Những bước chân về nguồn
Ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) – nơi giao điểm giữa 3 con đường chiến lược xuyên Trường Sơn – từng là “tâm điểm của tọa độ lửa” trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Không phải ngẫu nhiên mà nơi đây lại trở thành biểu tượng bất tử của tuổi trẻ Việt Nam. Câu chuyện về 10 cô gái thanh niên xung phong tuổi mười tám, đôi mươi ngã xuống trong một trận bom ác liệt ngày 24/7/1968 đã khắc sâu vào tâm trí bao thế hệ. Máu và hoa đã hòa vào đất mẹ, để từ đó nở ra muôn vàn khát vọng độc lập, hòa bình.

Tháng Tư, trời xanh biếc, nắng như rót mật trên khắp dải đất hình chữ S. Trong không khí rạo rực của ngày hội thống nhất non sông, từng dòng người lặng lẽ hành hương về Ngã ba Đồng Lộc – mảnh đất thiêng, nơi từng chứng kiến những hy sinh làm rung động lòng người.
50 năm đã trôi qua, kể từ ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, nhưng những trang sử bằng máu của cha ông vẫn chưa bao giờ bị lãng trong tâm trí những người đi sau. Ngược dòng thời gian, mỗi bước chân về nguồn cũng là một lời tri ân, một nén tâm nhang gửi về quá khứ, để hiện tại thêm vững vàng và tương lai thêm sáng rõ.
Từ sáng sớm, những đoàn xe mang biển số từ khắp các tỉnh, thành nối nhau về ngã ba lịch sử.

Trong đoàn người ấy, có những mái đầu đã bạc phơ của cựu chiến binh trở lại chiến trường xưa, cũng có những đôi mắt trong veo của học sinh lần đầu được đến nơi này. Tất cả cùng lặng người khi đứng trước khu mộ 10 nữ thanh niên xung phong đã ngã xuống trong trận bom trưa ngày 24/7/1968.
Họ nằm lại khi tuổi đời còn quá trẻ, chưa kịp viết hết một trang nhật ký, chưa kịp sống trọn một ngày bình yên.
Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Vân, 75 tuổi, quê Thái Bình xúc động chia sẻ lần nào trở lại đây, ông cũng không cầm được nước mắt.
"Những người đồng đội năm xưa đã nằm lại vĩnh viễn nơi này. Nhìn cách các bạn trẻ chăm chút từng bó hoa, nén nhang, tôi thấy những hy sinh ấy đã không bị lãng quên”, người cựu chiến binh nói.

Ngã ba Đồng Lộc không chỉ là một khu di tích, mà còn là chứng nhân lịch sử, là nơi ghi dấu bao xương máu đã đổ xuống cho nền độc lập hôm nay. Mỗi phần mộ, mỗi tấm bia ở đây là một câu chuyện, một lát cắt trong bức tranh lớn về tinh thần quả cảm và lòng yêu nước của dân tộc.
Viết tiếp câu chuyện hòa bình từ Ngã ba Đồng Lộc
Không để quá khứ chỉ là hoài niệm, Tuổi trẻ Hà Tĩnh đã và đang góp sức mình để “Viết tiếp câu chuyện hòa bình” bằng những việc làm cụ thể, thiết thực và mang ý nghĩa sâu sắc.
Chương trình cùng tên do Tỉnh đoàn Hà Tĩnh triển khai đã lan tỏa rộng khắp, như một lời tri ân sâu sắc gửi đến thế hệ cha anh, đồng thời là thông điệp mạnh mẽ, khơi dậy tinh thần yêu nước trong lớp trẻ.

Ngày 22/4 vừa qua, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh phối hợp với các đơn vị doanh nghiệp tổ chức Lễ khởi công cải tạo, nâng cấp Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ thanh niên xung phong toàn quốc tại Ngã ba Đồng Lộc, với tổng mức đầu tư hơn 9,2 tỷ đồng.
Đây không chỉ là một công trình tôn tạo hạ tầng, mà còn là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của tuổi trẻ đối với những người đã ngã xuống vì Tổ quốc.
Tỉnh đoàn Hà Tĩnh cũng đã huy động thêm 150 triệu đồng để xây dựng 3 ngôi nhà nhân ái cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Can Lộc, trao tặng đường Cờ thanh niên và 20 suất quà tới cựu thanh niên xung phong. Những phần việc ấy không hào nhoáng nhưng đầy ấm áp và nhân văn, là cách thế hệ trẻ hôm nay lặng thầm trả ơn cuộc đời bằng hành động.

Tại khu di tích, Triển lãm ảnh “Hào khí non sông – 50 năm thống nhất, phát triển và hội nhập” đang thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan mỗi ngày. Những bức ảnh đen trắng khắc họa khoảnh khắc lịch sử oai hùng, những hình ảnh tư liệu quý giá gợi nhớ về một thời máu lửa – đã và đang trở thành lớp học sống động của lòng yêu nước.
Em Phan Hà Anh, học sinh Trường THPT chuyên Đại học Vinh chia sẻ: “Khi tận mắt nhìn thấy từng hiện vật, nghe kể về cuộc sống và sự hy sinh của các cô thanh niên xung phong, em thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều. Chúng em sẽ cố gắng học tập tốt để không phụ lòng các thế hệ đi trước”.
Giữa dòng người nối nhau không ngớt, từng nhóm sinh viên áo xanh tình nguyện hướng dẫn khách tham quan, hỗ trợ thắp hương, dọn vệ sinh quanh các phần mộ liệt sĩ. Không cần lời hô hào, những việc làm giản dị ấy đã nói lên tinh thần, trách nhiệm, lòng biết ơn được nuôi dưỡng tự nhiên trong lòng người trẻ.

Ngã ba Đồng Lộc hôm nay xanh hơn, đẹp hơn, rực rỡ sắc cờ hơn, nhưng vẫn trầm mặc như thuở nào. Mỗi bước chân đến đây như đang bước vào vùng ký ức thiêng liêng – nơi quá khứ gặp gỡ hiện tại, nơi những hy sinh không tên đang truyền sức mạnh cho những ước mơ mới.
Câu chuyện hòa bình được viết tiếp không chỉ bằng các chương trình hành động, mà còn bằng sự thấu cảm, đồng hành trong nhận thức của thế hệ mới. Đó là những buổi sinh hoạt truyền thống nơi sân trường, là những chuyến đi về nguồn, là từng bó hoa, ngọn nến được thắp lên trong im lặng nhưng ấm áp biết bao.
Tuổi trẻ hôm nay không mang súng ra chiến trường, nhưng họ đang cầm bút, cầm cuốc, cầm công cụ tri thức để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Câu chuyện hòa bình không kết thúc vào ngày 30/4/1975, mà vẫn đang được viết tiếp bằng lòng biết ơn, bằng trách nhiệm công dân và bằng khát vọng vươn lên của mỗi con người Việt Nam.

Ngã ba Đồng Lộc không chỉ là địa danh, mà là biểu tượng sống động của lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Những việc làm của tuổi trẻ hôm nay chính là sợi chỉ đỏ nối dài truyền thống. Để mỗi mùa tháng Tư về, chúng ta không chỉ tưởng nhớ, mà còn hành động – để hòa bình mãi xanh.
Theo ông Đặng Quốc Vũ, Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, chỉ tính riêng từ đầu tháng 4/2025 đến nay, khu di tích đã đón trên 85.000 lượt du khách, có ngày cao điểm hơn 5.000 lượt.
“Chúng tôi đã tăng cường lực lượng túc trực, tổ chức phân luồng, đảm bảo an toàn và trật tự trong những ngày lễ cao điểm. Đầu tư xây dựng thêm các tiểu cảnh, điểm "check-in" để tạo trải nghiệm gần gũi, sinh động hơn cho du khách, nhất là giới trẻ”, ông Vũ cho biết.