back

Báo Giáo dục và Thời đại Online E-magazine

Vào buổi chiều, trên đường Đội Cấn (hướng từ Liễu Giai đến Bưởi), nhiều trẻ rủ nhau ra chơi cầu lông. Do nhu cầu vui chơi ngày hè tăng cao nhưng thiếu sân chơi công cộng nên các em lựa chọn khu vực có vỉa hè rộng để chơi.

Việc trẻ em chơi đùa trên vỉa hè sát lòng đường, nơi giao thông đông đúc, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Nam kể, có lần quả cầu rơi xuống lòng đường, vì đông xe nên nhóm không dám chạy ra. Nhờ bác bán hàng nước gần đó nhặt hộ nên các em bị mắng.

Và nhiều em vẫn chấp nhận “bị ăn mắng nhưng được chơi còn hơn ngồi bó gối ở nhà”.

Tại nhà D3, D4, D5 khu tập thể Giảng Võ, quận Ba Đình, sân chơi từ lâu trở thành nơi gửi xe hoặc để người dân dựng hàng quán. Các hộ kinh doanh xếp nhiều bàn, ghế nhựa quanh khu vực sân chơi nên trẻ em không còn chỗ vui đùa.

Tập thể dân cư D4 Giảng Võ, dù đã có biển báo yêu cầu người dân không để xe tại khu vực sân chơi nhưng hàng dài xe máy vẫn dựng tại đây. Bên cạnh đó, các thiết bị tập thể dục, cầu trượt đặt tại khu vực này còn mới được trưng dụng làm ... giá phơi đồ.

Sân chơi trước cửa khu tập thể 5 tầng phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm trở thành nơi tập kết rác thải. Buổi sáng, khu vực này là nơi họp chợ cóc nên rác thải được thu gom về các thùng rác lớn nằm trong sân chơi.

Còn ở khu dân cư A9, A10 khu tập thể Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, sân chơi chung được trang bị đồ chơi, thiết bị tập thể dục, ghế đá nhưng bị một số hộ kinh doanh chiếm dụng để bán đồ ăn như bún miến, chè, trà đá… Họ bày bàn ghế cho khách hàng ngồi, mặc kệ trẻ em và người già vui chơi, tập thể dục xung quanh.

Một sân chơi nằm trên đường Tô Hiệu, quận Cầu Giấy, được rào chắn cẩn thận, không được sử dụng làm nơi buôn bán hay trông giữ xe. Tuy nhiên, người dân lại đem quần áo ra phơi bởi có không gian và nhiều nắng, gây mất mỹ quan.

Tương tự, sân chơi nằm trên phố Trần Tử Bình, quận Cầu Giấy, một gia đình phơi đồ ngay phía trên một chiếc đu quay máy bay dành cho trẻ em. Xung quanh đó, người dân vứt rác thải sinh hoạt, thùng xốp và kinh doanh đồ ăn trưa, trà đá trong ngày.

Bất chấp tình cảnh trên, tại sân chơi trong các khu nhà tập thể ở phường Nghĩa Tân, trẻ em vẫn xuống chơi nhưng hạn chế chạy nhảy hoặc các hoạt động thể thao có thể gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh hoặc phơi đồ ở phía đối diện. Chưa kể, diện tích sân chơi bị thu hẹp nên trò chơi tập thể, hoạt động mạnh không còn phù hợp.

Diện tích sân chơi chung tại tổ dân phố số 2 phường Kim Liên, quận Đống Đa, bị chiếm dụng bởi hàng chục hàng quán. Trong ngày, nhất là vào buổi trưa, khu vực này là nơi buôn bán đồ ăn, thu hút đông nhân viên văn phòng, người lao động. Thức ăn thừa, rác thải vương vãi khắp nơi không chỉ gây mất cảnh quan đô thị mà còn ảnh hưởng đến môi trường.

Trên địa bàn phường Kim Liên ghi nhận sân chơi chung dành cho trẻ em, người lớn với nhiều thiết bị đồ chơi, dụng cụ tập thể dục. Nhưng tình trạng chung ở các sân chơi là người dân xếp chồng bàn, ghế, ô dù để buôn bán hàng quán hay phơi chăn màn. Vì vậy, trẻ em không thể sử dụng đồ chơi trong sân.

Tận dụng bóng mát trong khu vực sân chơi, các hộ kinh doanh xung quanh cũng bày bàn ghế để kinh doanh cafe, nước ép.

Khu tập thể Học viện Tài chính, quận Bắc Từ Liêm, vào cuối buổi chiều, trẻ em thường tụ tập thành nhóm nhỏ chơi cầu lông hoặc đá bóng dưới lòng đường phía đối diện Trường Mầm non Cầu Diễn. Khu vực này ít người qua lại trong khi sân khu tập thể nhỏ, chật chội nên nhiều trẻ em sống quanh đây lựa chọn làm nơi vui chơi. Tuy nhiên, việc chơi dưới lòng, lề đường luôn tiềm ẩn nguy hiểm và ảnh hưởng đến người tham gia giao thông.

Nhà A13, D4, D5... khu tập thể Thành Công, quận Ba Đình, sân chơi nằm giữa các dãy nhà tập thể có diện tích rộng, nhiều cây xanh. Nhưng cả sáng lẫn đêm, sân chơi này biến thành nơi để xe của người dân hoặc vứt vải thừa từ một hộ kinh doanh may mặc nằm đối diện. Trẻ em không thể sử dụng các đồ chơi có sẵn nếu không muốn va quệt vào xe máy hoặc rác nằm xung quanh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cập nhật kqxsmb 30 ngày mở thưởng