Chuyện lấy tiền đó không chỉ diễn ra một lần. Tôi nói bóng gió về việc mất tiền thì không thấy biểu hiện của cháu có vẻ gì là có lỗi cả. Chồng tôi rất tức giận, anh nói sẽ đánh con một trận và thậm chí sẽ có biện pháp mạnh hơn để con chừa đi, tôi thì ngăn chồng lại và bảo cả hai cần phải bình tĩnh để giải quyết vấn đề này cho trọn vẹn.
Nói thì nói vậy, tôi vẫn đang rất hoang mang. Tại sao cháu lại làm như vậy, nếu cháu cứ tiếp tục thì sẽ trở thành một đứa con gái ăn cắp. Bạn bè nó biết thì cháu sẽ chẳng còn mặt mũi nào mà học hành nếu chẳng may cháu lấy tiền của bạn bè. Tôi phải làm sao với con? (Thu Hòa)
Trả lời
Chào chị,
Tôi hiểu được phần nào sự lo lắng hoang mang của vợ chồng chị khi đối diện với sự thay đổi theo chiều hướng tiêu cực của con gái mình. Làm cha mẹ, chẳng ai muốn con mình trở thành người xấu.
Nếu phải hy sinh để con cái có tương lai và đạo đức tốt đẹp hơn, có lẽ nhiều cha mẹ sẽ sẵn sàng làm như vậy. Nhưng nuôi con thì dễ mà dạy con thì khó, để giúp con cái trưởng thành và trở thành người có ích thì đòi hỏi ở mỗi người làm cha mẹ phải có sự kiên nhẫn, bao dung và trách nhiệm cùng những kiến thức kỹ năng cần thiết để giáo dục con nên người.
Con gái chị mới bước vào tuổi dậy thì, tâm sinh lý có nhiều thay đổi, lúc này cần ở vợ chồng anh chị quan tâm sát sao hơn để nhận biết sự thay đổi của cháu. Việc cháu lấy tiền của bố mẹ đã gây cho vợ chồng chị cú sốc vì như chị nói từ trước đến nay cháu rất ngoan và luôn nghe lời bố mẹ.
Nếu bình tĩnh nhìn nhận, chị hãy tìm hiểu kỹ về vấn đề này, liệu cháu có đang cần tiền cho một việc gì đó mà không dám xin bố mẹ hoặc sợ bố mẹ phản đối mà không cho tiền nên cháu có làm liều như vậy không?
Có thể cháu chưa ý thức được hành vi như vậy là xấu, hơn nữa bố mẹ cũng không quản lý tiền một cách cẩn thận cũng sẽ dễ tạo điều kiện cho cháu làm điều đó khi có dịp.
Thực ra việc con gái chị lấy tiền cũng không phải là chuyện xưa nay hiếm. Ở lứa tuổi này, trẻ có những nhu cầu phát sinh từ việc mua quần áo, đồ trang sức, ăn uống với bạn bè… trong khi tiền chi tiêu của trẻ lại hạn chế bởi bố mẹ sẽ không thể cho nhiều tiền.
Vì vậy, khi có nhu cầu mà tiền không có thì con sẽ dễ nghĩ đến tình huống lấy tiền của người thân hoặc ai đó để sử dụng.
Vì vậy, trong lúc này đòi hỏi ở các bậc phụ huynh như vợ chồng chị phải hiểu thật kỹ về tâm lý con, bình tĩnh để tránh những nóng nảy dẫn đến việc xung đột với con và gây ra những tổn thương không đáng có.
Chị cần bàn bạc với chồng chị, nếu anh ấy quá nóng tính thì chị sẽ là người nói chuyện với con, hỏi kỹ càng việc con sử dụng tiền với mục đích gì, tại sao con lại làm như vậy. Lắng nghe suy nghĩ của con để xem xét lý do của con như thế nào để có những biện pháp phù hợp.
Nếu con có những lý do chấp nhận được thì chị nên giúp con hiểu rằng dù bất cứ việc gì con cũng không nên tự lấy tiền mà nên hỏi ý kiến của cha mẹ, đó là những hành động xấu và dễ làm cho người khác có những đánh giá tiêu cực khi họ biết chuyện.
Hãy nhớ là không nên sử dụng bạo lực với con cho dù bất cứ hình thức nào mà khuyến khích con tự suy nghĩ và tự rút ra kinh nghiệm. Tôi nghĩ rằng con chị vốn đã ngoan ngoãn và vâng lời thì cháu sẽ tự biết lỗi và thay đổi hành vi.
Bản thân anh chị cũng cần chú ý quản lý tiền bạc chặt chẽ hơn, để ý những nhu cầu của con vì con cũng đã lớn. Ngoài ra, anh chị cũng không nên quá yêu chiều cháu mà có thể thỏa thuận để cháu làm thêm một số công việc phụ bố mẹ phù hợp và sẽ được trả công.
Điều này sẽ khuyến khích con tham gia các công việc gia đình, đồng thời giúp con hiểu được giá trị của sức lao động và giá trị của đồng tiền và giám sát việc chi tiêu của con một cách hợp lý.
Điều quan trọng hơn hết, anh chị cần dành thời gian, sự quan tâm nhiều hơn cho con, quan sát, lắng nghe để hiểu và gần gũi với con hơn, từ đó có thể nắm bắt kịp thời những thay đổi tâm lý cũng như các hành vi khác lạ để tìm cách uốn nắn kịp thời.