Xuất khẩu tiếp tục... lỡ hẹn

GD&TĐ - Năm 2016 đang dần khép lại với những kết quả không như mong muốn trong lĩnh vực xuất khẩu (XK) của Việt Nam. 

Xuất khẩu tiếp tục... lỡ hẹn

Như vậy, những cảnh báo, nghi ngại của các cơ quan, giới chuyên gia về một năm sa sút trong XK đã diễn ra đúng như dự báo. Hoạt động XK lại thêm một năm nữa “lỡ hẹn” với kế hoạch Quốc hội đã đề ra là 10%.

Thiếu bứt phá

Có thể thấy, sự khó khăn tiếp tục đeo bám ở những tháng sau đó và XK vẫn chỉ duy trì ở mức tăng trưởng 7 -7,5% mà không thể bứt phá.

Đến hết tháng 11, XK của cả nước chỉ đạt 159,5 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 45,4 tỷ USD, tăng 4,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN), kể cả dầu thô đạt 114,1 tỷ USD, tăng 8,7%.

Tháng 12, dự báo XK sẽ không có tăng trưởng hay suy giảm đột biến so với tháng 11 (kim ngạch XK đạt 15,6 tỷ USD). Điều này đồng nghĩa với việc đích tăng trưởng 10% mà Quốc hội đề ra là khó chạm tới.

Theo Tổng cục Thống kê, nhìn chung sự cố Galaxy Note 7 không ảnh hưởng nhiều đến kim ngạch XK của Việt Nam cũng như với nhóm hàng điện thoại và linh kiện.

Trong tháng 11, kim ngạch XK nhóm hàng này đạt khoảng 3 tỷ USD, tăng 5,8% so với tháng trước, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2015. Kim ngạch XK một số mặt hàng gia công, lắp ráp (với tỷ trọng lớn thuộc về các DN có vốn ĐTNN) tăng so với cùng kỳ năm trước như: Dệt may, điện tử, máy tính và linh kiện, giày dép, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng…

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - đã phải thốt lên rằng, năm 2016 là năm khó khăn nhất với ngành dệt may trong 10 năm qua khi mức tăng trưởng chỉ ngấp nghé 5% (những năm trước ngành này có tốc độ tăng trưởng khá cao là trên 10%). “Chúng tôi thực sự khó khăn”, “ăn cháo còn hơn nhịn đói”, “ăn đong” là những chia sẻ của DN dệt may khi nói về năm 2016.

Tuy nhiên, kim ngạch XK một số mặt hàng nông sản và nguyên liệu thô giảm so với cùng kỳ năm trước. Đơn cử, dầu thô đạt 2,1 tỷ USD, giảm 39,7%; gạo đạt 2,1 tỷ USD, giảm 20,1%; sắn và sản phẩm từ sắn đạt 892 triệu USD, giảm 25,2%.

Xét về cơ cấu thị trường XK thì nhìn chung các thị trường khác vẫn giữ được mức tăng; riêng XK sang thị trường ASEAN đạt 15,7 tỷ USD, giảm 6,6%.

Đặc biệt, đã xảy ra một sự “đổi ngôi” khá thú vị trong nhóm hàng nông sản là kim ngạch XK rau quả, nhất là trái cây đã tăng khá mạnh, khi kết quả XK gạo lại đang trong xu hướng giảm, giúp tái cân bằng tổng kim ngạch XK của các loại hàng thuộc nhóm hàng nông nghiệp, nông sản...

Đâu là nguyên nhân?

Như vậy, đến thời điểm hiện tại năm 2016 chỉ còn tính bằng ngày nên chúng ta đã có thể kết luận rằng, kết quả XK của cả năm sẽ không đạt mục tiêu đề ra là tăng 10% so với năm trước. Sự khó khăn, tăng trưởng chậm là diễn biến liên tục trong các tháng từ đầu năm và không xuất hiện bứt phá như mong đợi.

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân có nhiều, cả chủ quan và khách quan. Trước hết, nhu cầu sử dụng nhiều loại nguyên, nhiên liệu của hoạt động sản xuất công nghiệp thế giới vẫn trong giai đoạn trầm lắng, chưa hồi phục.

Điển hình như tình hình XK dầu thô thường xuyên giảm, lại đứng ở mức thấp gây thiệt hại trực tiếp cho các nhà XK. Đây là nguyên nhân bất khả kháng, làm mất đi khoảng 40% giá trị XK dầu thô - một thiệt hại không nhỏ của nền kinh tế nước ta.

Tiếp theo, do mức thu nhập và đời sống nói chung ở các nước EU, Mỹ cũng chưa có sự cải thiện đáng kể nên nhu cầu tiêu dùng cũng không tăng, dẫn đến sự hạn chế về kết quả XK mặt hàng dệt may của Việt Nam.

Trong khi đó, hầu như năng lực sản xuất của các mặt hàng XK chủ lực của ta gồm: Dệt may, gạo, cà phê, cao su, dầu thô đã được tập trung khai thác đến ngưỡng; khó có thể tăng tốc liên tục hoặc mạnh mẽ như 10 năm về trước. Mặt khác, chủ trương hạn chế khai thác, XK một số nhiên liệu chiến lược như than đá, dầu thô để dự trữ cũng bắt đầu được thực thi.

Các chuyên gia cho rằng, một nguyên nhân khác khiến mục tiêu không đạt xuất phát từ quan điểm, cách xác định mục tiêu. Chẳng hạn như việc hoạch định, xác định chỉ tiêu kinh tế cần được cân nhắc một cách toàn diện, kỹ lưỡng trên cơ sở đoán định trước những diễn biến liên quan; nhất là về yếu tố khách quan trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, cũng không nên “cứng nhắc” trong cách lập kế hoạch khi mong muốn tốc độ tăng trưởng XK phải đạt mức 10% như mấy năm gần đây, bởi các nguồn lực cho tăng trưởng không còn nhiều dư địa và có thể biến động khó lường.

Do đó, chỉ tiêu kế hoạch của các ngành cần được xây dựng sát thực tiễn hơn; các cơ quan hoạch định chính sách cần có những điều chỉnh, thay đổi về tăng trưởng để phù hợp hơn trong năm 2017.

Trong bối cảnh các nước XK lớn khác cũng bị giảm sút về tốc độ tăng trưởng, việc Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ở mức 8% vẫn đáng ghi nhận.                                                                                                                                                                                  Tuy nhiên so với con số 10% đã đặt ra thì vẫn còn một khoảng cách. Nhưng với giá trị XK như hiện nay, chúng ta đã thể hiện việc tiêu thụ tốt nông sản cho bà con, tạo thêm công ăn việc làm cho các DN trong khối sản xuất công nghiệp, điều đó cũng có giá trị rất lớn đằng sau con số 8%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ