Làm đẹp cho đời
Theo chân các bác nông dân trồng hoa hải đường, hoa trà ở xã Nam Toàn, mọi người sẽ có cảm giác như đang chìm đắm vào “vương quốc” thú chơi của vua quan thuở nào.
Người dân nơi đây cho biết, những ngày cận Tết, con đường làng nhỏ bé vào khu dân cư, ra cánh đồng lại tấp nập với lượng khách khổng lồ về mua hoa. Người ra vào mua hoa thật nhộn nhịp.
Anh Nguyễn Văn Hoàng - Người trồng hoa trà từ nhiều năm nay - cho biết: Cứ dịp Tết là bà con nông dân ở đây lại bận rộn, vất vả với việc bán hoa trà cho các lái buôn khắp nơi về mua. Cái nghề làm đẹp cho đời, mang mùa xuân về cho từng ngôi nhà đã như cánh chim én báo hiệu mùa xuân tới.
Khoảng những năm 90 của thế kỷ trước, hoa trà bắt đầu được du nhập về Nam Toàn như một nghề phụ cho thu nhập cao. Ban đầu, mới chỉ một vài loại trà, đến nay, người trồng trà Nam Toàn mở rộng ra các loại phong phú như bạch trà, trà thâm lựu, trà cung đình, trà phấn hồng, trà phấn sen, trà phấn Nhật, trà thâm viền…
Đến đây, bạn sẽ cảm nhận được màu sắc bắt mắt của hoa trà. Từ màu trắng ngần tinh khiết, trong sáng tuyệt trần của bạch trà (đặc biệt là bạch nhật) đến màu phớt hồng tươi tắn, đẹp như má nàng thiếu nữ tuổi mười tám, đôi mươi của trà phấn hồng.
Còn trà lựu quý hiếm lại có vẻ đẹp cuốn hút đến mê hồn. Mỗi năm trà đơm hoa một vụ kéo dài tới vài ba tháng. Thâm hồng và phấn hồng lại nở hoa đúng vào dịp Tết.
Bạch trà nở trước Tết nhưng đến nay với kinh nghiệm chăm bón, người trồng trà Nam Toàn có thể điều khiển được để bạch trà nở rộ hoa đúng Tết.
Theo anh Hoàng, để có một chậu trà đẹp phải chăm sóc, nâng niu từ một năm đến vài ba năm đặc biệt là bạch trà. Cây càng to, càng lâu năm, hoa càng đẹp với nhiều cánh cân đối nhau.
Để bạch trà nở đúng dịp Tết, những năm đầu tiên, người trồng thường vặt bỏ nụ để nuôi cành. Đến khoảng tháng 10, tháng 11 âm lịch hằng năm, người trồng trà có thể để lại nụ trà chăm sóc cho kịp ra hoa dịp Tết.
Người trồng trà Nam Toàn lựa theo thời tiết mỗi năm cộng với kinh nghiệm tích lũy của bản thân để có cách chăm sóc hoa trà phù hợp. Có lẽ bởi trà khó trồng, công chăm sóc cũng đầy công phu, nhiều mẹo nên ngay từ xa xưa, hoa trà đã được giới sành chơi cây cảnh nước ta xếp vào dòng “kỳ hoa dị thảo” và tục ngữ có câu “Vua chơi lan, quan chơi trà” là thế. Trong ngôn ngữ của loài hoa, hoa trà mang ý nghĩa là “sự duyên dáng nhất”.
Người chơi trà phải là người yêu thích sự thanh tao, thanh nhã, yêu cái đẹp, sự điềm tĩnh. Ngoài đào, quất truyền thống, trà hiện nay cũng được nhiều người ưa chuộng. Do vậy, lượng trà bán quanh năm rất chạy nhưng chạy nhất vào khoảng hai tháng cuối năm, nhất là tháng chạp.
Vào dịp này, người của các đại lý, người đi buôn đến tận vườn chọn cây, ngã giá. Người trồng ít, đại trà cũng bán được vài trăm cây với giá 200 nghìn đồng/cây; thu lại 40 - 50 triệu đồng dịp cuối năm. Người trồng nhiều mỗi năm có thể thu được từ 150 - 200 triệu đồng.
Mùa xuân đang về trên những làng hoa |
Chờ đón xuân về
Xuôi về phía Nam xuống vùng chân sóng Hải Hậu, bỏ lại những cơn bão lũ khắc nghiệt của năm, con người và làng hoa nơi đây vẫn luôn nở nụ cười, sắc hoa khoe thắm chờ đón mùa xuân về.
Đến xóm Bắc (xã Hải Xuân), mọi người sẽ bắt gặp những luống cúc vàng ươm, trắng muốt đang được người trồng hoa chọn lựa, thu hoạch giao cho đại lý.
Hoa ở đây phong phú với các loại cúc, hồng, mẫu đơn, hoa láng, hoa ly... Tuy nhiên, chủ yếu người dân xóm Bắc trồng hoa cúc, hoa hồng phục vụ Tết hàng năm. Diện tích trồng hoa khoảng 16 mẫu. Nhà ít cũng phải 1 - 2 sào, nhà nhiều có tới 5 - 6 sào trồng hoa.
Gia đình ông Trần Văn Phú những ngày này rất bận rộn trong việc chăm sóc hoa. Mặc dù bão lũ liên tục vào dịp cuối năm, nhưng người dân xóm Bắc vẫn đảm bảo cung ứng đủ hoa cho thị trường ngày Tết.
Tính sơ sơ, 1 sào hoa cúc cho ra khoảng hơn 3 nghìn bông; hoa hồng là gần 5.000 bông (một năm thu hoạch 4 lần). Mỗi sào cho thu nhập 25 triệu đồng/lứa. Như vậy người trồng cúc và hồng thu lại trên 100 triệu đồng/sào, trừ chi phí còn lại 70 - 80 triệu đồng/tháng.
Nhờ những mạch ngầm âm ỉ vùng chân sóng với vị mặn mòi của gió biển và âm thanh sóng biển bảng lảng đó đây mà sắc hoa của những làng hoa vùng biển dường như thêm tươi thắm hơn, đậm đà hơn thấy rõ.
Những bông hoa ấy được các đại lý đưa đến mọi vùng miền của Tổ quốc, từ Hải Phòng đến Móng Cái (Quảng Ninh); từ thành phố Nam Định đến Thái Bình, Hà Nội; từ Thanh Hóa đến Nghệ An...
Mùa xuân đang khoác trên mình tấm áo xanh đầy sức sống và những hạt mưa bụi đến với nhân gian cho cây nảy lộc đâm chồi. Những làng hoa đang vươn mình chào đón bình minh, chào đón mùa xuân mới.