Xử lý nước sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano: Hiệu quả đáng kể

GD&TĐ - Sau gần 6 tháng xử lý ô nhiễm bằng công nghệ Nano Nhật Bản, nước sông Tô Lịch đã có những dấu hiệu cải thiện đáng kể.

 Phương án xử lý nước sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano được cho là hiệu quả.
Phương án xử lý nước sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano được cho là hiệu quả.

Kết quả xử lý

Ngày 16/5, Hà Nội khởi động dự án thí điểm làm sạch nước sông Tô Lịch và Hồ Tây theo công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản. Sau gần 6 tháng, Bộ TN&MT đã có những đánh giá đầu tiên về kết quả. Trong buổi kiểm tra sáng 30/10, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà ghi nhận dấu hiệu tích cực của nguồn nước và cho rằng phương pháp trên đã được các cơ quan của Nhật Bản chứng nhận nên bảo đảm độ an toàn.

Tại buổi làm việc, TS Tadashi Yamamura - Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Môi trường Thương mại Nhật Bản - Đại diện Công ty JVE cho biết, sau một thời gian, mùi của nước trong khu vực được xử lý ở sông Tô Lịch đã giảm 200 lần, ở hồ Tây giảm 30 lần (đo bằng thiết bị của Nhật Bản). Theo ông Tadashi, suất vốn đầu tư công trình ban đầu là gần 1,9 triệu đồng/m3.

Theo Công ty JVE báo cáo, số liệu đo được hiện nay tại sông Tô Lịch là: Vi khuẩn Coliform giảm 61 triệu lần, từ 550 triệu MPN/100 ml về 9 MPN/100 ml; Ecoli giảm 1.100 lần, từ 3.300 MPN/100 ml về 3 MPN/100 ml; Vi sinh vật có lợi Bacillus tăng 738 lần; Chỉ số tổng vi sinh vật hiếu khí tăng 47 lần; Bùn của sông Tô Lịch giảm nhiều nhất ở điểm cách đường Hoàng Quốc Việt 50 m là từ 91,3 cm xuống còn 15 cm (giảm 76,3 cm). 

Ghi nhận của Báo GD&TĐ, sáng 31/10, khu vực thí điểm xử lý nước sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano vẫn đang hoạt động với hệ thống khép kín. Theo đó, nước được lấy thẳng từ sông Tô Lịch đưa vào 3 bể xử lý. Tại bể cuối cùng, cá koi vẫn đang bơi bên trong. Hệ thống trên hoạt động theo phương thức: “Xử lý nước trong ngày, nước thải liên tục đổ vào, không luân chuyển nước thải, chất gây ô nhiễm xuống hạ lưu”.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà ghi nhận dấu hiệu tích cực của nguồn nước và cho rằng phương pháp trên đã được các cơ quan của Nhật Bản chứng nhận nên bảo đảm độ an toàn.
  Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà ghi nhận dấu hiệu tích cực của nguồn nước và cho rằng phương pháp trên đã được các cơ quan của Nhật Bản chứng nhận nên bảo đảm độ an toàn.

Chờ lấy nước... lọc nước

Về Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá, ông Võ Tiến Hùng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội cho biết, thành phố rất quan tâm đến việc tách nước thải và đưa về hệ thống Nhà máy Xử lý tại Yên Xá. Nhà máy này đang triển khai và theo kế hoạch khoảng 4 năm nữa sẽ hoàn thành.

UBND TP Hà Nội đang giao các sở, ngành nghiên cứu phương án đầu tư khoảng 150 tỷ đồng xây dựng trạm bơm nước từ sông Hồng vào hồ Tây và sông Tô Lịch. Nếu được thông qua, thời gian xây dựng trạm bơm có công suất cấp nước 156.000 m3/ngày đêm chỉ trong vòng nửa năm là hoàn thành. Tổng mức đầu tư cho dự án “hồi sinh” sông Tô Lịch này khoảng 150 tỷ đồng.

Còn theo ông Hoàng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, để xử lý được ô nhiễm các dòng sông cần đẩy nhanh hệ thống xử lý nước thải, tách nước mưa với nước thải, không cho nước thải chảy trực tiếp ra sông.

Hiện Ban Quản lý cấp thoát nước của thành phố đang thực hiện Dự án Nhà máy xử lý nước Yên Xá tại huyện Thanh Trì, trong đó có hệ thống cống bao chạy dọc hai bên sông Tô Lịch. Khi dự án hoàn thành, toàn bộ hệ thống nước thải sẽ được dẫn về Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá không cho chảy ra sông Tô Lịch nữa thì cơ bản sẽ xử lý được ô nhiễm.

Phương án làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano nhận được nhiều ý kiến đánh giá tốt của các chuyên gia. TS Đào Trọng Tứ cho rằng, công nghệ này có thể làm sạch nước, bùn cát. Còn TS Nghiêm Vũ Khải - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam ủng hộ và khẳng định, công nghệ Nano-Bioreactor đã ứng dụng thành công ở Nhật Bản và một số nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ