Xử lý nhiều cửa hàng xăng dầu "găm" hàng chờ tăng giá

Xử lý nhiều cửa hàng xăng dầu "găm" hàng chờ tăng giá

(GD&TĐ)-Trước thông tin Chính phủ sẽ điều chỉnh giá xăng dầu, nhiều cửa hàng, trạm xăng đã ngưng bán hàng hoặc bán nhỏ giọt để "găm" hàng chờ tăng giá. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc để xử lý những vi phạm này.

Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: từ ngày 19/2 đến 21/2, qua kiểm tra 472 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Hà Nội, đã tiến hành lập biên bản 8 cửa hàng với hành vi không bán hàng hoặc tạm ngừng không bán hàng.

Petrolimex khẳng định: “Các cửa hàng xăng dầu thuộc Petrolimex trong bất cứ tình huống nào cũng có đủ xăng dầu để bán và bán đúng giá niêm yết”
Petrolimex khẳng định: “Các cửa hàng xăng dầu thuộc Petrolimex trong bất cứ tình huống nào cũng có đủ xăng dầu để bán và bán đúng giá niêm yết”

Trong đó, nổi bật nhất là cửa hàng kinh doanh xăng dầu thuộc doanh nghiệp tư nhân Phúc Lâm, có địa chỉ tại xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội trong ngày 19/2 chỉ bán dầu mà không bán xăng.

Qua kiểm tra thực tế ngày 20/2 khi cửa hàng đang bán xăng nhưng vẫn còn tồn 1.531 lít trong bồn chứa 22 mét khối và dầu còn tồn 10.074 lít.

Cũng trên địa bàn huyện Mỹ Đức, Hà Nội có 2 doanh nghiệp khác cũng bị lập biên bản xử lý với hành vi ngừng không bán hàng, đó là là doanh nghiệp tư nhân An Mỹ (xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) và doanh nghiệp tư nhân Tuy Lai (xã Tuy Lai, Mỹ Đức, Hà Nội).

Tương tự, cửa hàng xăng dầu số 1 thuộc Công ty Cổ phần Thương mại Sơn Hậu, địa chỉ B15 Khu đô thị mới Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội; Doanh nghiệp tư nhân Tiến Tới, trên địa bàn Tử Dương, Cao Thành, Ứng Hòa, Hà Nội  cũng bị các đơn vị chức năng lập biên bản vì lý do trên. 

Theo văn bản số 1429/BCT-TTTN của Bộ Công Thương, các thương nhân đầu mối phải bảo đảm cung cấp đủ, kịp thời số lượng, chủng loại xăng dầu cho thị trường; ổn định mức dự trữ lưu thông xăng dầu tối thiểu về cả số lượng và cơ cấu chủng loại, theo kế hoạch tiêu thụ đã được xác định hàng năm; chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát hệ thống phân phối của mình, bảo đảm cửa hàng bán lẻ xăng dầu bán đủ thời gian.

Ngoài những kiểu "găm" hàng như trên, một số cây xăng còn đưa ra những lý do “tế nhị” nhằm hợp thức hóa cho việc đóng cửa của mình.

Điển hình là Trạm xăng dầu số 9,  địa chỉ 2B Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội, sau khi bị kiểm tra đã cho rằng, Trạm xăng này chỉ cung cấp cho các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và không kinh doanh xăng dầu.

Như trường hợp của Cửa hàng kinh doanh xăng dầu thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thanh Huy, km 9 đường Giải Phóng, Hoàng Mai, Hà Nội cũng bị phát hiện chỉ bán dầu không bán xăng.

Nhưng thực tế kiểm tra, cửa hàng còn tồn 1.052 lít xăng trong bồn chứa 26 mét khối. Tuy nhiên công ty đã lập luận rằng, do số lượng xăng dưới mức bơm nên không bơm được xăng để bán.

Theo báo cáo, sau khi lập biên bản và dưới sự giám sát của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội thì hầu hết các cửa hàng trên đã tiếp tục mở cửa lại bán hàng bình thường.

Duy nhất có cửa hàng kinh doanh xăng dầu thuộc doanh nghiệp tư nhân Đức Nhật, tại 311 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội sau khi đóng cửa đã trình bày lý do “ngừng hoạt động để chuyển địa điểm khác".

Cũng trong chiều nay, 22/2 Công ty xăng dầu khu vực I, thuộc Tổng Công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã cung cấp thông tin về việc cửa hàng xăng dầu 35 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội đóng cửa không bán hàng trong ngày 18/2, theo phản ánh của một số phương tiện thông tin đại chúng.

Từ 9 - 18/2, các đội Quản lý thị trường tại TPHCM đã lập biên bản 20 cửa hàng, trạm xăng dầu không bán hàng hoặc bán nhỏ giọt với lý do không còn xăng do chưa nhận được hàng của nhà cung cấp, đang sửa trụ bơm, bị cúp điện...

Theo đó tại quận 2, ngày 11/2, đội 2B kiểm tra trạm xăng dầu An Phú Cường thuộc Công ty TNHH An Phú Cường phát hiện không mở cửa bán với lý do bị mất điện, nhưng thực tế khu vực không mất điện.

Ngày 17/2, đội quản lý thị trường quận 6 phát hiện DNTN xăng dầu Ngọc Đến (247A đường Phan Văn Khỏe) ngưng kinh doanh do hết hàng. Tại quận 8, ngày 18/2, kiểm tra cây xăng 375 Tùng Thiện Vương (phường 5, quận 8), bán cho xe hơi không quá 200.000 đồng.

Còn ở quận 9, ngày 12/2, đội kiểm tra cửa hàng xăng dầu Mỹ Thành (02 đường Hoàng Hữu Nam, phường Long Thạnh Mỹ) thấy ngưng bán hàng với lý do hết hàng.

Ngày 18/2/2011, Đội Quản lý thị trường 12B (quận 12) phát hiện 4 cửa hàng xăng dầu không hoạt động. Sau khi lập biên bản nhắc nhở sáng 19/2, cả 3 cửa hàng Cát Tường (1863/3A Quốc lộ 1A, phường An Phú Đông); Trạm xăng dầu Trường Anh 2 (10A Hà Huy Giáp); DNTN Nam Phát Đạt (141A Hà Huy Giáp) đã bán lại bình thường.

Riêng Trạm xăng dầu Trường Anh 1 (2510/1B, khu phố 1, phường An Phú Đông), kiểm tra ngày 18/2 không mở cửa bán do hết xăng, nhân viên cửa hàng cho biết đã đi lấy xăng nhưng chưa có và cam kết có hàng sẽ bán tiếp. Đội đã tiến hành kiểm tra bồn không còn xăng, lập biên bản ghi nhận.

Ngoài 4 điểm bán xăng dầu trên, cùng ngày Đội quản lý thị trường quận 12 còn phát hiện điểm bán của DNTN Nam Phú Đạt tại 141A đường Hà Huy Giáp, có 3 trụ xăng A92, 1 trụ dầu DO nhưng chỉ mở 1 trụ xăng A92 để bán và chỉ bán cho khách tối đa 20.000 đồng/lần. Lúc này trạm đang tồn 9.500 lít xăng A92 và 8.810 lít dầu DO.

Quận Tân Phú, ngày 18/2, kiểm tra cửa hàng xăng dầu Lan Anh tại địa chỉ 827 đường Âu Cơ, phường Tân Thành. Tại thời điểm kiểm tra cửa hàng có 4 trụ bơm xăng A92 ngưng hoạt động, chỉ bán dầu Diesel. Chủ cửa hàng cho biết, đang liên hệ mua xăng, đến 20 giờ cùng ngày sẽ có hàng.

Đối với các huyện như Bình Chánh, vào ngày 16/2, đội quản lý thị trường kiểm tra 6 cửa hàng xăng dầu nhưng không có hàng để bán. Còn Hóc Môn, ngày 17/2, đội phát hiện 2 cửa hàng tạm ngưng bán do thay curoa trụ bơm tại thị trấn Hóc Môn và xã Tân Hiệp, ngay sau đó đã bán bình thường.

Đắk Lắk: 7 ngày phát hiện 59 đại lý bán lẻ xăng dầu vi phạm các quy định kinh doanh

Chỉ trong thời gian 7 ngày triển khai kiểm tra các đại lý kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh, Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện tới 59 đại lý bán lẻ xăng dầu vi phạm các quy định kinh doanh với nhiều hình thức: hoạt động cầm chừng, giảm số lượng bán ra, tự ý tăng giá bán, đóng cửa điểm bán hàng. Theo đánh giá của Chi cục quản lý thị trường Đắk Lắk, hiện tại lượng dầu tại các điểm bán lẻ chỉ đáp ứng đủ 30% nhu cầu tiêu thụ.

Riêng trong đợ kiểm tra ngày 21/2 đã phát hiện 10 doanh nghiệp (DN), cửa hàng bán lẻ xăng dầu vi phạm các quy định kinh doanh. Trong đó có các cửa hàng sau: cửa hàng xăng dầu Trần Bình trọng (xã Xuân Phú huyện Ea Kar) đóng cửa do hết hàng  từ ngày 19-2; DN tư nhân Văn Tùy (xã Tam giang huyện Krông Năng) tự ý tăng giá bán dầu từ 15.000 lên 17.000 đồng/lít; 8 DN trên địa bàn thị xã Buôn Hồ và huyện Krông Búk chỉ bán xăng không bán dầu do hết dầu  từ ngày 20-2. Trong đó, nhiều DN là đại lý của Tổng Công ty XD Quân đội khu vực 3 và của Công ty XD Nam Tây Nguyên.

Hiện tại, các ngành chức năng đang tiếp tục kiểm tra các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt sẽ tập trung vào kiểm tra các địa bàn trọng điểm trồng cà phê nơi người dân đang cần một lượng lớn dầu để tưới cà phê trong mùa khô như Ea Kar, Ea H’leo, Krông Búk, Buôn Hồ...

Sở Công thương Đắk Lắk cho biết, ngày 23/2, Sở sẽ tổ chức cuộc họp giữa các DN đầu mối với các địa lý bán lẻ xăng dầu trên địa bàn để  tìm nguyên nhân, giải pháp lập lại trật  tự trong kinh doanh xăng dầu .

Minh Duy - Hồng Hà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ