back

Báo Giáo dục và Thời đại OnlineE-magazine
Báo GD&TĐ dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ ở các tỉnh miền Trung

Báo GD&TĐ dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ ở các tỉnh miền Trung

GD&TĐ - Hướng tới Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), trong các ngày 22, 24 và 25/7, thừa ủy quyền của Ban biên tập, Văn phòng đại diện Báo GD&TĐ khu vực Miền Trung - Tây Nguyên đã thành kính dâng hương, đặt vòng hoa tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ tại một số nghĩa trang liệt sĩ.

Tại Thanh Hóa, sáng 25/7, đại diện Báo GD&TĐ tại Thanh Hóa đã đến viếng, đặt vòng hoa, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàm Rồng (TP Thanh Hóa).

Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) là nơi yên nghỉ của hơn 2.000 liệt sĩ Thanh Hóa hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và quân tình nguyện làm nghĩa vụ quốc tế tại nước bạn Lào.

Những chiến công và tên tuổi của các Anh hùng, liệt sĩ đã trở thành bất tử, tạo nên bản hùng ca mãi khắc ghi vào lịch sử, khắc sâu vào tâm khảm của các thế hệ người dân thành phố Thanh Hóa hôm nay.

Theo thống kê, tỉnh hiện có 350.141 người có công, trong đó có 4.625 bà mẹ Việt Nam Anh hùng; cán bộ lão thành cách mạng gần 500 người, cán bộ tiền khởi nghĩa gần 900 người; gần 56.000 liệt sĩ, gần 44.000 thương binh, hơn 15.000 bệnh binh, hơn 100 anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động; gần 15.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học...

Đến nay, hầu hết người có công với cách mạng và thân nhân người có công đã được hưởng các ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo, giải quyết việc làm, cải thiện về nhà ở, 100% bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đã được phụng dưỡng.

Các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công đã thật sự trở thành một phong trào rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức tổ chức, nhiều việc làm cụ thể, thiết thực... trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội.

Tại Nghệ An, ngày 23/7, đại diện Báo Giáo dục và Thời đại đã đến dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Việt – Lào (huyện Anh Sơn, Nghệ An).

Nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Việt - Lào có diện tích gần 7ha, là nghĩa trang lớn nhất quy tập mộ liệt sĩ của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào. Đây cũng là nghĩa trang duy nhất của nước ta mang tên hai quốc gia Việt Nam – Lào, biểu tượng cho tình đoàn kết thủy chung, son sắt của nhân dân hai dân tộc.

Từ khi xây dựng vào năm 1976 cho đến nay, nghĩa trang đã tiếp nhận và chăm sóc gần 11.000 phần mộ liệt sĩ thuộc 47 tỉnh, thành phố trên cả nước đã hy sinh trên chiến trường nước bạn.

Dịp này, bà con nhân dân từ khắp mọi miền đất nước cũng tới nghĩa trang để dâng hương, thể hiện lòng thành kính tri ân đối với những người đã hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả, vì hạnh phúc của nhân dân hai nước Việt Nam – Lào.

Tại Hà Tĩnh, thay mặt Ban biên tập Báo GD&TĐ, Nhà báo Nguyễn Văn Dũng - Trưởng Văn phòng đại diện báo Giáo dục và Thời đại khu vực Miền Trung - Tây Nguyên cùng các phóng viên, CTV đã đến đặt vòng hoa và dâng hương tại Khu nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Nầm (xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh).

Tại buổi dâng hương, trước anh linh các anh hùng, liệt sĩ, nhà báo Nguyễn Văn Dũng bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của đế quốc, vì nền độc lập, thống nhất của Tổ quốc.

Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Nầm có diện tích rộng chừng hơn 2ha. Đây là nơi yên nghỉ của gần 1.200 liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.

Ngoài những chiến sỹ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đây cũng là nơi an nghỉ của hàng trăm quân tình nguyện Việt Nam tham gia làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào và Campuchia, trong đó Lào là nhiều nhất.

Đoàn công tác dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Nầm và thắp hương tại Nhà tưởng niệm Nhà báo - Liệt sĩ Trần Kim Xuyến.
Đoàn công tác dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Nầm và thắp hương tại Nhà tưởng niệm Nhà báo - Liệt sĩ Trần Kim Xuyến.

Theo thống kê của Ban liên lạc quân tình nguyện - chuyên gia Việt Nam giúp cách mạng Lào, trong thời gian làm nhiệm vụ quốc tế, hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ, chuyên gia Việt Nam đã hy sinh, bị thương. Hà Tĩnh có gần 1.000 liệt sĩ, 2.000 thương binh đã ngã xuống và bị thương ở xứ sở Triệu Voi.

Từ năm 1999 đến nay, tỉnh Hà Tĩnh thành lập đoàn công tác đặc biệt, phối hợp với nhà nước Lào, tìm kiếm, cất bốc được 660 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia hy sinh tại Lào đưa về nghĩa trang Nầm an táng. Riêng mùa khô 2021-2022, đội quy tập của tỉnh tổ chức 50 lượt tìm kiếm, cất bốc được 9 hài cốt liệt sĩ.

Nhân dịp này, cán bộ, phóng viên, cộng tác viên Văn phòng Báo GD&TĐ khu vực Miền Trung - Tây Nguyên cũng đã đến dâng hương tại Nhà tưởng niệm Nhà báo - Liệt sĩ Trần Kim Xuyến tại xã Tân Mỹ Hà (Hương Sơn, Hà Tĩnh).

Nhà báo - Liệt sĩ Trần Kim Xuyến (1921-1947) nguyên là đại biểu Quốc hội khóa I, nhà báo, Phó Giám đốc Nha Thông tin (Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam ngày nay). Ông đã hy sinh từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, để lại niềm tiếc thương sâu sắc trong đồng nghiệp, đồng đội.

Đại diện chính quyền địa phương nhận quà từ Báo GD&TĐ, trao quà đến các hoàn cảnh chính sách trên địa bàn Hà Tĩnh.

Đại diện chính quyền địa phương nhận quà từ Báo GD&TĐ, trao quà đến các hoàn cảnh chính sách trên địa bàn Hà Tĩnh.

Cùng dịp này Văn phòng Báo Giáo dục và Thời đại khu vực Miền Trung - Tây Nguyên cũng đã trao một số phần quà cho gia đình chính sách ở Phường Nam Hà và Phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh.

Tại Quảng Bình, chiều 24/7, phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại thường trú tại Quảng Bình đã đến dâng hoa và thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Ba Dốc.

Ông Lê Quang Trung, Quản trang Nghĩa trang Liệt sĩ Ba Dốc cho biết, nơi đây hiện có hơn 3 ngàn liệt sĩ khắp mọi miền đất nước đang an nghỉ, trong đó các tỉnh có số liệt sĩ nhiều nhất là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Nghĩa trang liệt sĩ Ba Dốc có từ năm 1992, và trong những năm gần đây, rất nhiều hài cốt liệt sĩ được tìm thấy ở Lào về an nghỉ tại đây. Cũng theo ông Trung, những năm gần đây, đặc biệt là dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, có hàng ngàn đoàn và gia đình thân nhân các liệt sĩ về dâng hương, tưởng nhớ đến công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Tại Quảng Trị, các phóng viên thường trú đã đến dâng hoa, dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn tọa lạc trên khu vực đồi Bến Tắt thuộc xã Linh Trường, huyện Gio Linh.

Đây được xem là một trong những nghĩa trang có quy mô lớn nhất cả nước, quy tụ hơn 10.200 phần mộ của các liệt sĩ đã chiến đấu anh dũng và ngã xuống trên tuyến đường huyền thoại Trường Sơn - đường chiến lược huyết mạch để giải phóng miền Nam.

Tại đây, đại diện Báo GD&TĐ đã thỉnh chuông cầu nguyện cho hương hồn các anh hùng liệt sĩ.

S​​au khi dâng hoa, dâng hương tại Đài tưởng niệm trung tâm của Nghĩa trang, các phóng viên đã tỏa đi các phần mộ, thắp nén tâm nhang bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến với các anh - những người con trung hiếu, quả cảm, đã không tiếc máu xương và tuổi thanh xuân của mình, anh dũng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Tại Huế, nhằm tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập dân tộc, kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh - Liệt sĩ, chiều 24/7, PV và CTV Báo Giáo dục và Thời đại đã đến viếng, đặt vòng hoa tưởng niệm và thắp hương ở Nghĩa trang liệt sĩ TP Huế.

Quản trang Nghĩa trang liệt sĩ TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, nghĩa trang nằm ở phía Nam TP Huế và phía Tây của phường An Tây với tổng diện tích 96.000m2 gồm 2.214 ngôi mộ liệt sĩ. Trong đó có 2.023 mộ liệt sĩ có hài cốt gồm 1.675 ngôi mộ liệt sĩ vô danh (không biết tên), 36 mộ liệt sĩ chưa đầy đủ thông tin và 348 mộ liệt sĩ đã có thông tin.

Trong số 2.023 mộ liệt sĩ có hài cốt thì có 657 ngôi mộ liệt sĩ được quy tập từ nước Lào về từ những năm 1998 – 1999 đến hiện nay.

Tại Đà Nẵng, sáng 25/7, phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại tại Đà Nẵng đã đến viếng, đặt vòng hoa tưởng niệm và thắp hương ở Nghĩa trủng Phước Ninh (phường Nam Dương, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng).

Đây là nơi quy tụ thi hài của hơn 1.500 nghĩa sĩ, đồng bào đã hy sinh trong những năm đầu chống Pháp (1858 - 1860). Đây cũng là một trong 2 Nghĩa trang liệt sĩ đầu tiên ở Việt Nam.

Theo lịch sử, rạng sáng 1/9/1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha do viên trung tướng Pháp là Rigault de Genouilly chỉ huy nổ súng bắn phá các đồn lũy, chiếm đánh thành Điện Hải, An Hải mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược của phương Tây vào Việt Nam.

Hàng nghìn nghĩa sĩ, đồng bào của Quảng Nam - Đà Nẵng... đã chiến đấu và anh dũng hy sinh trên mảnh đất Đà Nẵng, được nhân dân trong vùng quy tập vào Nghĩa trủng Hòa Vang và Nghĩa trủng Phước Ninh.

Đối với Nghĩa trủng Phước Ninh, hài cốt các nghĩa sĩ, đồng bào đã được di dời, cải táng về nghĩa trang ở xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang. Trên nền nghĩa trủng (cũ) TP. Đà Nẵng vẫn để lại khu đất rộng để lưu giữ tấm bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ bằng đá sa thạch cao 1,2m rộng 0,8m.

Năm 1988, di tích Nghĩa trủng Phước Ninh được công nhận di tích Quốc gia.

Tại Quảng Ngãi, chiều 24/7, đại diện Báo Giáo dục và Thời đã đến dâng hoa và viếng Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Quảng Ngãi.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ Tổ quốc, tỉnh Quảng Ngãi có trên 181 nghìn lượt người có công với cách mạng, chiếm 14,5% dân số toàn tỉnh.

Hiện nay, tỉnh còn trên 40.000 người có công, thân nhân người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Trong đó, có gần 5.000 người là cha, mẹ, vợ hoặc chồng liệt sĩ. 208 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đang hưởng trợ cấp hàng tháng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.