KỲ 2
(GD&TĐ) - Quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết được thiết kế có tính kế thừa nhiều quan điểm, nguyên lý GD truyền thống của Việt Nam. Chúng ta ý thức sâu sắc GD là văn hóa, là nguồn gốc sức mạnh của dân tộc. Nếu không kế thừa được quá khứ thì không thể xử lý tốt quan hệ với tương lai - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận |
Kế thừa những tinh hoa dân tộc
Bộ trưởng nêu rõ: Quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết có tính kế thừa nhiều quan điểm, nguyên lý GD truyền thống của cha ông về GD và làm GD vẫn còn giá trị trong thời đại hiện nay; kế thừa những quan điểm đường lối của Đảng vẫn còn đúng đắn về GD - ĐT;
Cụ thể, những quan điểm của Đảng như: Giáo dục là quốc sách hàng đầu; Học đi đôi với hành; Nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất; Đào tạo con người vừa hồng vừa chuyên, phát triển toàn diện cả Đức - Trí - Thể - Mỹ; Sứ mạng của GD là đào tạo nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; phát triển GD nhằm phục vụ các nhu cầu phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng Tổ quốc; GD nhà trường kết hợp với GD xã hội và GD gia đình; Đảm bảo công bằng trong giáo dục; Ưu tiên cho GD vùng khó, ưu tiên cho các đối tượng chính sách … hiện còn nguyên giá trị, phù hợp với giai đoạn hiện nay, chúng ta phải kiên trì thực hiện.
Cụ thể hóa, phát triển thêm một số quan điểm chỉ đạo mới
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Nghị quyết đã cụ thể hóa và phát triển thêm một số quan điểm chỉ đạo mới để phù hợp với tình hình và điều kiện hiện nay. Ví dụ như quan điểm GD là sự nghiệp của Đảng, của Nhà nước, của nhân dân - được tiếp tục khẳng định và bổ sung: Nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng, lần này không chỉ khẳng định GD là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho GD là đầu tư cho phát triển, mà khẳng định tiếp GD là một nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì GD là quốc sách hàng đầu, là một nhân tố quyết định, là nhân tố phát triển nên đầu tư cho GD phải được ưu tiên đi trước trong các chương trình phát triển kinh tế xã hội.
Điều này rất quan trọng. Trong quá trình bàn phát triển kinh tế xã hội, khi đưa ra xem xét hay bàn về nguồn vốn, thiết bị, đất đai, nhà xưởng nhưng chưa bàn nhiều, bàn đủ, bàn đúng tầm về vấn đề con người, nguồn nhân lực.
Cách đây 3 năm, Chính phủ đã bàn đến xây dựng phát triển nguồn nhân lực, bắt đầu tính toán. Lần này vấn đề phát triển nguồn nhân lực đã được khẳng định. Theo đó, chương trình đầu tư, phát triển cho GD cần được ưu tiên, nằm trong chương trình phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương, mỗi ngành, của quốc gia.
Nghị quyết T.Ư 8 khóa XI cũng khẳng định chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu chú trọng trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, phù hợp quy luật phát triển khách quan, những tiến bộ khoa học và công nghệ.
Chuyển phát triển giáo dục chủ yếu theo mục tiêu số lượng sang phát triển theo mục tiêu vừa đáp ứng yêu cầu số lượng, vừa chú trọng nâng cao chất lượng.
Chuyển hệ thống giáo dục còn cứng nhắc, thiếu tính liên thông hiện nay sang hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, bảo đảm liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập suốt đời.
Như vậy có thể hình dung Nghị quyết T.Ư 8 kế thừa, phát triển những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đúng đắn, phát huy những thành tựu và kinh nghiệm tốt đã có, đồng thời bổ sung những quan điểm, tư tưởng mới, kiên quyết chấn chỉnh những lệch lạc, những việc làm trái quy luật, phát triển những nhân tố mới - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định.
Thế nào là đổi mới căn bản, toàn diện? Trong hai nội dung, nội dung “đổi mới toàn diện” tìm lời giải sớm hơn, dễ hơn - Đó là thay đổi toàn bộ tất cả những yếu tố, chủ thể, quan hệ nội bộ của ngành GD và giữa GD với những yếu tố khác. Thay đổi tất cả, thay đổi một cách tổng thể, thay đổi một cách có hệ thống, bài bản, không phải kiểu thay đổi được chăng hay chớ, không phải thay đổi kiểu ngẫu hứng, mà đó là sự thay đổi có trước - sau, trên - dưới, trong - ngoài… Và thực sự, để thay đổi một cách toàn diện thì không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng trả lời câu hỏi “Thay đổi thế nào là căn bản?” thì khó khăn, đến Hội nghị T.Ư 6 vẫn chưa tìm ra, trong khi đó, ngoài xã hội vẫn còn bàn luận băn khoăn. Và đến Hội nghị T.Ư 8 mới thống nhất. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận |
Gia Hân
Xem tiếp kỳ 3: Cận cảnh những đổi mới căn bản, toàn diện trong Giáo dục