Hưng Yên là một tỉnh nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng không chỉ nổi tiếng với các làng nghề như đúc đồng Lộng Thượng (các sản phẩm như đỉnh đồng, lư hương, lọ hoa,...), hương xạ Cao Thôn (làng nghề làm hương), long nhãn sấy, chạm bạc thôn Huệ Lai (các sản phẩm chủ yếu là: đồ trang sức, hoa tai, nhẫn,...) mà nơi đây còn được biết đến với làng nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc - làng Ông Hảo.
Tại ngôi làng mang tên Ông Hảo (làng Hảo) thuộc xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ - là ngôi làng có nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống nhiều năm tuổi, nơi đây có những người thợ hàng ngày cần mẫn sản xuất ra những chiếc trống, mặt nạ, đầu sư tử,... với rất nhiều công đoạn thủ công tỉ mỉ.
Tại làng Ông Hảo, ngoài mặt nạ, nơi đây còn nổi tiếng với sản phẩm trống thủ công. Ở những ngõ nhỏ trong làng, những tang trống được phơi dưới nắng để bền chắc hơn. |
Ở cơ sở sản xuất, ông Vũ Duy Ninh tất bật công việc làm ra những chiếc đồ chơi truyền thống. |
Loại gỗ để làm trống trước kia hay dùng là gỗ mít, nhưng nay sử dụng chủ yếu là gỗ trám, bồ đề hoặc mỡ. Sau đó, khuôn gỗ sẽ được đem đi tiện bằng máy thành khuôn trống với nhiều kích cỡ khác nhau. |
Da mặt trống làm từ da trâu, trống có kêu hay, trong tiếng hay không phần nhiều phụ thuộc vào chất lượng tấm da này. |
Tiếp đến là công đoạn bưng da cho trống. Công đoạn này đòi hỏi nhiều kinh nghiệm nhất. Bà Vũ Thị Là, thợ làm trống ở làng cho biết, cả làng chỉ còn ít người làm được khâu này, với thợ lành nghề, sẽ mất khoảng 5 phút để bưng xong một chiếc trống. |
Để mặt trống căng, người làm nghề phải dùng chân dẫm lên mặt trống, cũng để da tràn kín khuôn trống. Sau khi ghim, bà Là sẽ cắt phần da thừa, hoàn thiện mặt trống. |
Ông Vũ Duy Ninh cặm cụi quét sơn cho từng chiếc trống để kịp chuyển đi bán ở các chợ đầu mối ở Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh,... |
Ông Ninh cho biết vào dịp Trung thu, số lượng trống bán ra tăng mạnh, đa số do thương lái ở Hà Nội thu mua nên sẽ bán được khoảng 50.000 chiếc với giá từ 15.000 - 40.000 đồng tùy kích cỡ. |