ức buồn thương không thể quên. Bởi, lúc lên nhận công tác, cả hai người cùng đi. Nhưng vừa lên đến trường được ba ngày, thầy Viên bị sốt rét và viêm cơ tay. Cánh tay phù to như cái phích, nên phải xuống Bệnh viện huyện Quan Hóa điều trị.
Thầy Bằng cùng một đồng nghiệp nữa được phân công vào bản Tài Chánh (xã Mường Lý, Mường Lát ngày nay) để dạy lớp 1 và lớp ghép 2, 3. Các thầy phải đi bộ gần 45 km đường rừng, từ bản Táo - điểm trường chính của Trường PTCS Trung Lý để đến bản Tài Chánh. Khi thầy Bằng và đồng nghiệp về điểm trường lẻ, được bà con ở bản dựng cho 2 gian nhà tạm, vách nứa, lợp lá cọ để làm lớp học và nơi ở.
Ổn định điểm trường xong, các thầy lại men theo lối mòn, xuyên rừng, vượt suối về điểm trường chính nhận sách giáo khoa, đồ dùng học tập, phấn, bảng, vở viết cho học sinh.
“Sáng 22/9/1992, thầy Bằng cùng thầy Lê Văn Duẩn, Nguyễn Văn Đông mỗi người cõng trên lưng khoảng 20kg sách giáo khoa, phấn, bảng con, vở viết trở lại điểm lẻ. Thời điểm đó đang mùa mưa bão, nước sông Mã rất to, dòng sông hẹp, sâu và chảy xiết. 3 thầy giáo cùng ông lái đò trên một chiếc thuyền độc mộc vượt sông tại bến đò Cò Cài - Tài Chánh.
Thuyền ra gần giữa dòng, sóng to khiến người và hành lý đều bị ướt. Để bảo vệ đồng nghiệp và đồ dùng học tập cho học sinh, thầy Bằng đã bất chấp nguy hiểm nhảy xuống dòng nước xiết để đẩy thuyền. Thế nhưng, dòng nước cuồn cuộn đã cuốn trôi thầy giáo trẻ.
Tới ngày 11/10/1992, thi thể thầy Bằng mới được phát hiện. Người dân và đồng nghiệp đã lo việc hậu sự cho thầy. Sau này, khi có điều kiện, gia đình mới đưa thầy về quê nhà”, thầy Viên kể, hai khóe mắt đỏ hoe.
Cảm thương sự ra đi của thầy Bằng, đồng nghiệp đã làm hồ sơ, gửi tới các cơ quan chức năng với mong mỏi Nhà nước có chính sách ghi công cho thầy và những giáo viên đã nằm lại ở vùng rừng sâu, núi thẳm. Thế nhưng, đến bây giờ, điều đó vẫn chưa thành hiện thực khiến những người ở lại luôn khắc khoải, nghĩ suy. Và để tiếp nối hành trình của người ngã xuống, thầy Viên và nhiều đồng nghiệp khác đã tình nguyện ở lại, gắn bó cuộc đời với lũ trẻ vùng cao.
Ngay sau khi sự việc không may xảy ra với cô giáo Yến, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang đã kịp thời chỉ đạo, phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện Yên Minh quan tâm và hỗ trợ gia đình lo tang lễ cho cô Mai Thị Yến, thăm hỏi động viên tới thầy Nguyễn Đại Đình Nam và hỗ trợ gia đình 50 triệu đồng từ Quỹ Khuyến học – khuyến tài tỉnh.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thế Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT, Hà Giang là tỉnh có số lượng trường, điểm trường lớn, địa hình đi lại khó khăn. Các thầy cô luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro trong quá trình công tác, thực hiện nhiệm vụ. Chính vì thế, sở mong các cấp, ngành quan tâm hơn nữa tới vùng khó; có chính sách hỗ trợ đối với thầy cô giáo ở các trường, điểm trường Hà Giang nói riêng và cả nước nói chung.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang cũng đề nghị cần tiếp tục thực hiện kiên cố hóa, nâng cấp cải tạo cơ sở vật chất nhà công vụ để giải quyết những khó khăn về nơi ở cho giáo viên yên tâm công tác. Cần đẩy mạnh thực hiện các hoạt động hỗ trợ đầu tư cho giáo dục ở vùng đặc biệt khó khăn trong Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi. Đặc biệt đối với những huyện vùng cao như Yên Minh quanh năm sương mù, mùa hè khô cạn, các thầy cô phải đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn tới sinh hoạt và giảng dạy.
Ghi nhận những đóng góp của đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là thầy cô công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) khẳng định: Đội ngũ nhà giáo đã và đang có những cống hiến thầm lặng nhưng hết sức vinh quang cho sự nghiệp giáo dục.
Các thầy, cô phải vượt qua những chặng đường quanh co, khúc khuỷu, trơn trượt, thậm chí phải vượt suối, vượt sông trong mùa nước lũ để đến trường. Nhiều nơi nhà ở tập thể, công trình nước sạch, vệ sinh cho giáo viên còn thiếu thốn nhưng không ngăn được những bước chân của các thầy, cô đến tận những điểm trường lẻ rất xa trung tâm của xã hoặc băng núi, vượt rừng đến tận nhà phụ huynh để vận động trẻ đến trường.
Trong công việc chuyên môn, đội ngũ nhà giáo đã khắc phục sự thiếu thốn về cơ sở vật chất dạy học, tài liệu, sách vở, về sự hỗ trợ của đồng nghiệp; phải tự tay tạo ra đồ dùng dạy học từ nguyên liệu tại chỗ để giúp các em học sinh nắm được nội dung, kiến thức của bài học. Đã có những nhà giáo ra đi trong quá trình thực hiện sứ mệnh “trồng người” cao cả.