Xúc phạm, sỉ nhục "vua cà phê": Táo quân hay Táo quẫn?

Là một chương trình phản biện xã hội nhưng ngang nhiên xúc phạm, sỉ nhục một người dân dù họ không làm điều gì ảnh hưởng tới xã hội, là Táo quân, hay Táo quẫn?

Xúc phạm, sỉ nhục "vua cà phê": Táo quân hay Táo quẫn?

Nói như nhiều người thì Táo quân đã trở thành "món ăn" tinh thần vào mỗi dịp cuối năm. Nhưng tiếc rằng "món ăn" ấy giờ không còn giữ được hương vị vốn có. Sự cách tân đổi mới những tưởng sẽ giúp "món ăn" ấy trở nên dễ nuốt, đỡ nhàm chán hơn thì lại phản tác dụng.

Nhiều người bây giờ hẳn cũng không còn thiết tha gì nữa với "món ăn" Táo quân. Không còn chua cay, đi thẳng vào đúng những vấn đề chính của xã hội, Táo quân giờ nhờ nhờ, mang nặng tính thương mại. Khác hẳn với một Táo quân như mọi người vẫn biết là nơi tổng kết, đánh giá các vấn đề lớn của đất nước trong cả năm dưới góc nhìn hài hước, thâm thúy, có phần sâu cay.

Thậm chí ê kíp bí ý tưởng tới mức lôi một con người ra làm trò đùa, làm chỗ để họ miệt thị dù người đó chẳng làm điều gì ảnh hưởng tới xã hội, người đó được cho là ông chủ của thương hiệu cà phê Trung Nguyên - Đặng Lê Nguyên Vũ.

Xuc pham, si nhuc
Doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của Táo quân 2019.

Năm ngoái, sau gần 5 năm “tịnh khẩu”, ông Vũ bất ngờ xuất hiện khi mời vài tờ báo "ruột" tới để chia sẻ về cuộc sống của mình. Trong cuộc gặp mặt kéo dài gần 4 giờ đồng hồ với giới truyền thông, ông Vũ xưng mình bằng “qua”, và gọi mọi người là "người anh em thiện lành".

Ông Vũ nói mình đã thiền suốt 5 năm qua, đến mức không ngủ, không ăn vẫn không sao. Thay vào đó, ông Vũ làm bạn với xì gà, mỗi ngày hút gần 20 điếu. Sau khi câu chuyện được đăng tải, ông Vũ bất ngờ trở thành đề tài bàn tán, không ít người sử dụng danh xưng "qua" mà ông Vũ nói với ý nghĩa miệt thị.

Những tưởng câu chuyện ấy sẽ lắng lại, nhưng vào dịp cuối năm, nó bất ngờ được hâm nóng. Theo đó, câu chuyện vốn mang tính cá nhân nhưng lại được đưa vào trong kịch bản Táo quân 2019. Những gì ông Vũ nói, đều được Bắc Đẩu (Công Lý đóng) “nhái” lại, thậm chí còn chêm thêm vài câu nhận xét mang tính giễu cợt như “mắt lồi, môi thâm, đã xấu đừng có thiền…”.

Nếu như ê kíp Táo quân nghĩ những chi tiết trên sẽ mang lại tiếng cười thì họ đã nhầm. Nó chính xác hơn là một sự lố bịch. 

Họ nghĩ họ là ai, là cái gì mà bắt chước, miệt thị một doanh nhân với y chang vẻ ngoài và câu "người anh em thiện lành". Kể cả khi ông ấy có lối sống và cách hành xử dị thường thì cũng không nhất thiết phải đưa lên để tấu hài.

Điều này chỉ cho thấy sự thiếu văn hoá của những người làm nội dung mà thôi. Và xin đừng quên rằng, ông ấy - Đặng Lê Nguyên Vũ đang là ông chủ của một thương hiệu cà phê nổi tiếng, có sức ảnh hưởng lớn trong giới kinh doanh.

Táo quân có lẽ nên chuyển thành Táo quẫn cho hợp. Bởi họ đã quẫn tới mức cho vào nội dung những thứ không đáng phê phán, không đáng để mỉa mai. Trong khi đó, có cả tá vấn đề của xã hội trong năm qua lại không thấy chương trình nhắc tới, hoặc nếu có cũng rất chung chung. Phải chăng đó là một sự hèn nhát!

Nếu không thể nói tới những vấn đề mà người dân quan tâm một cách trực diện nữa thì Táo quân cũng nên dừng lại. Bởi thứ mà người xem trông chờ vào Táo quân không phải là việc đả kích một người dân lương thiện, mà là phải chiến đấu, lên án với những vấn đề tiêu cực, nhiều người quan tâm.

Từ khi nào, một chương trình được chờ đợi, lại biến thành một "con gà đẻ trứng vàng" với cơ man nào là quảng cáo nhức mắt. Sự vỡ vụn về nội dung, ý tưởng nhạt nhòa cho thấy Táo quân cần phải được thay thế bằng một chương trình khác tôn trọng khán giả hơn.

Đừng đánh đổi một chương trình vốn tốt đẹp trong lòng công chúng như Táo quân để lấy vài đồng quảng cáo, khi mà cả một năm Táo quân chỉ một lần lên chầu, một lần được đến với công chúng. Hãy để Táo quân là nơi nói hộ nỗi lòng của người dân, chứ không phải là chỗ để miệt thị sở thích, lối sống của một cá nhân, bằng không hãy dẹp đi!

Theo vtc.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ