XKLĐ khó đạt chỉ tiêu 85.000 người như chỉ tiêu đã đề ra. |
Theo Cục Quản lý Lao động Ngoài nước, trong 6 tháng đầu năm cả nước chỉ có 37.068 người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), đạt 43% kế hoạch năm. Dù năm nay, trước tác động của khủng hoảng kinh tế Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã giảm chỉ tiêu XKLĐ xuống còn 85.000 người so với dự định 100.000 ban đầu nhưng nhiều khả năng vẫn không đạt được.
Thị trường được nhiều người kỳ vọng nhất là Hàn Quốc 6 tháng đầu năm chỉ đưa đi được gần 1.500 người, trong khi cùng kỳ năm 2009 là gần 4.300 người. Hai thị trường trọng điểm là Đài Loan và Malaysia có tăng trở lại nhưng không đáng kể. Đặc biệt là Malaysia, khoảng 80 doanh nghiệp XKLĐ chỉ đưa được hơn 2.500 người, bình quân mỗi doanh nghiệp chỉ đưa được khoảng 32 lao động. Con số này thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm từ 2005 - 2007 với mức bình quân đưa đi được 10.000 người/năm.
Cùng với thay đổi chính sách, những rủi ro thị trường cũng đã tác động tiêu cực đến kế hoạch XKLĐ và thu hẹp thị trường của các doanh nghiệp XKLĐ. Cụ thể là trên bản đồ XKLĐ của Việt Nam, trong số 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, hiện tại hoạt động cung ứng lao động chủ yếu chỉ tập trung ở 9 thị trường gồm: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Macao; Malaysia, UAE, Saudi Arab, Bahrain ; Libya. Hàng loạt thị trường mới tiềm năng như Qatar, Cộng hòa Czech chỉ sau một thời gian ngắn khai thác đã phải đóng cửa. Ngay từ đầu năm 2009, Bộ LĐ-TB&XH triển khai chương trình lớn đưa 4.000 lao động sang UAE làm bảo vệ nhưng hiện nay cũng đang bị ngưng trệ...
Theo nhiều doanh nghiệp tham gia XKLĐ, lý do suy thoái kinh tế đã không còn thuyết phục khi nền kinh tế nói chung đang dần được phục hồi. Có nhiều nguyên nhân chủ quan khác ảnh hưởng đến việc cung ứng hợp đồng lao động của các doanh nghiệp. Đó là sự chênh lệch về phí môi giới giữa các doanh nghiệp; việc thành lập nhiều chi nhánh ở các tỉnh, thành; tình trạng bán giấy phép tràn lan; thủ tục vay vốn, ký quỹ tại các ngân hàng thương mại vẫn chưa theo chuẩn chung; việc cấp phép XKLĐ còn nhiều nhiêu khê, giải quyết rủi ro cho lao động còn nhiều bất cập… Quan điểm chung của các doanh nghiệp XKLĐ cho thấy, nếu không có những điều chỉnh kịp thời, chắc chắn các chỉ tiêu năm nay và ngay cả các năm tiếp theo sẽ khó lòng thực hiện được khi cả người lao động và doanh nghiệp XKLĐ đều bị thiệt thòi.
Thông thường, hầu hết các ngân hàng thương mại đều yêu cầu các doanh nghiệp XKLĐ phải ký quỹ từ 5 - 10% tổng số vốn vay để bảo lãnh cho lao động. Theo đánh giá chung, việc ký quỹ này là khá cao, khiến nhiều doanh nghiệp khốn khổ khi vay vốn. Trong khi đó, tại một số địa phương như Thanh Hoá, doanh nghiệp lại không phải ký quỹ. Rõ ràng, đã không có quy định chung nào dành cho các ngân hàng.
Một khó khăn khác mà rất nhiều doanh nghiệp đang gặp phải, đó là công tác thẩm định doanh nghiệp tại các địa phương quá rườm rà, gây cản trở tiến độ tuyển dụng lao động của doanh nghiệp. Như thế, khi doanh nghiệp có tuyển lao động tại bất kỳ địa phương nào đều phải thông qua Sở LĐ-TB&XH của địa phương đó và chờ thẩm định lại. Cũng có những địa phương thực hiện thủ tục nhanh gọn và cho phép doanh nghiệp được tuyển dụng lao động tại nhiều huyện, nhưng cũng có địa phương dường như còn gây khó dễ khi thực hiện các thủ tục hành chính và chỉ cho phép doanh nghiệp được phép tuyển dụng tại 1 hoặc 2 huyện. Rõ ràng nhiều địa phương đang làm việc không theo một quy chuẩn chung nào. Thực tế có tình trạng những công ty đã có thương hiệu, uy tín lâu năm được tuyển dụng tại nhiều huyện, xã, còn các doanh nghiệp mới hoạt động bị hạn chế địa bàn, gặp rất nhiều khó khăn, đã yếu lại bị hạn chế tuyển dụng nên càng khó phát triển.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa, để thực hiện chỉ tiêu đề ra, ngoài nỗ lực của 167 doanh nghiệp, Bộ sẽ có những biện pháp cụ thể. Tới đây Bộ sẽ tổ chức hàng loạt hội nghị, hội thảo bàn kế hoạch đưa lao động sang Trung Đông ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên; tổ chức hội thảo về thị trường Saudi Arab, tổ chức lại việc đưa lao động sang Qatar; tập trung triển khai đề án tăng cường quản lý lao động sang làm việc tại Libya với mục tiêu đưa 5.000 - 7.000 lao động/năm sang thị trường này trong giai đoạn 2010 - 2015. Ngoài ra, chủ trương của Bộ là kích cầu lại các thị trường, nhất là duy trì, mở rộng, tăng số lượng lao động sang thị trường truyền thống; cố gắng đưa được 10.000 lao động sang Nhật Bản, 10.000 lao động sang Hàn Quốc trong năm nay.
Quang Anh