Y tế Hà Nội chọn giảm tải bệnh viện là khâu đột phá

Y tế Hà Nội chọn giảm tải bệnh viện là khâu đột phá

(GD&TĐ) - Ngày 10/1, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã giao nhiệm vụ năm 2012 cho ngành y tế Hà Nội và lựa chọn các khâu đột phá, trong đó giảm tải bệnh viện là ưu tiên số một.

Qua tải là tình trạng chung của nhiều bệnh viện thành phố hiện nay (Ảnh MH)
Qua tải là tình trạng chung của nhiều bệnh viện thành phố hiện nay (Ảnh MH)

Bên cạnh đó, ngành y tế Hà Nội cần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho tuyến dưới và cải cách thủ tục hành chính giảm phiền hà cho người dân.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, vấn đề quá tải của bệnh viện thành phố hiện nay không chỉ do cơ sở vật chất chật hẹp mà còn nằm ở yếu tố con người.

Thực tế hiện nay, trong khi bệnh viện tuyến thành phố như bệnh viện Xanh Pôn quá tải trên 200% thì ở tuyến cơ sở vẫn không sử dụng hết công suất giường bệnh. Điều này cho thấy vấn đề nhân lực chất lượng cao cho các cơ sở y tế rất quan trọng, nếu không có kế hoạch đào tạo kịp thời, nguy cơ các bệnh viện xây dựng xong sẽ thiếu nhân lực và bệnh nhân lại vẫn tiếp tục dồn về các bệnh viện tuyến trên.

Bệnh viện quy mô 1.000 giường đang được xây dựng ở Mê Linh, dự kiến hoàn thành vào năm 2013 sẽ cần khoảng 1.800 cán bộ nhân viên y tế. Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu Sở Y tế khẩn trương tìm nguồn nhân lực để đáp ứng kịp thời khi bệnh viện hoàn thành đưa vào sử dụng.

Để thực hiện tốt mục tiêu giảm tải bệnh viện, ngành y tế thành phố cần khẩn trương xây dựng đề án mở rộng các bệnh viện vệ tinh đưa về các tuyến huyện, chia ra làm nhiều giai đoạn, phân công, phân nhiệm rõ ràng để triển khai dự án.

Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu, trong năm 2012, ngành y tế phải triển khai ngay 34 dự án xây dựng cơ bản của ngành và hoàn thành các dự án bệnh viện Đức Giang, Phụ sản giai đoạn 2, Đông Anh, Ba Vì giai đoạn 1 trong giai đoạn từ nay đến năm 2015.

Đồng thời ngành tiến hành rà soát lại cơ sở vật chất các trạm y tế để có kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo phù hợp với quy mô dân số hoặc điều động thêm nhân lực y tế đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở.

Để tăng cường đầu tư phát triển mạng lưới y tế, trong năm 2012, ngành y tế Hà Nội cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa y tế, thực hiện chuyển 1-2 bệnh viện tự chủ một phần sang tự chủ toàn phần, xây mới từ 2-5 bệnh viện tư nhân sớm đưa vào hoạt động, tổ chức kiểm tra, giám sát các đề án xã hội hóa y tế đang hoạt động tại các đơn vị y tế công lập, hoàn thiện đề án đầu tư nâng cấp trang thiết bị y tế cho các bệnh viện công lập giai đoạn 2011-2015 với tổng kinh phí khoảng 1.426 tỷ đồng, trong đó nguồn thu hút xã hội hóa khoảng 620,236 tỷ đồng, phối hợp triển khai các dự án xây dựng bệnh viện tư nhân tại các cụm y tế chuyên sâu theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế trên địa bàn thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến 2050.

Bà Bích Ngọc ghi nhận, mặc dù đã cố gắng nhưng trong năm qua, hầu hết các bệnh viện tuyến thành phố đều quá tải, công suất sử dụng giường bệnh tại các bệnh viện đạt 124,2%, đặc biệt quá tải ở các bệnh viện chuyên khoa thành phố.

Phương án trước mắt, góp phần giảm tình trạng quá tải, các bệnh viện đã bổ sung các giường thực kê, hạn chế tình trạng nằm ghép trong các giường bệnh nội trú.

Lộc Hà
 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ