Xung đột taxi đang lên đỉnh điểm

Các ý kiến cho rằng xung đột giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ đang lên tới đỉnh điểm. Các hãng taxi truyền thống cho rằng Grab, Uber đang nhận được sự “ưu ái” trong chính sách quản lý. Nhưng sự thật có đúng như vậy?

Xung đột taxi đang lên đỉnh điểm

Ngày 19/10/2015, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép Bộ Giao thông vận tải (GTVT) triển khai thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.

Tính đến tháng 5/2017), Bộ này đã tiếp nhận đề xuất và đồng thuận cho phép 9 đơn vị gồm: Công ty TNHH GrabTaxi (Grab Car), Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (V.CAR), Công ty cổ phần Vận tải 57 Hà Nội (THANH CONG CAR), Công ty cổ phần Sun Taxi (S.CAR), Công ty cổ phần Phát triển Thương mại và Du lịch quốc tế Ngôi Sao (VIC.CAR), Công ty Cổ phần Hợp tác đầu tư và Phát triển (HOME CAR), Công ty TNHH Uber Việt Nam (Uber), Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh (Mai Linh Car), Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Linh Trang (LB.Car) để triển khai các Đề án thí điểm theo quy định tại Quyết định số 24/QĐ-BGTVT.

Thông cáo mới nhất của Bộ GTVT nêu rõ: “Thông qua kết quả thực hiện thí điểm ban đầu cho thấy, hiệu quả của việc ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ công tác điều hành, hỗ trợ hoạt động vận tải đã được người dân đánh giá cao, ngày càng phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân”.

Dùng tiền lôi kéo khách?

Báo cáo tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp vận tải sử dụng ứng dụng hợp đồng điện tử diễn ra sáng 28/6 tại Hà Nội, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, Đề án thí điểm nêu trên đã triển khai tại 3/5 tỉnh, thành phố (Hà Nội, TPHCM, Khánh Hòa) với 9 đơn vị được cấp phép, số lượng xe tại TPHCM là hơn 22.000 xe, tại Hà Nội là hơn 7.000 xe. Việc thu thuế của các hợp tác xã vận tải được tiến hành thuận lợi. Hiện có 3 nhà cung cấp khác đang được Bộ GTVT xem xét.

Tuy nhiên, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, số lượng xe tham gia hoạt động vận tải này đang “vỡ trận” so với quy hoạch taxi của Hà Nội.

Cụ thể, số xe taxi tại Hà Nội là hơn 19.000 xe, sau khi Bộ GTVT cho thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử, số lượng xe hợp đồng là hơn 11.000 xe, xe dưới 9 chỗ là hơn 7.000 xe. Ngoài ra, còn 2.000-3.000 xe đã ký để chạy taxi công nghệ. Như vậy, Hà Nội đang có khoảng 30.000-35.000 xe taxi gồm cả taxi truyền thống và taxi công nghệ, vượt quá so với quy hoạch taxi của Hà Nội đến năm 2020 chỉ dừng lại ở mức 20.000 xe để bảo đảm ùn tắc giao thông.

Đặc biệt, ông Bình còn cho rằng, mặc dù ủng hộ cuộc cách mạng công nghệ, nhưng sự có mặt của Uber và Grab về bản chất không phải như vậy mà “taxi công nghệ đang sử dụng tiền để mua khách hàng, đưa các chương trình khuyến mại để lôi kéo khách hàng”.

Cùng quan điểm với ông Bình, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TPHCM khẳng định, xung đột giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ đang lên tới đỉnh điểm và nếu không có giải pháp tháo gỡ hợp lý sẽ có hậu quả khó lường.

Theo đó, ông Hỷ kiến nghị Bộ GTVT cần làm rõ bản chất của Uber và Grab tại Việt Nam là công ty cung cấp công nghệ hay công ty vận tải. Bởi, nếu Uber, Grab là hợp đồng điện tử thì tại sao các công ty này lại tổ chức đào tạo lái xe, trực tiếp thu tiền, tổ chức khuyến mãi… “Đây là những công việc của công ty vận tải, trái chức năng của công ty cung cấp công nghệ”, ông Hỷ nhấn mạnh.

“Bộ GTVT cho thí điểm nhưng không quy định giới hạn về số lượng ở từng địa phương nên địa phương không có căn cứ để dừng số lượng taxi công nghệ. TPHCM quy hoạch taxi đến năm 2020 chỉ có 12.000 xe nhưng khi taxi công nghệ xuất hiện thì lượng xe đã gấp đôi con số này. Việc quản lý, khống chế số lượng taxi của TPHCM để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc sẽ không còn ý nghĩa”, ông Hỷ cho biết.

Đặc biệt, ông Tạ Long Hỷ cho rằng, taxi có thể phá sản do thua lỗ nhưng nguyên nhân không phải do Grab, Uber mà là do chính sách không kịp thay đổi.

Vì vậy, Chủ tịch Hiệp hội taxi TPHCM kiến nghị Bộ GTVT dừng Đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ vào kinh doanh vận tải hoặc dừng cấp phù hiệu cho taxi công nghệ. Đồng thời, loại hình này phải chịu sự quản lý như taxi truyền thống, buộc 100% xe hợp đồng 9 chỗ trở xuống phải dán logo phù hiệu theo quy định, vi phạm sẽ kiên quyết thu hồi phù hiệu…

Kiểm soát tốt việc thu thuế Grab

Trước những dẫn chứng cho rằng chính sách đang “ưu ái” taxi công nghệ, ông Nguyễn Tuấn Anh, đại diện Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam cho biết, Grab đã thực hiện đóng thuế đầy đủ từ ngày đầu hoạt động tại Việt Nam. Việc đưa ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá, Công ty này đã đăng ký với các Sở Công Thương, Sở GTVT tại địa phương.

Liên quan đến việc Grab “phá giá” taxi truyền thống với mức cước 10.000 đồng/5 km, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, Grab sử dụng công nghệ biểu giá linh động để có thể hạ giá trong giờ thấp điểm, nâng giá trong giờ cao điểm, chi phí hoạt động doanh nghiệp thấp, lợi nhuận cao nên chi trả cho lái xe cũng cao hơn.

Khẳng định về mặt quản lý Nhà nước đã kiểm soát tốt việc thu thuế được Grab, đại diện Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho rằng vẫn gặp khó khăn riêng đối với Uber và để siết được việc thất thoát thuế thì đơn vị này cần thành lập một pháp nhân ở Việt Nam và phải thực hiện nộp thuế giống như các doanh nghiệp khác để tạo sự bình đẳng. Đồng thời, Tổng cục Thuế đề nghị Bộ GTVT cung cấp số liệu xe (hành trình, doanh thu) cho Tổng cục thì mới có thể truy thu và thu đủ thuế.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ sẽ thí điểm trong 2 năm, cuối năm nay sẽ kết thúc và có tổng kết thực hiện mô hình này để đưa ra giải pháp quản lý tốt hơn. Bộ GTVT không cấp số lượng xe tham gia thí điểm mà giao địa phương tự quản lý, có quyền cấp hay tạm dừng (số lượng xe, thời gian triển khai) mà không cần phải xin ý kiến của Bộ GTVT.

“Quản lý phù hiệu, logo của taxi công nghệ sẽ giao đơn vị chức năng nghiên cứu. Nếu Hà Nội thấy cần thiết làm thì làm ngay để quản lý tốt hơn. Đồng thời, Bộ GTVT sẽ làm việc với Bộ Tài chính để tính toán quản lý thuế tốt hơn, tránh trường hợp cho rằng không bình đẳng về thuế, làm việc với Bộ Công Thương về vấn đề cạnh tranh của Grab và Uber hiện nay lôi kéo khách hàng”, Thứ trưởng Trường cho hay.

Đưa ra lời khuyên taxi truyền thống cũng phải thay đổi về giá cước, cung cách phục vụ, chất lượng xe, lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị Uber và Grab phải nhận thức, tham mưu cho Công ty mẹ thực hiện đúng, chấp hành nghiêm pháp luật Việt Nam.

Tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định Bộ này sẽ tiếp thu làm rõ thêm để đưa vào sửa đổi Nghị định 86 rõ ràng hơn để có giải pháp tích cực, bảo đảm công bằng, bình đẳng cho mọi doanh nghiệp.

Theo Báo Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.