Xử phạt thể thao khiêu dâm: Lại quy định… “trên trời”?

GD&TĐ - Dư luận phải thốt lên: “Lại quy định… “trên trời”?”, khi nói đến nội dung Khoản 1 Điều 7 của Nghị định 46/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao, vừa có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo đó, quy định: “Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng các bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu thể thao mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy, kích động bạo lực, trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam”.

Nội dung đó đã khiến dư luận, nhất là các vận động viên, huấn luyện viên những bộ môn như thể dục dụng cụ, thể dục thể hình, các bộ môn dưới nước, khiêu vũ thể thao… không khỏi thắc mắc. Họ thắc mắc vì không hiểu thế nào là trang phục hay động tác khiêu dâm, đồi trụy trong thể thao?

Thắc mắc đó đã không được đại diện cơ quan tham mưu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra Nghị định 46 là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giải thích rõ ràng khi chỉ nói đấy là “việc tế nhị” nên “không thể có quy định chi tiết động tác thế này, trang phục thế kia là vi phạm”. Và, đại diện của Bộ này còn phán: “Nghị định đã có hiệu lực rồi, giờ cứ để xã hội vận hành đi đã”.

Nhưng, tiếc thay, vì cái sự đã rồi để tham mưu ấy của các vị đã khiến người dân không biết bao lần phải dở khóc, dở cười với những quy định… “trên trời”.

Không riêng gì quy định về xử phạt trang phục, động tác khiêu dâm, đồi trụy trong thể thao ở Nghị định 46 vừa có hiệu lực mà trước đó đã có nhiều quy định… được quy phạm hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật như: Không để ô kính trên nắp quan tài (Nghị định 105/2012), thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng tám giờ (Thông tư 33/2012/TT-BNNPTNN); 77 ngành nghề phụ nữ không được làm (Thông tư 26/2013/TT-BLĐ-TB&XH)…

Hay nhiều quy định… may mà được dư luận sớm phát hiện ngay từ dự thảo như: Người ngực lép không được đi xe máy, nhân viên trạm thu phí đường bộ phải khâu túi quần, túi áo trong lúc đi làm…

Vậy đấy, từ sự tắc trách và thiếu thực tế của một bộ phận cán bộ công chức tham mưu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, ban hành văn bản quy phạm pháp luật không hợp lý, không khả thi thậm chí có trường hợp còn trái luật, vi phạm quyền công dân... được ban ra.

Và, tiếc thay, những quy định… “trên trời” ấy đã luôn tác động xấu đến xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, sự yên tâm của người dân, đấy là chưa kể đến hậu quả tốn kém thời gian, công sức, chi phí cho việc sửa đổi, bãi bỏ quy định sai phạm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ