Được mênh danh là bậc thầy của nền âm nhạc dân tộc, người giữ lửa của nền văn hóa truyền hóa truyền thống, thuở sinh thời, cố GS-TS Trần Văn Khê đã đào tạo ra nhiều thế hệ học trò có tài năng và tâm huyết với nền văn hóa truyền thống mấy ngàn năm của đất nước.
Hằng năm, cứ đến ngày giỗ thầy, học trò các thế hệ lại có dịp tề tựu cùng nhau để cùng thắp nến tri ân và ôn cố tri tân khi cùng chia sẻ về những kỉ niệm thuở còn gắn bó với thầy và cùng kể cho nhau nghe những câu chuyện xúc động về người thầy đáng kính. Bên cạnh đó là những tiết mục văn nghệ mang đậm màu sắc văn hóa và lịch sử dân tộc do chính những người học trò của cố giáo sư biểu diễn.
Trong đó, có nhiều người đã thành danh mà tên tuổi có họ được biết đến rộng rãi trong giới chuyên môn trong và ngoài nước như NGƯT Phạm Thúy Hoan và ái nữ Tiến sĩ nhạc sĩ Hải Phượng, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang… hoặc những tên tuổi vang bóng một thời như nghệ sĩ Xuân Lan, nghệ sĩ Diệu Thanh (ái nữ của NSƯT Diệu Hiền) và nhiều bạn trẻ mộ điệu.
Nghệ sĩ Xuân Lan hát bài “Câu hò dành tặng thầy Khê” tại lễ tưởng niệm. |
Trong không khí thân mật có phần trang nghiêm của lễ tưởng niệm, các học trò cùng xúc động nghe lại những lời tự sự của cố giáo sư được thu âm lại trước đó nhiều năm cũng như những lời dặn dò đầy tâm huyết của một bậc thầy khi mong muốn các thế học trò của mình nối bước tiền nhân, tiếp tục gìn giữ cái hay cái đẹp của văn hóa truyền thống.
Trước giây phút đó, NGƯT Phạm Thúy Hoan – chủ nhiệm CLB Tiếng hát quê hương và diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang – chủ nhiệm CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam Bộ (đây là 2 câu lạc bộ do chính giáo sư Khê lập ra thuở sinh thời) đã tuyên bố sẽ cùng phối hợp thực hiện một chương trình vinh danh văn hóa vào cuối tháng 6 cho trọn di nguyện của ân sư.
Là học trò của ưu tú GS Khê, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang - chủ nhiệm CLB Nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam Bộ đứng ra tổ chức lễ giỗ cho thầy tại TPHCM, anh chia sẻ: “Buổi tưởng nhớ hôm nay được tổ chức cho những quý vị yêu mến và học trò của thầy tại TPHCM có cơ hội thắp ngọn nến tưởng nhớ thầy. Tôi muốn ngày giỗ của thầy cũng là ngày hội văn hóa, qua đó kêu gọi mỗi người cùng yêu văn hóa cổ truyền, cùng xây dựng và tự hào về nền văn hóa đó”.
Được biết, lễ giỗ chính thức của cố GS.TS Trần Văn Khê đã diễn ra ngày 2-6 (tức 9-5 âm lịch) tại quê nhà làng Vĩnh Kim (Tiền Giang).