Xung quanh án tử hình đối với công dân Canada tại Trung Quốc: Đúng người đúng tội hay chính trị hóa tòa án?

GD&TĐ - Hôm 14/1, tòa án ở thành phố Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc) tuyên án tử hình ông Robert Schellenberg, một công dân Canada, bị cảnh sát Trung Quốc bắt giữ năm 2014 vì tội buôn methamphetamines (một dạng chất gây nghiện) trái phép và đã bị kết án 15 năm tù. Trong bối cảnh mối quan hệ ngoại giao giữa Canada và Trung Quốc đang căng thẳng vì những vụ bắt giữ công dân của nhau, vụ việc này như đổ thêm dầu vào lửa.

Ông Robert Schellenberg tại phiên tòa tái thẩm hôm 14/1 ở Tòa án Nhân dân Trung cấp của Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc)
Ông Robert Schellenberg tại phiên tòa tái thẩm hôm 14/1 ở Tòa án Nhân dân Trung cấp của Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc)

Phiên tòa tái thẩm đầy uẩn khúc

Cụ thể, căng thẳng giữa Canada và Trung Quốc bắt đầu từ vụ cảnh sát Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc Tài chính của Tập đoàn Huawei Technologies Co Ltd (HWT.UL) hồi đầu tháng 12/2018. Lệnh bắt được cho là theo yêu cầu của cơ quan tư pháp Mỹ, với nghi ngờ bà này vi phạm lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ đối với Iran. Trung Quốc lên tiếng phản đối gay gắt và yêu cầu thả người. Đáp lại, Canada tuyên bố cơ quan tư pháp hoạt động độc lập và trên cơ sở pháp luật. Bà Mạnh đã được đóng tiền tại ngoại nhưng bị cấm rời khỏi Canada, đồng thời có nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ.

Trong một động thái được coi là trả đũa, Trung Quốc đã lần lượt bắt giữ hai công dân Canada đang làm việc ở Trung Quốc. Đó là cựu nhà ngoại giao Michael Kovrig và cố vấn kinh doanh Michael Spavor - cả hai bị giữ vì nghi ngờ gây nguy hiểm cho an ninh. Trong các tuyên bố chính thức, Trung Quốc không liên kết bất cứ trường hợp nào trong ba vụ bắt giữ công dân Canada (tính cả trường hợp ông Schellenberg) với vụ Canada bắt giữ bà Mạnh.

Sau khi bị kết án 15 năm tù vì tội mang một lượng lớn methamphetamines vào Trung Quốc, ông Schellenberg đã kháng cáo và không ngờ rằng sẽ phải nhận mức án tử hình tại phiên tòa tái thẩm. Ngày 15/1, ông Zhang Dongbury, luật sư của ông Schellenberg cho báo chí biết mức án của tòa là hoàn toàn sai trái vì không có bằng chứng mới nào được đưa ra trong phiên tái thẩm. Theo luật sư Dongbury, phiên tòa cũng không tập trung vào tội danh chính, không làm rõ các tình tiết tố tụng mà xoay quanh một cuộc tranh luận không đủ bằng chứng để cố chứng minh ông Schellenberg là thành viên một tổ chức buôn lậu ma túy, hoặc ít nhất ông Schellenberg cũng phạm tội buôn lậu methamphetamines có tổ chức.

“Nhưng ngay cả khi tòa án chấp nhận tất cả các cáo buộc truy tố như bên tố tụng đưa ra, thì cũng không nên tăng án, vì các sự kiện mà công tố đưa ra làm bằng chứng mới để buộc tội thực ra đã sử dụng ở phiên tòa trước đây, nhưng lại vẫn được căn cứ để làm bằng chứng xét xử tại phiên tòa lần này”, luật sư Dongbury nói với Reuters.

Ông Dongbury cũng phân tích, luật pháp của Trung Quốc quy định rằng trong một bản án được kháng cáo, chỉ khi phát hiện và kiểm định lại bằng chứng mới có thể có sự gia tăng mức độ nghiêm trọng của một bản án, lúc đó mức án nặng hơn mới được phép đưa ra. Với lập luận đó, ông Dongbury tuyên bố chắc chắn sẽ cùng thân chủ kháng cáo.

Có hay không yếu tố chính trị?

Trước những tranh cãi, thời báo Hoàn Cầu của chính phủ Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ các cáo buộc cho rằng, Bắc Kinh sử dụng phiên tòa để gây áp lực với Canada, nói rằng các cáo buộc là vô lý và thể hiện sự xúc phạm đối với luật pháp Trung Quốc.

Ai cũng hiểu tờ báo này muốn bác bỏ thông tin cho rằng, Trung Quốc đã “chính trị hóa” trường hợp của Schellenberg. Dư luận Canada cũng như những đồng minh phương Tây của họ ủng hộ giả thuyết này; với sự cổ vũ của các tổ chức nhân quyền quốc tế, khi lên án bản án dành cho Schellenberg, cho rằng nó quá nặng nề và có thể có động cơ chính trị. Tuy nhiên, dư luận Trung Quốc cũng cáo buộc lại việc Canada với Mỹ đứng sau, mới là bên “chính trị hóa luật pháp” trong việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu.

Các cáo buộc qua lại đã trở thành quá quen thuộc khi các quốc gia có căng thẳng ngoại giao. Tuy nhiên, trong trường hợp ông Schellenberg, chắc chắn Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với nhiều câu hỏi về lý do tại sao nhân vật như vậy, với quốc tịch như vậy, lại được mang ra xét xử lại vào thời điểm đặc biệt nhạy cảm này, với một bản án cũng đặc biệt không kém.

Khẳng định tính chính danh và tuân thủ mọi trình tự tố tụng của phiên tòa, bài viết trên tờ Hoàn Cầu của Trung Quốc khẳng định mức án vừa được tuyên sẽ truyền tải thông điệp rằng những kẻ buôn lậu ma túy sẽ bị trừng trị nghiêm khắc ở Trung Quốc; đồng thời khẳng định bản án cũng gửi thông điệp rằng, Trung Quốc sẽ không chịu áp lực từ bên ngoài trong việc thực thi luật pháp của mình.

Thực tế, tội buôn lậu ma túy bị trừng phạt nghiêm khắc ở Trung Quốc. Đã có một số trường hợp người nước ngoài bị kết án tử hình và chịu án về tội phạm ma túy trước đó, bao gồm cả một người Anh vào năm 2009.

Theo hồ sơ tòa án Canada, ông Schellenberg là nhân vật có lý lịch bất hảo. Người này đã phải đối mặt với một số cáo buộc ở Canada liên quan đến tàng trữ và buôn bán ma túy. Tuy nhiên, không vì thế mà người ta không đặt câu hỏi về bản án nhanh chóng trong phiên tòa tái thẩm vừa diễn ra, trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao giữa Canada và Trung Quốc đang leo thang.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ