back

Báo Giáo dục và Thời đại OnlineE-magazine
Cầu Trường Tiền Huế. (Ảnh: Hoàng Hải)

8 địa điểm hấp dẫn du khách khi đến Huế dịp Tết Dương lịch 2024

GD&TĐ - Nhiều địa điểm hấp dẫn mà du khách có thể khám phá, trải nghiệm khi đến Huế du lịch vào dịp Tết Dương lịch năm 2024.

Huế là vùng đất có bề dày về văn hóa, lịch sử lâu đời. Thời gian qua, lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến Huế ngày càng nhiều và dự kiến sẽ tăng cao vào các dịp lễ, Tết.

Nhân dịp sắp đến kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2024, Báo Giáo dục và Thời đại xin giới thiệu đến quý bạn đọc một số địa điểm mà du khách có thể tham quan, trải nghiệm khi đến Huế.

1. Đại Nội Huế

Đại Nội Huế là một phần trong Quần thể di tích Cố đô Huế, mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử, kiến trúc của triều đại nhà Nguyễn và được UNESCO đã công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1993.

Đây chính là nơi sinh hoạt và diễn ra các hoạt động của triều Nguyễn thời kỳ phong kiến.

Du khách tham quan Đại Nội Huế.

Du khách tham quan Đại Nội Huế.

Hoàng Thành Huế là vòng thành thứ hai bên trong Kinh thành Huế, có chức năng bảo vệ các cung điện quan trọng nhất của triều đình, các miếu thờ tổ tiên nhà Nguyễn và bảo vệ Tử Cấm thành - nơi dành riêng cho vua và hoàng gia. Người ta thường gọi chung Hoàng thành và Tử Cấm thành là Đại Nội.

Với bề dày của lịch sử, đây được xem là một công trình kiến trúc độc đáo và cổ kính mà bạn chắc chắn không thể bỏ qua khi đến với Huế.

2. Cầu Trường Tiền

Cầu Trường Tiền hay còn có tên gọi khác là cầu Tràng Tiền là chiếc cầu bắc qua sông Hương. Đầu cầu phía Bắc thuộc phường Đông Ba, đầu cầu phía Nam thuộc phường Phú Hội tại trung tâm TP Huế.

Cầu Trường Tiền bắc qua sông Hương, nằm ngay trung tâm TP Huế.

Cầu Trường Tiền bắc qua sông Hương, nằm ngay trung tâm TP Huế.

Theo tìm hiểu, cầu được làm bằng sắt do Hãng Schneider et Cie et Letellier thiết kế, khởi công vào tháng 5/1899 và hoàn thành vào tháng 12/1900. Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, ngày nay cầu Trường Tiền là một biểu tượng của xứ Huế.

Du khách có thể trải nghiệm đi bộ, đạp xe đạp qua cầu Trường Tiền để cảm nhận vẻ đẹp thơ mộng cảnh quan nơi đây.

Du khách có thể trải nghiệm đi bộ, đạp xe đạp qua cầu Trường Tiền để cảm nhận vẻ đẹp thơ mộng cảnh quan nơi đây.

Đến với Huế dịp Tết dương lịch, du khách có thể trải nghiệm đi bộ hoặc đạp xe đạp để ngắm nhìn sông Hương và dòng người qua lại trên cây cầu lịch sử này, đồng thời có thể lưu lại khoảnh khắc đáng nhớ bên gia đình, người thân, bạn bè.

3. Cầu gỗ Lim

Cùng với cầu Trường Tiền, cầu gỗ Lim cũng là một địa điểm mà du khách cũng có thể đến để tham quan trong dịp Tết dương lịch 2024.

Được biết, cây cầu lót sàn gỗ lim và được UBND TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) xây dựng ở bờ Nam sông Hương từ tháng 2/2018 với tổng kinh phí 64 tỷ đồng. Cây cầu được khánh thành sau hơn 8 tháng thi công với chiều dài hơn 380m, rộng 4m.

Lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ tại cầu gỗ Lim. (Ảnh: Võ Thạnh).

Lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ tại cầu gỗ Lim. (Ảnh: Võ Thạnh).

Đây là công trình thí điểm nằm trong dự án quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương, kinh phí 6 triệu USD do cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ.

Bên cạnh đó, cầu cũng là điểm nối dài tuyến đường đi bộ trên sông Hương với khởi đầu từ phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu cho đến công viên Lý Tự Trọng. Đặc biệt, về đêm sẽ có nhiều hoạt động diễn ra tại đây, du khách có thể đến trải nghiệm nghe nhạc, hát, đánh đàn guitar, câu cá, đá cầu, đi bộ ngắm sông Hương, cầu Trường Tiền,…

4. Chùa Thiên Mụ

Chùa Thiên Mụ (còn gọi là chùa Linh Mụ) là ngôi chùa cổ nằm trên đồi Hà Khê, cách trung tâm TP Huế khoảng 5 km về phía Tây.

Đây là một ngôi chùa cổ bậc nhất xứ Huế mang đặc trưng của nền văn hóa Phật giáo và là một “chứng nhân” của lịch sử với nhiều sự kiện diễn ra ở mảnh đất Thần Kinh.

Chùa Thiên Mụ là một ngôi chùa cổ bậc nhất xứ Huế.
Chùa Thiên Mụ là một ngôi chùa cổ bậc nhất xứ Huế.

Theo tài liệu, chùa Thiên Mụ được xây dựng vào năm 1601 đời chúa Tiên Nguyễn Hoàng là vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong. Ngôi chùa đã trải qua nhiều giai đoạn tu sửa nhưng vẫn giữ được nét cổ kính.

Du khách nước ngoài thích thú khi tham quan tại chùa Thiên Mụ.

Du khách nước ngoài thích thú khi tham quan tại chùa Thiên Mụ.

Với lịch sử tồn tại hơn 400 năm, chùa Thiên Mụ được xem là một biểu tượng văn hóa và tôn giáo của xứ Huế.

Ngày nay, ngôi chùa là một điểm du lịch nổi tiếng khi nhắc đến Huế, thu hút hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước cùng các Phật tử đến tham quan và thực hiện các nghi lễ.

5. Lăng tẩm của Vua

Đến Huế dịp Tết Dương lịch 2024, du khách có thể tham quan tại các lăng Vua để tìm hiểu về lịch sử, văn hóa cũng như các công trình kiến trúc độc đáo của các lăng mộ Vua Nguyễn. Hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị.

Một số lăng vua nổi tiếng ở Huế như Lăng Khải Định (xã Thủy Bằng), lăng Gia Long, lăng Minh Mạng (xã Hương Thọ), lăng Tự Đức (phường Thủy Xuân),…

Lăng vua Tự Đức (Khiêm lăng) - một trong những lăng tẩm đẹp nhất xứ Huế.

Lăng vua Tự Đức (Khiêm lăng) - một trong những lăng tẩm đẹp nhất xứ Huế.

6. Làng hương Thủy Xuân

Du khách thuê cổ phục và tham quan, trải nghiệm tại làng hương Thủy Xuân.

Du khách thuê cổ phục và tham quan, trải nghiệm tại làng hương Thủy Xuân.

Làng hương Thủy Xuân nằm tại đường Huyền Trân Công Chúa cách trung tâm TP Huế khoảng 7km về phía Tây, đây là điểm “check-in” hút khách du lịch nổi tiếng xứ Huế, nhất là giới trẻ với hàng nghìn bó hương rực rỡ sắc màu sẽ tạo điểm nhấn cũng như lưu giữ lại khoảnh khắc đáng nhớ cho du khách trong dịp Tết Dương lịch năm nay.

Tại làng Hương có cửa hàng Mệ (bà) Tuyết nổi tiếng với việc bán hương gây quỹ từ thiện cho bệnh nhân ung thư.

Tại làng Hương có cửa hàng Mệ (bà) Tuyết nổi tiếng với việc bán hương gây quỹ từ thiện cho bệnh nhân ung thư.

7. Đồi Vọng Cảnh

Nằm cùng trên tuyến đường với làng hương Thủy Xuân, du khách có thể khám phá vẻ đẹp của đồi Vọng Cảnh với một bên là núi non hùng vĩ và một bên là sự thơ mộng, trữ tình của sông Hương.

Đến với đồi Vọng Cảnh, du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên với phong cảnh sông núi hữu tình.

Đến với đồi Vọng Cảnh, du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên với phong cảnh sông núi hữu tình.

Ngoài ra, du khách có thể thực hiện các hoạt động dã ngoại, cắm trại, vui chơi tại đây và cùng hòa mình vào thiên nhiên để hít thở bầu không khí trong lành giúp tinh thần được thoải mái hơn.

8. Công viên hồ Thủy Tiên

Công viên hồ Thủy Tiên nằm tại xã Thủy Bằng, TP Huế, có diện tích gần 5.000m2 do Công ty Du lịch Cố đô làm chủ đầu tư, khởi công xây dựng năm 2001 và đưa vào hoạt động năm 2004 với tổng mức đầu tư khoảng hơn 70 tỷ đồng.

Du khách có thể khám phá "công viên rùng rợn" đầy ma mị vào dịp Tết Dương lịch 2024. (Ảnh: Hoàng Hải).

Du khách có thể khám phá "công viên rùng rợn" đầy ma mị vào dịp Tết Dương lịch 2024. (Ảnh: Hoàng Hải).

Tuy nhiên, sau khi hoạt động một thời gian, công viên hồ Thủy Tiên đã bị bỏ hoang vì khai thác kém hiệu quả, sau đó UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có quyết định thu hồi dự án và bàn giao lại cho Sở TN&MT tỉnh quản lý. Từ đó đến nay, công viên này bị bỏ hoang, nhiều công trình xuống cấp khiến khung cảnh hoang vắng của công viên đã thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến khám phá.

Tháng 10/2022, một bài viết trên tờ The Washington Post (Mỹ) đã xếp công viên này vào danh sách 1 trong 11 điểm đến du lịch đáng sợ. Nếu có dịp đến Huế vào Tết dương lịch, du khách có thể đến để khám phá, trải nghiệm “công viên rùng rợn” này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ