back

Báo Giáo dục và Thời đại Online E-magazine

Triển khai Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 được xây dựng với nhiều nội dung, chính sách hỗ trợ đầu tư cho giáo dục, nhất là sự quan tâm đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú (PT DTNT). Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, mô hình này bộc lộ không ít khó khăn, hạn chế cần khắc phục...

Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên thành lập năm 1956. Trải qua 68 năm xây dựng và trưởng thành, nhà trường có sự phát triển vượt bậc, trở thành điểm sáng của giáo dục dân tộc tỉnh Điện Biên. Với những thành tích xuất sắc đạt được, trường đã khẳng định là “chiếc nôi” đào tạo nguồn nhân lực dân tộc thiểu số chất lượng, “vườn ươm” tài năng trẻ tỉnh Điện Biên.

Thầy Hiệu trưởng Vũ Trung Hoàn chia sẻ: “Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của nhà trường luôn đạt 100%. Chất lượng thi học sinh giỏi cấp tỉnh 3 năm gần nhất đứng thứ hai trong hệ thống các trường THPT. Tỷ lệ học sinh đỗ các trường đại học, cao đẳng đạt gần 90%, trong đó, nhiều em đỗ trường tốp đầu với điểm đầu vào cao. Đó là thước đo chất lượng giáo dục nhà trường”.

Tỉnh Lai Châu hiện có 9 trường PTDTNT với 82 lớp và hơn 2.700 học sinh. Những năm qua, hệ thống các trường PTDTNT trở thành địa chỉ tin cậy trong công tác đào tạo, giáo dục học sinh dân tộc thiểu số. Trường PTDTNT tỉnh Lai Châu được ghi nhận là đơn vị đi đầu trong việc duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục. Thầy Hiệu trưởng Vương Văn Tâm trao đổi: “Chất lượng giáo dục của trường từng bước nâng cao. Nhiều học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi, nghiên cứu khoa học cấp tỉnh. Hơn 70% học sinh tốt nghiệp năm 2023 đăng ký xét tuyển và trúng tuyển vào các trường đại học trên cả nước”.

Năm học 2023 – 2024, Trường PTDTNT tỉnh Lai Châu đón hơn 400 học sinh thuộc nhiều dân tộc khác nhau từ các xã, huyện trong toàn tỉnh về học tập. “Chúng tôi sẽ nỗ lực thực hiện hiệu quả việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Cùng đó, lấy chất lượng giáo dục làm thước đo đổi mới”, thầy Vương Văn Tâm nói.

Tương tự, Trường PTDTNT THPT tỉnh Nghệ An là ngôi trường đầu tiên trong hệ thống các trường PTDTNT của địa phương này. Xây dựng từ năm 1984, đây là ngôi trường đặc thù bởi quy tụ học sinh nhiều thành phần dân tộc nhất tỉnh (Mông, Thái, Khơ Mú, Thổ, Ơ Đu, Đan Lai…).

Cô Nguyễn Thị Kiều Hoa - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, những năm qua, tập thể nhà trường luôn nỗ lực triển khai hiệu quả các hoạt động giáo dục, thực hiện vai trò chức năng của trường dân tộc nội trú. Nhà trường đã hoàn thành công nhận trường chuẩn quốc gia mức độ 2; đánh giá ngoài mức độ 3; hoàn thành xuất sắc kế hoạch thí điểm xây dựng trường trọng điểm giai đoạn 2019 - 2023,…

Có được kết quả ngày hôm nay, các trường PTDTNT đều nhận thức đội ngũ giáo viên là yếu tố quan trọng. Nhiều năm qua, Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên ưu tiên hàng đầu việc chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên. “Chúng tôi xác định đây là khâu "đột phá" để nâng cao chất lượng dạy và học ở một trường nội trú. Nhà trường đã có nhiều giải pháp tích cực trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ. Hiện, toàn bộ giáo viên có trình độ đạt chuẩn và hơn 50% trên chuẩn, 9 thầy cô giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú”, thầy Vũ Trung Hoàn cho biết.

Cũng theo thầy Hoàn, để duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường tiếp tục thực hiện đổi mới, sáng tạo trong công tác quản lý. Theo đó, phát huy quyền tự chủ trong xây dựng chương trình giáo dục và sử dụng ngân sách; công khai dân chủ, phân cấp quản lý; chi tiết hóa kế hoạch nhiệm vụ đến từng cá nhân theo hướng nâng cao tính tự chịu trách nhiệm cho các bộ phận, đoàn thể. Bên cạnh đó, trường đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học và vận dụng kiến thức, kĩ năng của học sinh.

Trải qua hơn 2 năm học tập trong môi trường Trường PTDTNT tỉnh Lai Châu, Điêu Ngọc Hải - học sinh lớp 12A1 cho biết: “Môi trường học tập của nhà trường rất tốt. Thầy cô luôn tạo điều kiện để chúng em có thể vừa học, vừa chơi và phát huy khả năng bản thân”.

Trường DTNT THPT tỉnh Nghệ An có hơn 95% học sinh người dân tộc thiểu số. Năm học 2023 – 2024, trường đón 270 học sinh lớp 10 gia nhập “mái nhà nội trú”. Cô Nguyễn Thị Kiều Hoa – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Đặc thù trường DTNT có nhiều học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, ở vùng xa xôi, điều kiện đi lại, kinh tế - xã hội khó khăn.

Những trở ngại này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động giáo dục toàn diện. Mặt khác, chất lượng đầu vào các môn văn hóa của học sinh còn thấp, chưa đồng đều. Kỹ năng đọc hiểu, tính toán, tự học và trao đổi, chia sẻ, học tập theo cặp, nhóm của học sinh chưa tốt; tinh thần, ý chí và khát vọng học tập của các em cũng không cao.

“Một phần nguyên nhân đến từ việc gia đình các em khó khăn, cha mẹ bận công việc mưu sinh nên chưa thực sự chú trọng, động viên con cái học hành. Lớn lên trong hoàn cảnh đó, nhiều em không nhận thức rõ tầm quan trọng của việc học nên chểnh mảng, mải chơi. Ngoài ra, phần lớn học sinh phải xa nhà đi học, thiếu sự quan tâm, chăm sóc hàng ngày của cha mẹ…”, cô Hoa cho hay.

Từ những khó khăn trong điều kiện sống và học tập, cô Hoa nhìn nhận một bộ phận học sinh thiếu tự tin, tự lực, ngại khó, tâm lý e dè, mặc cảm, khó hoà nhập khi đến trường. Trong khi bước vào môi trường THPT đòi hỏi sự tự lập, sáng tạo, chủ động trong học tập lẫn sinh hoạt… nên các em cảm thấy lo lắng, sống khép mình, ngại trao đổi với thầy cô và bạn bè.

Trở ngại khác mà thầy cô Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An ghi nhận là giao tiếp giữa giáo viên và học sinh hạn chế. Học sinh đến từ nhiều thành phần dân tộc như Thái, Mông, Khơ mú... có ngôn ngữ, văn hoá riêng; chơi, sinh hoạt theo các nhóm dân tộc khác nhau. Dù các em vẫn sử dụng tiếng Kinh để trò chuyện với thầy cô, bạn bè nhưng còn có khoảng cách. Điều đó đòi hỏi thầy cô, nhà trường chủ động tiếp cận, trao đổi để các em cởi mở hơn, từ đó nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy và giáo dục kỹ năng sống và quản lý nội trú.

Đồng quan điểm với chia sẻ của Hiệu trưởng Trường DTNT THPT tỉnh Nghệ An, cô Hà Bích Ngọc - Hiệu trưởng Trường PTDTNT THPT Miền Tây (Nghĩa Lộ, Yên Bái) cũng trăn trở trước những rào cản của giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Nằm ở thị xã Nghĩa Lộ, trường có nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng và giảng dạy văn hóa cho học sinh khu vực phía Tây tỉnh Yên Bái.

100% học sinh là người dân tộc Mông, Dao, Mường, Tày, Phù Lá... sống tại vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn. Chính vì vậy, trình độ nhận thức, kỹ năng sống, khả năng giao tiếp… của các em và gia đình còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, trong cộng đồng còn những hủ tục gây ảnh hưởng đến ý thức, lối sống, văn hóa của học sinh như bắt vợ, tảo hôn...

Cô Ngọc chia sẻ, trong các gia đình ý thức về “con chữ” chưa cao, phó mặc việc học tập của con em cho nhà trường. Thậm chí, tình trạng học sinh bỏ, nghỉ học giữa chừng diễn ra khá phổ biến. Việc kết hợp giữa nhà trường và gia đình để giáo dục, chăm sóc học sinh gặp nhiều hạn chế. Học sinh ở trường cả tuần, thậm chí nhiều tháng mới về nhà nên giáo viên ngoài công tác giảng dạy còn kiêm nhiệm vụ quản lý, chăm sóc học sinh. Các thầy cô đã đồng hành, chăm lo cho nhiều thế hệ học sinh từ ăn, mặc, phong cách, tác phong sinh hoạt...

Cô trò Trường PT DTNT THPT tỉnh Nghệ An.

Cô trò Trường PT DTNT THPT tỉnh Nghệ An.

Trường PTDTNT THCS - THPT Cao Lộc nằm tại huyện biên giới Cao Lộc (Lạng Sơn) với đặc thù đào tạo cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số hai cấp học. Năm học này, nhà trường có 14 lớp với 408 học sinh, đến từ các dân tộc Tày, Nùng, Dao.

Cô Nguyễn Tuyết Chinh - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, học sinh được xét tuyển vào trường dựa trên kết quả học tập ở các trường tiểu học thuộc các thôn, xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện nên chất lượng đầu vào thấp. Cùng đó, học sinh ở lứa tuổi nhỏ, kỹ năng sống tự lập còn hạn chế, lại là trường liên cấp… nên thầy cô phải căn cứ vào đặc điểm mỗi em để có các phương pháp giáo dục hiệu quả.

Mặt khác, giáo viên vừa giảng dạy vừa thực hiện nhiệm vụ quản lý học sinh nội trú nên có ít thời gian để tự nghiên cứu, học tập, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Đáng nói, dù đã bước sang năm thứ 2 triển khai Chương trình GDPT 2018 ở cấp THPT nhưng năm học 2023 - 2024 trường vẫn thiếu 3 giáo viên ở các bộ môn Địa lý, Sinh học và Lịch sử.

Từ năm 2011, thực hiện Quyết định số 1640/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án củng cố và phát triển hệ thống trường PT DTNT, Nghệ An từ 1 trường PTDTNT đã phát triển thành 8 trường. Bao gồm, 2 trường THPT và 6 trường THCS ở các huyện Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Hợp, Quế Phong, Quỳ Châu, Kỳ Sơn. Các trường này mỗi năm có hàng trăm lớp với tổng số hơn 3 nghìn học sinh ở nhiều thành phần dân tộc.

Nhiều trường từng bước được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất mới khang trang, hiện đại, đáp ứng nhu cầu người học như Trường PTDTNT THPT số 2 tỉnh Nghệ An, Trường PTDTNT THCS Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong…

Với sự quan tâm đầu tư của tỉnh Nghệ An, cũng như chỉ đạo chuyên môn của sở GD&ĐT, hệ thống các trường PTDTNT những năm qua có vai trò lớn trong nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số. Qua đó, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân, tạo điều kiện để học sinh vùng miền núi, sâu xa được học và chăm sóc trong môi trường giáo dục toàn diện.

Bà Nguyễn Thị Châu – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quỳ Châu (Nghệ An) thông tin, 10 năm qua, phòng đã tham mưu UBND huyện ban hành 1 chương trình, 2 đề án các giai đoạn 2010 - 2015; 2015 - 2020; 2020 - 2025 về nâng cao chất lượng giáo dục, tập trung vào các nội dung như: Quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục toàn diện trung hạn, dài hạn; huy động nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất trường học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện... Trong đó, chỉ đạo thực hiện hoàn thành đúng tiến độ các đề án thành lập trường PTDTNT THCS.

Tuy nhiên, qua nhiều năm hoạt động, đặc biệt từ khi triển khai Chương trình GDPT 2018, một số đơn vị gặp nhiều khó khăn, vướng mắc đặc biệt là cơ sở vật chất, thiết bị không đảm bảo. Mặt khác, do học sinh các trường đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nên việc vận động xã hội hóa, tài trợ giáo dục vô cùng khó khăn. Ngoài cơ sở vật chất được Nhà nước đầu tư xây dựng, các thiết bị hiện đại phục vụ cho dạy học chủ yếu được lãnh đạo các nhà trường linh hoạt kêu gọi, huy động từ các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương (Nghệ An) – ông Lô Thanh Nhất cũng cho rằng, từ khi các trường PTDTNT THCS được phân cấp về địa phương quản lý trực tiếp đã tạo nhiều thuận lợi. Các vấn đề như đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, giải quyết vấn đề thực tiễn nảy sinh được kịp thời kiến nghị, có giải pháp, phương hướng giải quyết. Tuy nhiên, cũng có một số khó khăn chủ yếu về đội ngũ.

Theo đó, trước đây khi các trường PT DTNT THCS do Sở GD&ĐT quản lý trực tiếp, quỹ biên chế do sở phân bổ. Khi giao về địa phương, nhân sự của trường nằm trong quỹ biên chế huyện. Trong khi huyện phải cân đối đội ngũ cho tất cả trường học trên địa bàn, và dù ưu tiên cho trường DTNT cũng phải tính toán tới tổng thể.

Không phủ nhận, những chính sách dành cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó có học sinh các trường phổ thông nội trú đã tiếp bước đến trường, tạo động lực để các em yên tâm học tập, yêu trường, lớp; trở thành con ngoan trò giỏi. Song, một số chính sách đã “lỗi thời”, cần sớm điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn khách quan.

Chia sẻ điều này, thầy Danh Phương - Hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS Giồng Riềng - Kiên Giang) đồng thời viện dẫn: Hiện học sinh trường THCS dân tộc nội trú được cấp chăn bông, chiếu, màn, áo bông, áo mưa... Tuy nhiên, việc trang cấp này chỉ thực hiện một lần vào năm học đầu cấp (lớp 6). Điều này có nghĩa, mỗi học sinh trường THCS dân tộc nội trú được cấp áo bông, đồng phục, chăn bông, chiếu, màn... dùng cho 4 năm học. Trong khi đó, ở lứa tuổi này, nhiều em bước vào giai đoạn dậy thì “tuổi ăn, tuổi lớn”, quần, áo vừa chật vừa ngắn ngay khi bước vào lớp 8.

Ngoài ra, các đồ dùng cá nhân nêu trên dễ bị hư hỏng nên khó để học sinh sử dụng trong suốt 4 năm học tập. Đặc biệt, việc cấp áo mưa là không phù hợp do các em ở nội trú, chủ yếu di chuyển trong phạm vi nhà trường. “Từ những bất cập nêu trên, tôi đề nghị việc trang cấp quần áo cho học sinh cần được thực hiện hằng năm. Cụ thể, mỗi năm học sinh được cấp 1 áo ấm và 2 bộ quần, áo đồng phục (dài tay, ngắn tay). Học sinh được cấp tiền tàu xe theo giá vé thông thường của phương tiện vận tải công cộng, mỗi năm 2 lần (cả lượt đi và lượt về) để thăm gia đình vào dịp Tết và dịp nghỉ hè”, thầy Danh Phương bày tỏ.

Hiệu trưởng Trường PTDTNT THPT Ka Lăng (Lai Châu), thầy Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, mức học bổng cho học sinh trường dân tộc nội trú là 80% mức lương cơ bản.

Mức học bổng này còn thấp để nhà trường đảm bảo bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng cho các em. Vì thế, mức học bổng này có thể tăng lên 100% mức lương cơ bản, nhằm bảo đảm mức sống, sinh hoạt tối thiểu cho học sinh. Hiện, mức lương và chế độ đối với nhân viên phục vụ còn thấp, không bảo đảm mức sinh hoạt tối thiểu nên cần có hỗ trợ để họ yên tâm công tác….

Ngoài ra, Nhà nước cần bổ sung nhiều kinh phí cho các trường phổ thông dân tộc nội trú để có thể tổ chức thêm các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao trong nhà trường. Mở rộng diện tích để đủ sân và thiết kế khu thực hiện các mô hình tăng gia sản xuất cho các em. Bên cạnh đó, địa phương, trường cần phối hợp, tổ chức cho học sinh trường dân tộc nội trú đi tham quan, giao lưu với nhau để học hỏi và phát triển toàn diện.

NGỌC HÀ - TIẾN THÀNH

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ