Xứng đáng với niềm tin của nhân dân - "Thầy thuốc như mẹ hiền"

Xứng đáng với niềm tin của nhân dân - "Thầy thuốc như mẹ hiền"

 (GD&TĐ) - Cách đây đúng 58 năm, ngày 27/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã viết thư gửi Hội nghị cán bộ ngành Y  tế với những lời dạy quý báu. Từ đó, ngày này được coi là ngày tôn vinh các y, bác sĩ, những người đang làm việc trong ngành Y  tế - “Ngày Thầy thuốc Việt Nam”.

 58 năm qua, lời căn dặn của Bác đã thành kim chỉ nam và động lực cho đội ngũ thày thuốc Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn. Có được thành tích ấy là kết quả của sự nỗ lực, hy sinh âm thầm của hàng vạn thầy thuốc đang có mặt trên khắp mọi nẻo đường Tổ quốc, từ thành phố tới vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới, hải đảo vì sức khoẻ mỗi người và hạnh phúc mỗi gia đình, góp phần làm nên sức mạnh quốc gia. 
Trước trách nhiệm cao cả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đội ngũ thầy thuốc Việt Nam đã nỗ lực không ngừng, âm thầm cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.
 
Những kết quả hoạt động của ngành Y  tế đã góp phần tạo nên động lực phát triển đất nước. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay đã tăng lên đáng kể, đạt 73 tuổi. Chúng ta đã tiến đến gần “Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ” đối với chỉ tiêu tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi, dưới 1 tuổi, tỷ số tử vong mẹ giảm hơn 3 lần từ những năm 1990. Khắp cả nước, một mạng lưới y tế dự phòng rộng khắp từ Trung ương tới thôn, bản đã được xây dựng, củng cố và hoạt động hiệu quả. Tất cả các xã, phường và 90% số thôn, bản đã có nhân viên y tế; trên 70% số xã có bác sỹ; tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế khoảng 80%. Các cán bộ y tế đã thực sự trở thành những “chiến sỹ áo trắng” trên “mặt trận” phòng chống dịch bệnh, chữa bệnh và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Những “trận địa” y tế với những “chiến sĩ áo trắng” như thế đã “đánh giặc từ xa” theo lời dạy của Bác: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, đã không để dịch lớn xảy ra.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành Y tế cũng đang đứng trước những thử thách không nhỏ. Trong đội ngũ thầy thuốc vẫn còn những "con sâu làm rầu nồi canh" khiến nhân dân chưa hài lòng. Tình trạng quá tải bệnh viện và chất lượng chăm sóc bệnh nhân luôn là câu hỏi nhức nhối đối với đội ngũ thầy thuốc, với cả bệnh nhân và gia đình người bệnh. Ở đâu đó vẫn còn bóng dáng của các cán bộ y tế chưa thực hiện được lời dạy của Bác Hồ “Thầy thuốc như mẹ hiền”...
Có thể nói, bên cạnh những "con sâu làm rầu nồi canh" thì chúng ta không thể không nhắc đến hàng ngàn, hàng vạn những tấm gương thầy thuốc giản dị, âm thầm hy sinh vì sức khoẻ cộng đồng và là những nhân vật nguyên mẫu hết sức cảm động. Nhiều thầy thuốc, trong điều kiện, hoàn cảnh sống còn hết sức khó khăn, nhưng với họ - chữa bệnh cứu người là nghĩa vụ thiêng liêng nên âm thầm cống hiến, âm thầm phục vụ mà không tính toán thiệt hơn. Nhiều bác sĩ ở vùng sâu, vùng xa tự tìm đến người bệnh, mang cả tiền của gia đình hỗ trợ cho bệnh nhân. Có người bị tai nạn nghề nghiệp mắc bệnh hiểm nghèo vô tình liên lụy tới người thân, nhưng trong nỗi đau đớn tận cùng, thì phẩm chất của người thầy thuốc vẫn ngời sáng – giành giật sự sống từng ngày, không chỉ cho mình, cho người thân mà còn vì người bệnh. Có những người thầy thuốc phải làm việc trong môi trường mà nhất cử, nhất động phải cảnh giác vì có thể bị nguy hiểm tới tính mạng bởi những bệnh nhân tâm thần, nhưng với tấm lòng yêu thương, họ vẫn nhẫn nại, tận tụy chăm sóc người bệnh...
Trong Ðêm nghệ thuật tôn vinh thầy thuốc Việt Nam và Lễ trao giải Cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ II do Báo Sức khỏe và Đời sống vừa tổ chức, hình ảnh những thầy thuốc với những hy sinh thầm lặng đã được khắc họa rõ nét trong những nhân vật nguyên mẫu giữa đời thường.
Đại úy, bác sỹ Nguyễn Quang Ánh làm việc tại Trạm xá Trại giam Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh (Bộ Công An) sẽ có một cuộc sống bình yên, ổn định nếu như không có việc anh vô tình bị lây nhiễm HIV từ bệnh nhân là những tù nhân đang cải tạo trong trại giam. Sự việc chỉ được phát hiện lúc vợ anh sinh con gái đầu lòng. Niềm vui về một thành viên mới của gia đình vừa đến cũng là lúc anh Ánh được thông báo một “tin sét đánh ngang tai”, chính anh là người lây bệnh cho vợ. Đau đớn hơn là lúc đó anh đã không ngăn nổi việc người vợ tìm đến cái chết như một sự giải thoát và chưa kịp biết rằng, cô con gái không bị nhiễm HIV. Bác sỹ Nguyễn Quang Ánh chia sẻ, việc anh bị lây nhiễm bệnh là một rủi ro hoàn toàn có thể xảy ra đối với những thầy  thuốc làm việc tại trại giam trong giai đoạn đầu đối phó với HIV/AIDS. Bởi lẽ, trong số hơn 17 nghìn phạm nhân tại các trại giam, có tới một nửa số người từng nghiện ma túy và 10% nhiễm HIV. Mang trong mình một cái chết được báo trước, mất vợ và thường xuyên phải xa con, nhưng anh Ánh chưa một lần oán hận những bệnh nhân. Thay vào đó là nỗ lực vượt lên hoàn cảnh, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ.
Bác sỹ Nguyễn Quang Ánh bộc bạch cảm xúc: “Tất cả những phạm nhân mà tôi chữa trị bệnh, mặc dù có thể ở ngoài đời, người ta là những tay anh chị cộm cán, nhưng khi vào trong trại giam, họ đều cần được động viên chia sẻ, an ủi. Tôi luôn an ủi, động viên để họ xóa tan mặc cảm, cũng chính là hỗ trợ cho bệnh tật của tôi, vì tôi cũng là một bệnh nhân, tôi thấu hiểu hơn ai hết”.
Hình ảnh của GS.TS Bùi Đức Phú - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế, chấp nhận rời đất Pháp với những điều kiện kinh tế, kỹ thuật hiện đại tiên tiến để trở về phục vụ đất nước, phục vụ quê hương bằng vốn kiến thức đã học được. Hai lần tu nghiệp tại Pháp và bảo vệ xuất sắc luận văn y khoa chuyên ngành tim mạch, ông đã từ chối lời mời của Trung tâm Tim mạch hiện đại nhất nước Pháp để về Việt Nam làm việc và cống hiến cho nền y học nước nhà...
GS.TS Bùi Đức Phú gắn bó với Bệnh viện Trung ương Huế từ những ngày đầu khó khăn, cơ sở vật chất nghèo nàn và nhân lực chưa được đào tạo chuyên sâu. Noi theo tấm gương người thầy là Giáo sư Tôn Thất Tùng, bác sỹ Phú đã nung nấu theo đuổi đến cùng ước mơ cứu sống bệnh nhân tim mạch ngay tại quê hương. Ông đã huy động sự giúp đỡ của bạn bè ở nước ngoài và cùng tập thể bệnh viện nỗ lực xây dựng Trung tâm Tim mạch đầu tiên của miền Trung. Đến nay, Bệnh viện Trung ương Huế là một trong ba Trung tâm Tim mạch lớn nhất cả nước, thực hiện 25 nghìn ca phẫu thuật mỗi năm và là một trong số ít đơn vị thực hiện được kỹ thuật ghép tim. GS.TS Bùi Đức Phú đã giành được giải thưởng “Chiếc kéo vàng” của Hội Ngoại khoa Việt Nam và vừa được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
GS.TS Bùi Đức Phú tâm sự: “Trong đời người thầy thuốc, bi kịch họ phải đối mặt, đó là những tai biến có thể xảy ra. Có biết bao lý lẽ có thể biện minh cho việc mình đã tận tâm, tận lực. Có bao nhiêu điều để biện minh rằng, đó là tỷ lệ cho phép trên y văn và thậm chí những lời cảm ơn của người nhà bệnh nhân sau khi người thân mất thì nỗi ám ảnh về cái chết của bệnh nhân đối với thầy thuốc vẫn cứ tồn tại. Chúng tôi lớn lên từ những thành công và thất bại. Chúng tôi đã tìm được niềm vui trong nghề của mình”.
Còn với bác sỹ Triệu Văn Dân, người dân tộc Dao, trạm trưởng Trạm y tế xã Long Khánh, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn, anh đã tình nguyện công tác tại vùng sâu, vùng xa gần 20 năm qua. Thời điểm đó, anh Dân hoàn toàn có thể về công tác tại vùng trung tâm nhưng anh tình nguyện về Khánh Long - một xã nghèo nhất của huyện miền núi Tràng Định để giúp những người dân tộc Dao, Mông được chăm sóc sức khỏe, loại bỏ hủ tục, góp phần nâng cao đời sống. Từ trung tâm thị trấn của huyện đến Trạm y tế xã Khánh Long phải vượt qua hàng chục dốc cao, đèo thẳm và 8 con suối sâu. Vậy mà hàng tuần, bác sỹ Dân vẫn tranh thủ về với gia đình và vội vàng trở lại trạm y tế phòng khi có bệnh nhân. Khổ nhất là khi trời mưa lũ, mà bản xa nhất thì cách trạm y tế tới cả chục cây số. Yêu nghề, thương dân, gần 2 thập kỷ qua, đôi chân anh đã in dấu trên khắp mọi bản làng để chữa bệnh cứu người. Mặc cho mưa, rét, đêm hôm, có người bệnh là anh lại lên đường...
“Nếu mà lùi lại 20 năm về trước, với tôi, tôi vẫn chọn nghề y và vẫn sẵn sàng đi phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa như hiện tại tôi đang công tác, vì ở đó, bà con cần mình” - bác sỹ Triệu Văn Dân chia sẻ.
Nghề y là như vậy, cao quý nhưng cũng đòi hỏi nhiều hy sinh và sự tận tụy. Những tấm gương bình dị ở trên chỉ là số ít trong số hàng trăm, hàng nghìn tấm gương tiêu biểu trên khắp mọi miền của Tổ quốc, dung dị mà nhân ái, lặng lẽ mà ân tình. Họ là những bông hoa thơm đã và đang lan tỏa trong toàn ngành Y tế, góp phần “mang ánh sáng để xua đi bóng tối”.
Vì sức khỏe cộng đồng, vì tương lai của đất nước, mỗi người dân, mỗi người thầy thuốc cùng chung tay xây dựng một ngành Y tế trong sạch, đủ trình độ sách vai với bạn bè thế giới, để chúng ta có thể mãi tự hào vì đội ngũ thầy thuốc giỏi, tận tụy với nghề, xứng đáng với niềm tin của nhân dân - “Thầy thuốc như mẹ hiền”.
Theo ĐCSVN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ