back

Báo Giáo dục và Thời đại Online E-magazine
Dấu ấn mùa thu Cách mạng giữa lòng Thủ đô

Dấu ấn mùa thu Cách mạng giữa lòng Thủ đô

GD&TĐ - Cứ mỗi lần trời vào tiết thu, Thủ đô Hà Nội lại hào hùng sống lại không khí cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Không khí của những ngày bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được vang lên trên Quảng trường Ba Đình lịch sử.

Tất cả những nơi lưu dấu các mốc son chói lọi đã trở thành những di tích được trân trọng, giữ gìn, là niềm tự hào của người dân Thủ đô, cũng rộn ràng người ghé thăm...

(Ảnh: Lê Phú).

(Ảnh: Lê Phú).

Những ngày gần Tết Độc lập, ngôi Nhà lưu niệm Bác Hồ (ở ngõ 319, đường An Dương Vương, phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) gần như liên tục mở cửa đón khách. Căn nhà vẫn yên ả, bình dị giữa sự phát triển sôi động của đô thị.

Ông Công Ngọc Dũng, người đang gìn giữ, chăm sóc cho di tích đặc biệt này như bận rộn hơn với những chuyến tham quan, tìm hiểu. Với ông, đó là niềm vui, niềm tự hào rất lớn của gia đình.

Đang quét dọn khoảng sân yên tĩnh với từng nhát chổi, ông Công Ngọc Dũng dừng lại, hồ hởi đón chúng tôi ghé thăm.

Vẫn tiếp tục công việc thường ngày của mình, ông cẩn thận sắp lại lọ hoa; lau chùi ban thờ ở chính giữa căn nhà, có để ảnh Bác Hồ, một bên là lá cờ Đảng, một bên là lá cờ Tổ quốc trang trọng mà gần gũi.

Nhẹ nhàng dùng chiếc khăn mềm lau bộ tràng kỷ, chiếc sập cổ với những vân gỗ vẫn bóng đẹp theo màu thời gian, ông Dũng vừa nhẩn nha kể như thuộc lòng câu chuyện về ngôi nhà đặc biệt này, bởi từ khi ông lớn lên, nơi đây đã là một nơi đặc biệt.

“Ngôi nhà này vốn là của bà nội tôi, cụ Nguyễn Thị An, gia đình tôi đã rất vinh dự được đón Bác Hồ nghỉ lại tại đây từ ngày 23 - 25/8/1945.

Những ngày Bác ở đây, Người đã trực tiếp làm việc với các đồng chí Trường Chinh, đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Lương Bằng… về kết quả Tổng khởi nghĩa trong cả nước và chuẩn bị cho ngày Quốc khánh 2/9”, ông Công Ngọc Dũng kể.

Khi ấy, Phú Gia và Phú Xá (nay thuộc phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) vốn là cơ sở cách mạng vững chắc trong những năm 1941 - 1945, người dân nơi đây sớm đã giác ngộ, tin tưởng theo cách mạng.

Nơi đây cũng từng nuôi và bảo vệ an toàn cho các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng cùng nhiều cán bộ cao cấp của Đảng như: Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Lê Đức Thọ, Hoàng Tùng, Bạch Thành Phong… Trung ương Đảng đã tin tưởng đặt cơ sở in Báo Cờ Giải phóng, trạm liên lạc với các cơ sở của Xứ ủy, Tỉnh ủy trong cả nước.

Người dân địa phương cũng luôn hăng hái chở đò, bảo đảm bí mật, an toàn tuyệt đối cho nhiều cán bộ của Đảng trong quá trình di chuyển qua khu vực sông Hồng.

Đặc biệt, nhà cụ Nguyễn Thị An đã trở thành cơ sở cách mạng tin cậy, nằm ở vị trí thuận lợi cách đê sông Hồng 100m, có đường đi từ bờ đê xuống cổng, qua sân có lối sang nhà khác trong làng, đã được giao nhiệm vụ tiếp đón Bác Hồ.

Mùa thu năm 1945, Bác Hồ từ chiến khu về Hà Nội để chuẩn bị cho Lễ Tuyên ngôn độc lập, Chính phủ Lâm thời cách mạng ra mắt quốc dân, đồng bào. Đó cũng là lần đầu Bác Hồ về Thủ đô. Và nhà cụ Nguyễn Thị An là gia đình đầu tiên được đón tiếp Bác, nhưng lúc đó không ai hay biết.

(Ảnh: Lê Phú).

(Ảnh: Lê Phú).

“Bố tôi là Công Ngọc Kha (con trai cụ Nguyễn Thị An) khi đó cũng đang là cán bộ Việt Minh. Bố tôi kể lại rằng, khi ông được gọi về nhà thì thấy có bảo vệ ở cổng và được thông báo trong nhà đang đón tiếp các đồng chí ở chiến khu về. Một lần, ông được giao nhiệm vụ vừa phục vụ và bảo vệ đồng chí cán bộ cấp cao, vừa lo bảo vệ vòng ngoài.

Dịp này, ông mới được quan sát kỹ hơn thì thấy có một cụ già mặc bộ quần áo chàm, chòm râu thưa, vóc người gầy yếu nhưng đôi mắt sáng và phong thái rất nhanh nhẹn.

Cụ gầy yếu nhưng lúc nào cũng miệt mài ngồi làm việc ở bộ trường kỷ, khi thì ghi chép, lúc lại đánh máy.

Cụ làm việc cả ngày lẫn đêm, chỉ trừ buổi sáng sớm cụ đi ra bờ ao cạnh nhà để tập thể dục.

Bố tôi thầm đoán đây là đồng chí lãnh đạo cấp cao vì thấy các đồng chí cư xử với ông rất tôn kính.

Ông cứ nhớ mãi, khi các đồng chí chuẩn bị rời đi, đồng chí lãnh đạo cấp cao đã cho gọi mọi người trong gia đình tôi tới để gặp gỡ, cảm ơn sự giúp đỡ trong những ngày ở đây. Người còn hẹn sẽ có dịp về thăm gia đình khiến ai nấy rất xúc động”, ông Công Ngọc Dũng mắt long lanh đầy tự hào.

Trước khi các đồng chí rời đi, gia đình cụ An làm 3 mâm cơm, mọi người bố trí để đồng chí lãnh đạo cấp cao được ngồi mâm trên. Nhưng khi dọn ra, đồng chí lãnh đạo cấp cao ấy lại bảo tất cả mọi người ngồi xuống cùng nhau rất hòa đồng, ai nấy đều cảm thấy vui vẻ, thân mật.

Cho đến ngày 2/9, khi vinh dự được tham dự cuộc mít tinh lịch sử ở Quảng trường Ba Đình, ông Công Ngọc Kha và người nhà mới biết cụ già ở nhà mình hôm trước chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh, và các đồng chí đi theo chính là đoàn tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Tân Trào về Hà Nội.

(Video: Lê Phú).

Giữ đúng lời hứa, ngày 24/11/1946, Bác đã một lần nữa trở lại gia đình cụ Nguyễn Thị An và người dân làng Phú Gia. Người về làm việc với xã Phú Thượng để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ.

Với những vinh dự ấy, kể từ đó tới nay, ngôi nhà của cụ Nguyễn Thị An đã được coi như một "bảo tàng" gìn giữ những ký ức về Bác Hồ kính yêu.

“Chiếc chậu đồng mà Bác dùng để rửa mặt, chiếc phản gỗ Bác nằm, bộ trường kỷ Bác ngồi làm việc… tất cả các hiện vật đều được gia đình tôi gìn giữ cẩn thận bởi ngôi nhà nhà đã lưu giữ những kỷ niệm về Bác. Đó là niềm tự hào của gia đình tôi và quê hương Phú Thượng. Ai cũng gọi đây là “nhà Bác Hồ”, ông Công Ngọc Dũng xúc động chia sẻ.

Ngôi nhà của cụ Nguyễn Thị An đã được công nhận là “Nhà lưu niệm Bác Hồ” và chính thức mở cửa đón khách tham quan từ năm 1996. Năm 2019, ngôi nhà được công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố. Mới đây, ngôi nhà cũng vinh dự đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc.

(Ảnh: Lê Phú).

(Ảnh: Lê Phú).

Giữa phố cổ Hà Nội, có một địa chỉ đặc biệt gắn liền với sự kiện ngày 2/9/1945, nơi chứa đầy kỷ niệm và kỷ vật về Bác Hồ trong những ngày trọng đại của dân tộc.

Đó là di tích nhà số 48 Hàng Ngang (phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc từ ngày 25/8/1945 đến ngày 2/9/1945. Tại đây Người đã viết Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tới tham quan, được ngắm nhìn những kỷ vật, đồ đạc vẫn còn được giữ nguyên, trên mỗi hiện vật đều ghi lại lịch trình của Bác, chúng tôi mới thấy hết sự giản dị, gần gũi và hết lòng vì nước của Người.

Trong không gian rộng rãi của căn nhà, chỉ có một chiếc giường gấp đơn giản để bác nghỉ ngơi; bố trí ngay trong căn phòng vừa là nơi họp, phòng ăn trong những ngày Bác ở nơi đây. Cũng tại tầng 2 của căn nhà, chiếc máy chữ mà Bác Hồ từng sử dụng, viết nên bản Tuyên ngôn Độc lập vẫn còn nguyên vẹn.

Theo nhân viên quản lý tại di tích, căn nhà này rộng rãi, có hai mặt tiền nhưng chỉ có 3 phòng ở tầng 2 được bố trí để làm nơi Bác làm việc, tiếp khách và bàn bạc công việc với các đồng chí khác.

Trước đó, ngôi nhà này là tư dinh của thương gia Trịnh Văn Bô, một nhà tư sản yêu nước.

Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang nguyên là hiệu Phúc Lợi, một hãng buôn tơ lụa, vải vóc vào loại lớn nhất ở Hà Nội những năm 40 của thế kỷ trước. Ngôi nhà có hình ống, nằm gần cuối phố Hàng Ngang, địa điểm buôn bán sầm uất của khu vực phố cổ Hà Nội. Nhà hai mặt phố, gắn số 48 là mặt tiền phố Hàng Ngang, gắn số 35 là mặt tiền phố Hàng Cân.

Thời điểm đó, căn nhà số 48 Hàng Ngang được chọn làm nơi đón Bác Hồ về Hà Nội để chuẩn bị cho buổi Lễ Tuyên ngôn độc lập là do nơi này hội đủ các yếu tố thuận lợi.

Chủ nhà hết mực đi theo cách mạng, địa thế nơi này lại có hai mặt phố có thể rút nhanh khi bị động.

Đây là nơi buôn bán sầm uất; chủ nhà lại là gia đình giàu có, ít người sẽ nghĩ trong nhà có nuôi giấu cán bộ cách mạng.

Trước đó, đồng chí Trường Chinh cũng đã về kiểm tra ngôi nhà theo chỉ thị của Bác; vẽ rất kỹ sơ đồ nhà 48 Hàng Ngang, đưa lên an toàn khu ở Thái Nguyên cho Bác kiểm tra và Bác đã chấp thuận về đây chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại của dân tộc.

Ngay từ những ngày đầu Cách mạng tháng Tám 1945 và những ngày đầu thành lập nước, vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ đã hiến cho Chính quyền cách mạng 5.147 lạng vàng.

Vợ chồng ông Trịnh Văn Bô còn vận động giới doanh nhân Hà Nội ủng hộ cách mạng được trên 1.000 lạng vàng.

Theo lời kể của gia đình bà Hoàng Thị Minh Hồ, trước đó, từ 21/8/1945, Thường vụ Trung ương Đảng gồm 15 người, trong đó có ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ về ở tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang, được gia đình chăm lo chỗ ăn, chỗ ngủ chu đáo. Ngày 24/8, ông Trường Chinh gặp bà Hoàng Thị Minh Hồ nói: “Chị thu xếp chỗ ở, có ông cụ ở quê lên chơi”.

Đoán đây là việc quan trọng, gia đình cụ Trịnh Văn Bô liền nhanh chóng thu xếp để chuẩn bị đón khách.

Khoảng 6h chiều ngày hôm ấy, có một cụ già cùng hai người nữa đi vào nhà từ mặt phố Hàng Cân; rồi lên căn phòng gác ba, nơi gia đình đã chuẩn bị sẵn để đón tiếp.

Ông cụ được vợ chồng chủ nhà nhường lại chiếc giường ngủ để nằm nghỉ. Ở căn phòng đó được 3 ngày thì ông cụ xuống ở tầng 2 vừa là nơi làm việc, vừa là nơi nghỉ của các đồng chí ở Trung ương Đảng cho gần gũi với mọi người.

Tại tầng 2, bà Hoàng Thị Minh Hồ bố trí 6 giường vải cá nhân, sau đó lại làm thêm 6 cái nữa để các đồng chí họp hành khuya muộn có thể ngả giường ngủ luôn lại đó.

Và chính trong căn phòng ở tầng 2 của căn nhà này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 2/9/1945, bà Hoàng Thị Minh Hồ cùng gia đình đi dự lễ Tuyên ngôn Độc lập tại quảng trường Ba Đình. Bà đã vô cùng xúc động khi người đứng trên lễ đài đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính là “ông cụ” đã ở nhà bà, được gia đình vô cùng kính trọng.

Ghi nhận những đóng góp của gia đình, sau này, Bác Hồ xúc động bày tỏ với bà Hoàng Thị Minh Hồ rằng: “Gia đình cô là ân nhân của cách mạng”.

Tự hào, vinh dự với những dấu tích của Bác Hồ khi ở và làm việc trong những ngày trọng đại của dân tộc, căn nhà 48 Hàng Ngang đã được gìn giữ, lưu lại trọn vẹn những kỷ vật, cách sắp xếp vẹn nguyên như khi Bác ở đó.

Với những giá trị lịch sử to lớn đó, di tích đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp Quốc gia, bảo tồn các hiện vật của căn nhà đến tận ngày nay.

(Ảnh: Lê Phú).

(Ảnh: Lê Phú).

Ở Hà Nội còn có một căn nhà đặc biệt gắn liền với sự kiện trọng đại Cách mạng tháng Tám năm 1945, là căn nhà số 101 Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Nhìn căn nhà với kiến trúc cổ, sang trọng giữa trung tâm Thủ đô, có lẽ nhiều người không biết đây từng là trụ sở Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội trong cuộc Cách mạng tháng Tám.

Giờ đây, căn nhà đã trở thành trụ sở của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, nhưng tại cổng vào vẫn có tấm đá ghi lại dấu mốc: “Ngày 18/8/1945, nơi đây là trụ sở Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội (Ủy ban khởi nghĩa)”.

Những người bảo vệ trụ sở cho biết, kiến trúc của tòa nhà đến vẫn được giữ nguyên dù đã qua nhiều lần thay đổi, xây mới xung quanh.

Sáng 16/8/1945, Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội đã họp phiên đầu tiên tại ngôi nhà này, khi đó là số nhà 101 đại lộ Gambetta, do đồng chí Nguyễn Khang chủ trì.

Tại cuộc họp, dựa vào bản Chỉ thị ngày 12/3/1945 của Trung ương và Chỉ thị của Xứ ủy, Ủy ban Cách mạng Hà Nội nhận thấy cần phải cấp tốc khởi nghĩa, chớp thời cơ và tìm cách đối phó với quân Nhật ở Hà Nội.

Từ ngôi nhà số 101 Trần Hưng Đạo, Thành ủy, Ủy ban Quân sự cách mạng đã có những ngày làm việc khẩn trương và đề ra những chỉ thị, chủ trương đúng đắn lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Thủ đô thành công rực rỡ.

(Ảnh: Lê Phú).

(Ảnh: Lê Phú).

Nằm ở vị trí nổi bật trên phố Ngô Quyền (Hoàn Kiếm, Hà Nội), tòa nhà Bắc Bộ phủ là nơi mang đậm dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác Hồ đã sống và làm việc tại toà nhà này ngay sau ngày đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Đây cũng là nơi đã diễn ra cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền thành công của Nhân dân Hà Nội vào ngày 19/8/1945.

Đây là tòa tư dinh của Thống sứ Bắc kỳ cai quản toàn bộ miền Bắc được xây dựng từ năm 1918.

Khi quân Nhật tràn vào Việt Nam và đảo chính Pháp năm 1945, Dinh Thống sứ trở thành Phủ Khâm sai Bắc kỳ của chính quyền Trần Trọng Kim.

Ngày 19/8/1945, sau cuộc mít tinh lớn ở Nhà hát Lớn Hà Nội, người dân Thủ đô và lực lượng Việt Minh đã kéo đến chiếm Phủ Khâm sai - tòa nhà biểu trưng cho quyền lực thực dân và phong kiến một thời. Toà nhà đã thuộc về chính quyền cách mạng và sau đó được gọi tên là Bắc Bộ phủ.

Một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 3/9/1945, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ. Phiên họp được tiến hành giản đơn, không có nghi thức, song tính chất hết sức quan trọng, để giải quyết những nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ trong thời kỳ mới.

Đối mặt với những khó khăn to lớn, chồng chất khi tài chính đất nước kiệt quệ, nạn đói vẫn đang là mối đe dọa, đại đa số Nhân dân không biết chữ, ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ tại toà nhà Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, gồm 6 vấn đề: Giải quyết nạn đói; giải quyết nạn dốt; phải có một hiến pháp dân chủ; phải giáo dục Nhân dân trừ bỏ những thói xấu do chế độ thực dân đã dùng mọi thủ đoạn để đầu độc và hủ hoá dân ta; bỏ ngay 3 thứ thuế là thuế thân, thuế chợ, thuế đò và "tuyệt đối cấm hút thuốc phiện"; đề nghị Chính phủ ta tuyên bố tín ngưỡng tự do và Lương - Giáo đoàn kết.

Sau cuộc họp quan trọng của Chính phủ còn non trẻ, Bắc Bộ phủ tiếp tục là nơi làm việc của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến tận ngày Toàn quốc kháng chiến.

Sau năm 1954, tòa nhà được sửa chữa và trở thành Nhà khách Chính phủ. Đến nay tòa nhà này đã qua bốn lần thay đổi tên gọi và thay đổi công năng, nhưng nơi đây vẫn là di tích đầy tự hào của một thời oanh liệt.

Như những nhân chứng của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, các di tích đã góp phần tạo nên những bước ngoặt quan trọng của lịch sử Việt Nam. Mảnh đất Thủ đô với những niềm tự hào làm nên một thiên anh hùng ca vĩ đại của dân tộc ta ở thế kỷ 20.

Tới thăm những di tích này, mỗi người dân Việt Nam vẫn như đang được sống lại khí thế của những ngày toàn dân kháng chiến, nhắc nhở thế hệ sau về một thời kỳ hào hùng, vẻ vang của cả dân tộc.

(Video: Lê Phú).

Theo Báo Tin tức

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ