Làng nghề cốm Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã có từ lâu đời, tới nay vẫn còn giữ được nguyên vẹn bí quyết làm ra hương thơm đặc trưng của cốm mà không nơi nào có được. |
Mỗi năm, làng cốm Mễ Trì có 2 vụ là vụ chiêm và vụ mùa. Trong đó, vụ mùa là khi tiết trời vào thu khoảng từ rằm tháng 7 âm lịch đến hết tháng 9 âm lịch. |
Nguyên liệu làm cốm là lúa nếp. Có nhiều loại lúa nếp có thể làm cốm như lúa nếp lương phượng, lúa nếp thơm, nếp hoa cái hoa vàng, nếp than, nếp quýt,... |
Những hạt cốm sau đó được sàng để bay hết vỏ trấu. Tùy theo độ non của hạt lúa mà trung bình giã và sàng sảy từ 5 đến 8 lần thì cốm mới sạch vỏ hoàn toàn. |
“Rang cốm là một nghệ thuật, rang phải dùng củi gỗ chứ không dùng than, như vậy cốm mới dậy mùi. Lúc bắt đầu rang thì phải để to lửa, khi cốm tái thì phải giảm lửa, bởi nếu lửa to quá sẽ bị cháy, còn lửa nhỏ quá cốm sẽ không đạt yêu cầu dẻo. Mỗi mẻ rang kéo dài khoảng hơn 2 tiếng". Anh Hòa chia sẻ. |
Trong suốt quá trình rang, người dân phải canh lửa điều chỉnh liên tục lửa để hạt thóc vừa đẹp, vừa không bị sống, không bị vụn. Ước lượng miết tay hạt lúa mềm, dẻo là đủ độ. |
Cốm sau khi rang xong sẽ được xát vỏ rồi phải mang giã ngay, không được để nguội. |
Cứ mỗi lần làm là một lần rút kinh nghiệm, sáng tạo thêm nên hạt cốm ngày càng xanh, càng mỏng, càng dẻo, càng thơm. |
Hiện nay nghề cốm cũng đem lại cuộc sống ổn định cho gia đình anh Hòa và làng nghề. Trung bình một ngày nhà anh làm ra 60-70kg cốm: “Đang vào vụ mùa cốm lớn nhất trong năm nên chúng tôi phải luôn chân luôn tay ngày đêm để làm, có những ngày làm không kịp bán”. Anh Hòa phấn khởi chia sẻ. |
Những hạt cốm sau khi được hoàn thành sẽ được gói tỉ mỉ bằng lá sen để giữ hương vị, rồi buộc lại bằng những cọng rơm xanh bắt mắt. |
Sản phẩm từ cốm cũng đa dạng, phong phú theo thị hiếu người tiêu dùng chứ không đơn thuần chỉ có cốm như trước đây như chả cốm, xôi cốm, giò cốm, bánh cốm… |