Yên tâm với cụm thi tương hỗ

GD&TĐ - Trong danh sách 38 cụm thi THPT quốc gia Bộ GD&ĐT mới công bố, ngoài các trường ĐH đứng vị trí chủ trì, còn có một số trường được giao nhiệm vụ phối hợp. Sự tương hỗ này giúp cho kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức thuận lợi, hiệu quả hơn.

Yên tâm với cụm thi tương hỗ

Lên phương án chu đáo

Năm nay, cụm thi số 21 kỳ thi THPT quốc gia được đặt tại tỉnh Tuyên Quang, do Trường ĐH Tân Trào chủ trì, phối hợp với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, dành cho thí sinh 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang.

Ngay sau khi được giao nhiệm vụ, Trường ĐH Tân Trào đã lên kế hoạch chuẩn bị cho kỳ thi, mà việc đầu tiên là khảo sát lượng thí sinh sẽ tham gia dự thi.

Thầy Nguyễn Bá Đức - Hiệu trưởng Trường ĐH Tân Trào - cho biết: Số lượng thí sinh ban đầu Bộ GD&ĐT đề nghị vào khoảng 17.000 em. 

Tuy nhiên, qua khảo sát ban đầu, số học sinh lớp 12 của hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang khoảng 12.000, trong đó, chỉ 60 - 70% các em dự thi tại cụm thi do Trường ĐH Tân Trào chủ trì. Nên, dự kiến cụm thi số 21 có khoảng 10 đến 12 nghìn em, tính cả thí sinh tự do.

Với số lượng ước tính này, Trường ĐH Tân Trào lên kế hoạch sẽ tổ chức tại 25 - 30 điểm thi. Ngoài điểm thi trong trường, những điểm thi bên ngoài chỉ cách trường bán kính từ 5 - 6 km.

Theo ông Nguyễn Bá Đức, lần đầu tiên chủ trì một cụm thi THPT quốc gia, không phải không có những khó khăn, vì mọi năm trường chỉ tổ chức tuyển sinh với quy mô nhỏ với 5 - 6 nghìn thí sinh.

Tuy nhiên, nhà trường lại được sự hỗ trợ, phối hợp tích cực từ phía Sở GD&ĐT Tuyên Quang và Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2.

Về phía Sở GD&ĐT, sẵn sàng hỗ trợ nhà trường về phòng thi đặt tại các trường trung cấp chuyên nghiệp, THPT và THCS, cũng như đội ngũ giáo viên cốt cán làm công tác coi thi, chấm thi. 

Trường cũng sẽ sử dụng những cán bộ, giảng viên nòng cốt của Trường ĐH Sư phạm 2 cho những vị trí như trưởng điểm thi, thư ký hội đồng thi, giám khảo chấm thi…

Đặt vấn đề các thí sinh Hà Giang và Tuyên Quang, do đặc thù địa lý nên đi lại rất vất vả, khó khăn, thầy Nguyễn Bá Đức cho rằng, điều này cũng đã được tính đến.

Ngoài việc khảo sát các địa điểm thi, nhà trường đồng thời thực hiện khảo sát cơ sở nội trú tại các trường ĐH, CĐ, trường chuyên nghiệp trên địa bàn, khảo sát nhà trọ, hệ thống nhà hàng, khách sạn… phục vụ chỗ ăn, ở, nghỉ cho thí sinh ở xa.

Trường cũng có kế hoạch phối hợp với UBND, Đoàn Thanh niên trong việc tìm nhà trọ miễn phí, nhà trọ giá rẻ giúp đỡ thí sinh có hoàn cảnh khó khăn.

“Hiện chúng tôi đã đặt vấn đề với hai tỉnh, khảo sát và cung cấp danh sách thí sinh có hoàn cảnh khó khăn để trường hỗ trợ chỗ ở. Đối tượng đặc biệt khó khăn sẽ được sử dụng miễn phí ký túc xá của trường” - Hiệu trưởng Nguyễn Bá Đức cho hay.

Giải đáp thắc mắc của phóng viên về vai trò “chủ trì” và phối hợp”, thầy Nguyễn Bá Đức cho biết: Trường ĐH Tân Trào với vai trò chủ trì sẽ chủ động tất cả trong các hoạt động, từ xin ý kiến UBND đến phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan; chịu trách nhiệm trong mọi khâu phục vụ kỳ thi như chuẩn bị cơ sở vật chất, kinh phí…

Hiệu trưởng của trường ĐH chủ trì cụm thi sẽ là Chủ tịch Hội đồng thi. Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm 2 sẽ là một Phó Chủ tịch. Có thể nói, trường ĐH phối hợp sẽ tham gia như một chủ thể tổ chức thi.

Trường ĐH chủ trì, trong quá trình tổ chức kỳ thi cần hỗ trợ gì, đơn vị phối hợp là Trường ĐH Sư phạm 2 sẽ giúp; mà đầu tiên là cử cán bộ nòng cốt tham gia làm trưởng điểm thi, thư ký hội đồng thi và giám khảo chấm thi.

“Chúng tôi luôn tâm niệm phải làm thật nghiêm túc, làm thật tốt để các trường ĐH cả nước yên tâm sử dụng kết quả thi của thí sinh thi tại cụm thi này trong xét tuyển” - Thầy Nguyễn Bá Đức nhấn mạnh.

Sẵn sàng nhiệm vụ phối hợp

Năm nay, Trường ĐH Ngoại thương được giao nhiệm vụ phối hợp với Trường ĐH Tây Bắc (đơn vị chủ trì) tổ chức kỳ thi THPT quốc gia tại cụm thi Sơn La.

Dù hai trường chưa có những liên hệ chính thức, nhưng GS.TS Hoàng Văn Châu - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương - cho biết: Là trường có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức thi, Trường ĐH Ngoại thương sẵn sàng hợp tác, phối hợp với Trường ĐH Tây Bắc để tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia.

Theo GS Hoàng Văn Châu, có thể đại diện của Trường ĐH Ngoại thương sẽ phải trực tiếp lên Sơn La để cùng trường chủ trì khảo sát tình hình, như số thí sinh, địa điểm thi… và cùng thành lập các “ban bệ” tuyển sinh.

Sau khi Trường ĐH Tây Bắc điều động nhân lực của trường cùng các trường THPT trên địa bàn tham gia coi thi, chấm thi, nếu cần thêm, Trường ĐH Ngoại thương cũng sẽ sẵn sàng hỗ trợ về nhân lực.

“Tôi cho rằng, thí sinh hai tỉnh Điện Biên và Sơn La sẽ không quá đông, Trường ĐH Ngoại thương lại có nhiều kinh nghiệm nên việc phối hợp tổ chức kỳ thi THPT quốc gia tới sẽ không mấy khó khăn” - GS.TS Hoàng Văn Châu cho biết.

Không chỉ riêng Trường ĐH Ngoại thương, sự chủ động, sẵn sàng phối hợp còn là tinh thần của tất cả các trường ĐH được giao nhiệm vụ phối hợp với đơn vị chủ trì trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.

Yên tâm về chất lượng

PGS.TS Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) - cho biết: Việc lựa chọn các trường ĐH chủ trì để có thể rải đều khắp đất nước phải được tính toán rất kỹ, đặc biệt là những vùng trọng yếu, học sinh rất khó khăn như Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và Tây Bắc.

Ở những vùng này, với trường ĐH chưa có nhiều kinh nghiệm, Bộ GD&ĐT có giải pháp là đưa những trường ĐH lớn, nhiều kinh nghiệm để cùng phối hợp tổ chức thi.

Bộ GD&ĐT cũng sẽ có hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm của trường ĐH chủ trì và trường ĐH phối hợp.

Những cụm thi có trường ĐH phối hợp cụ thể là:

Cụm thi số 19: Đặt tại tỉnh Sơn La, do Trường ĐH Tây Bắc chủ trì (phối hợp với Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội), dành cho thí sinh của 2 tỉnh: Điện Biên và Sơn La

Cụm thi số 21: Đặt tại tỉnh Tuyên Quang, do Trường ĐH Tân Trào chủ trì (phối hợp với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2), dành cho thí sinh của 2 tỉnh: Hà Giang và Tuyên Quang.

Cụm thi số 22: Đặt tại tỉnh Phú Thọ, do Trường ĐH Hùng Vương chủ trì (phối hợp với Trường ĐH Mỏ - Địa chất), dành cho thí sinh của 4 tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ và Lai Châu.

Cụm thi số 24: Đặt tại tỉnh Thanh Hóa, do Trường ĐH Hồng Đức chủ trì (phối hợp với Trường ĐH Y Hà Nội), dành cho thí sinh của 2 tỉnh: Thanh Hóa và Ninh Bình.

Cụm thi số 35: Đặt tại tỉnh Trà Vinh, do Trường ĐH Trà Vinh chủ trì (phối hợp với Trường ĐH Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh), dành cho thí sinh của 2 tỉnh: Trà Vinh và Vĩnh Long.

Cụm thi số 36: Đặt tại tỉnh Tiền Giang, do Trường ĐH Tiền Giang chủ trì (phối hợp với Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh), dành cho thí sinh của 2 tỉnh: Tiền Giang và Bến Tre.

Cụm thi số 37: Đặt tại tỉnh An Giang, do Trường ĐH An Giang chủ trì (phối hợp với Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh), dành cho thí sinh của 2 tỉnh: An Giang và Kiên Giang.

Cụm thi số 38: Đặt tại tỉnh Bạc Liêu, do Trường ĐH Bạc Liêu chủ trì (phối hợp với Trường ĐH Y Dược Cần Thơ), dành cho thí sinh của 2 tỉnh: Bạc Liêu và Cà Mau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ