(GD&TĐ) - Số liệu công bố mới đây của Tổng cục Thống kê cho thấy, 9 tháng qua, Việt Nam đã xuất siêu 34 triệu USD. Có thể coi đó là một con số khả quan nếu so với thời điểm cùng kỳ năm 2011 cả nước nhập siêu tới hơn 8,1 tỷ USD. Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước vẫn còn rất nhiều khó khăn như hiện nay, đây là một trong những tín hiệu khả quan nhất của hoạt động kinh tế trong bối cảnh lạm phát tháng 9 đã quay trở lại với mức tăng “khủng” của chỉ số giá tiêu dùng (tăng 2% so với tháng 8, là mức tăng cao nhất trong vòng 16 tháng trở lại đây).
Các con số “biết nói”
Vị thế của Việt Nam trong buôn bán quốc tế đã được cải thiện đáng kể thông qua các con số xuất siêu |
Cụ thể, trong tháng 9/2012, kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 9,7 tỷ USD, giảm gần 6% so với tháng 8/2012. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt kim ngạch xuất khẩu 6,35 tỷ USD, chiếm 65,4% tổng kim ngạch xuất khẩu trong tháng 9/2012. Tổng kim ngạch nhập khẩu trong tháng 9/2012 ước đạt 9,8 tỷ USD, giảm 4,45% so tháng 8/2012. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 5,3 tỷ USD, tăng nhẹ 0,4% so tháng 8/2012.
Tính chung 9 tháng năm 2012, kim ngạch xuất khẩu cả nước ước 83,789 tỷ USD, tăng 18,9% so cùng kỳ 2011. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt gần 52,5 tỷ USD, chiếm tới 62,6% tổng kim ngạch. Kim ngạch nhập khẩu cả nước tháng 9/2012 tháng ước đạt 83,755 tỷ USD, tăng 6,6% so cùng kỳ năm trước, trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 43,87 tỷ USD, chiếm 52,4%.
Như vậy, trong tháng 9/2012, cả nước nhập siêu 100 triệu USD nhưng tính cả 9 tháng năm 2012, cả nước vẫn xuất siêu 34 triệu USD. Như đã nói ở trên, mặc dù sụt giảm đáng kể so với con số xuất siêu của 8 tháng năm (134 triệu USD) nhưng cũng có thể coi đó là một quan số khả quan nếu so với thời điểm cùng kỳ năm 2011 cả nước nhập siêu tới hơn 8,1 tỷ USD.
Đáng chú ý, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 9 tháng năm 2012 xuất siêu tới 8,6 tỷ USD.Có tới 18 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu vượt 1 tỷ USD, trong đó, hàng dệt, may đứng đầu với kim ngạch đạt kim ngạch 11,25 tỷ USD (tăng 8,4% so cùng kỳ 2011); kế đến là điện thoại các loại và linh kiện đạt 8,56 tỷ USD (tăng 120,6%); dầu thô đạt 6,34 tỷ USD (tăng 14,5%); thủy sản (4,46 tỷ USD (tăng 2,2%)... Đây là bước phát triển đáng kể so với tháng 8 tháng đầu năm, với 24 mặt hàng đạt kim ngạch trên 500 triệu USD; có 16 mặt hàng đạt từ 1 tỷ USD trở lên; trong đó, cao nhất là dệt may đạt trên 9,8 tỷ USD, tiếp đến là điện thoại các loại và linh kiện đạt trên 7,4 tỷ USD, dầu thô gần 5,5 tỷ USD, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 4,8 tỷ USD, giày dép đạt gần 4,8 tỷ USD, thuỷ sản đạt gần 4 tỷ USD, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt gần 3,7 tỷ USD, phương tiện vận tải và phụ tùng trên 3 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ gần 3 tỷ USD, cà phê gần 2,7 tỷ USD, gạo đạt trên 2,5 tỷ USD,...
Cơ quan thống kê cũng cho biết các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu trong 9 tháng gồm: điện tử, máy tính và linh kiện (đạt kim ngạch 9,28 tỷ USD, tăng 80,9% so cùng kỳ 2011); xăng dầu (7,08 tỷ USD, giảm 8,5%); vải (5,07 tỷ USD, tăng 1,2%); sắt thép (4,5 tỷ USD, giảm 4,3% về giá trị nhưng tăng 14,9% về lượng)...
Vị thế mới trong xuất khẩu
Hàng dệt, may đạt kim ngạch 11,25 tỷ USD, đứng đầu trong 18 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu vượt 1 tỷ USD |
Sở dĩ coi xuất siêu là tín hiệu khả quan cho nền kinh tế là bởi đã nhiều năm qua, trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, Việt Nam luôn ở vị thế nhập siêu. Trong suốt 27 năm (kể từ năm 1985 đến năm 2011), chỉ duy nhất có năm 1992 là chúng ta xuất siêu với mức rất “nhẹ” khoảng 40 triệu USD; còn năm nào cũng nhập siêu, có những năm nhập siêu rất lớn. Có tới 4 năm liền (2007- 2010), mức nhập siêu tính bằng tỷ USD đã lên đến 2 chữ số mà năm 2008 là một thí dụ (18 tỷ USD).
Đến giữa quý 3/2012, Việt Nam lần đầu tiên trong gần 20 năm nay đã có bước chuyển quan trọng từ nhập siêu lớn và liên tục sang xuất siêu. Kỳ vọng này đã được đặt thành mục tiêu từ cuối thập kỷ trước, nhưng đến nay mới thực hiện được; mục tiêu xuất siêu cũng được đặt ra vào cuối thập kỷ này, nhưng đã được thực hiện ngay từ năm thứ 2.
Trong nhiều sự phát triển, thì đạt được sự chuyển đổi vị thế, được coi là dấu ấn, là một tin vui lớn- mặc dù mức xuất siêu của ta còn nhỏ về quy mô, chưa ổn định vững chắc (cần nhớ rằng, nếu cùng kỳ năm trước, mức nhập siêu lên đến 6,575 tỷ USD, bằng 10,5% kim ngạch xuất khẩu; chỉ tiêu kế hoạch năm 2012 là 12- 13 tỷ USD và tỷ lệ 12- 13%). Nguyên nhân của kết quả trên là do xuất khẩu đạt được nhiều sự vượt trội. Nhìn tổng quát, xuất siêu nhờ xuất khẩu tăng cao, nhờ có các biện pháp quản lý đối với những mặt hàng không khuyến khích hoặc hạn chế nhập khẩu.
Tuy nhiên, bên cạnh tin vui thì cũng còn đôi điều băn khoăn. Nhập khẩu tăng thấp có một phần quan trọng do nhu cầu nhập khẩu cho sản xuất và tiêu dùng bị co lại, tốc độ tăng thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó cơ cấu xuất khẩu còn mang nặng tính gia công, công nghiệp phụ trợ chậm phát triển, việc tạm nhập tái xuất quản lý chưa chặt... Trong điều kiện hiện nay của thế giới và cuối năm ở trong nước, xuất khẩu khó tăng cao, trong khi nhập khẩu vừa tăng về lượng, vừa tăng về giá. Đây có thể được coi là một cảnh báo, rất cần có những điều chỉnh hợp lý trong thời gian tới.
Trong 78 nước và vùng lãnh thổ buôn bán tương đối lớn đối với Việt Nam, có 53 thị trường mà Việt Nam giữ vị thế xuất siêu, lớn nhất là Hoa Kỳ trên 9,71 tỷ USD, tiếp đến là Hongkong trên 1,6 tỷ USD, Campuchia trên 1,52 tỷ USD, Anh gần 1,5 tỷ USD, Đức 1,09 tỷ USD, Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất 1,06 tỷ USD, Nhật Bản 1,04 tỷ USD... |
Thu Ba