Xót thương gia đình có 7 người thiểu năng trí tuệ

Xót thương gia đình có 7 người thiểu năng trí tuệ

(GD&TĐ) - Hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Soạn và chị Trần Thị Tuyền (thôn Khả Liễu, xã Văn Hoàng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) nhận đấu thầu ao hơn 20 năm nay. Tiếng là đã tách khẩu nhưng họ vẫn phải gánh vác cả một gia đình với những người em: Nguyễn Thị Đoan (SN 1967), Nguyễn Văn Toan (tên thường gọi là Cu, SN 1969), Nguyễn Văn Đằng (SN 1971) và Nguyễn Văn Giáp (đã mất, SN 1973) đều thiểu năng trí tuệ.

Nhà có 7 người thiểu năng trí tuệ

Cả gia đình anh Soạn và chị Toan sinh hoạt trong ngôi chòi được dựng tạm bên đầm cá để tiện cho công việc. Tối đến chị Toan về ngủ cùng con gái anh chị trong ngôi nhà chính ở trong làng. Đã không còn cảnh mái bếp đổ nát. Thay vào đó là ngôi nhà tình nghĩa được xây lên từ năm 2008, nhưng ngôi nhà lúc nào cũng im ắng đến hoang vu vì không ai trong số họ ở đó.

Anh Soạn lấy cho chúng tôi xem những giấy tờ liên quan được anh nhiều lần mang lên chính quyền xin chế độ cho các em;
Anh Soạn lấy cho chúng tôi xem những giấy tờ liên quan được anh nhiều lần mang lên chính quyền xin chế độ cho các em;

Nhìn dáng vẻ cao lớn, da rám nắng, mũi cao, mày rậm của anh Cu, không ai nghĩ tới cảnh anh chạy khắp làng với mình trần, quần áo cứ mặc vào là xé rách, hay đem đốt hết quần áo mọi người cho để… sưởi ấm, cảnh anh một mình ngồi trong khu nghĩa địa khiến cả nhà đi tìm, rồi cả những lần ném gạch, đá vào vợ chồng anh Soạn, mang đồ ăn vào đều bị anh chửi mắng,... Cũng có người trong làng thương hoàn cảnh, có ý muốn giúp anh Cu đi làm nhưng vừa vào tới đầu ngõ đã bị anh Cu đuổi mắng.

Mỗi lần kể lại đám tang của mẹ chồng, chị Tuyền lại rơi nước mắt, hai chị em Đoan và Cu dồn đánh nhau khắp làng, cả gia đình lại phải đổ dồn đi can ngăn. Đến giờ họ không còn ngồi cùng mâm, không nói chuyện với nhau. Chị Đoan cũng được gia đình cho đi học nhưng tới năm lớp 4 vẫn không nắm được chút kiến thức gì nên đành ở nhà. Giờ chị thường tìm những nơi không có người qua lại để ngồi. Cả ngày gần như không nói câu nào, không biết làm gì. Chị Tuyền cho bao nhiêu gạo chị đều mang nấu hết, ăn không hết thì đổ đi. Rút kinh nghiệm, tiêu chuẩn ngày nào anh chị mang vào ngày đó. Trước đây, một tuần đôi ba lần, anh chị lại cung cấp bát mới và gõ lại xoong nồi, mâm. Mỗi thành viên trong gia đình được giao nửa suất ruộng khoán (vì là lao động phụ), trung bình 1 sào/người. Không ai tự cấy, gặt được nên vợ chồng anh Soạn lo cày cấy thu hoạch.

Chị Đoan bên ao cá của anh Soạn;
Chị Đoan bên ao cá của anh Soạn;

Cuộc sống của anh Nguyễn Văn Đằng và vợ Nguyễn Thị Thủy cũng diễn ra trên chính mảnh đất ấy. Ngoài việc trông nhà, anh Đằng chỉ biết mỗi việc đi lang thang khắp làng cả ngày. Anh cũng lầm lì, không nói, không chào khi gặp mọi người. Vợ anh có thêm thu nhập bằng nghề đan lát. “Biết làm biết ăn đấy nhưng lại không biết tính toán” – chị Tuyền kể.

Hai vợ chồng anh cũng sinh được 3 mặt con nhưng cả 3 cũng có biểu hiện thiểu năng trí tuệ. Hai đứa con lớn đã hơn 10 tuổi nhưng không thể đến trường nên đi làm thuê. Cô Bích (hiệu trưởng trường cấp 1) phản ánh với gia đình, thỉnh thoảng đang ngồi trong lớp Linh (con trai út của anh Đằng) lại hô lên. Những khi không đi học, cháu không ngồi chơi ở nhà lại lang thang cùng chú Cu. Nhất là khi thay đổi thời tiết Linh lại phá phách, thậm chí bàn thờ cũng trèo lên.

Nhà có 6 anh chị em thì chỉ có anh Soạn và chị gái trí tuệ phát triển bình thường. Chị gái anh Soạn lấy chồng ở Vác (Hà Nội), điều kiện kinh tế eo hẹp nên cũng ít về thăm nhà và không chu cấp được cho các em. Bản thân chồng chị cũng là người khiếm thị.

Minh chứng không còn

Hai vợ chồng anh Soạn và chị Tuyền không vì thế mà xa lánh các em. Công việc đi xây cùng thu nhập từ đầm cá giúp anh có thêm thu nhập một phần trang trải cuộc sống gia đình, một phần cưu mang các em.
Có nhiều khi chị Tuyền phải đấm ngực, nuốt nước mắt vào trong mà dằn lòng tại sao dân làng có thể nuôi con cái ăn học tới nơi tới chốn còn mình thì không? Vì thế sau hai lần quyết định cho con thôi học, chị lại cố gắng cho con tới trường để được bằng chúng bằng bạn. Con gái chị, em Nguyễn Thị Dung đã không phụ lại sự mong đợi của bố mẹ, em đỗ 3 trường đại học, cao đẳng (Đại học Sư phạm Hà Nội 1, Đại học Công Đoàn, Cao đẳng Y). Nhưng gia đình cũng lại lo cho tương lai của các con vì có ai khi nhìn vào hoàn cảnh gia đình anh chị mà lại không lo chuyện hậu sinh?

Anh Nguyễn Văn Đằng;
Anh Nguyễn Văn Đằng

Anh Soạn lấy cho chúng tôi xem Đơn đề nghị được anh phô tô làm nhiều bản và gửi đi không ít lần lên chính quyền để xin được hưởng chế độ chất độc da cam cho các em nhưng đến nay quyền lợi mà họ được hưởng cũng chỉ có số tiền 375.000 đồng/ tháng cho anh Đằng, chị Đoan và 250.000 đồng/tháng dành cho anh Toan. Anh Soạn nghẹn ngào: Thiệt thòi cho các em vì hiện nay chứng cứ duy nhất xác minh bố tôi đi chiến đấu và nhiễm chất độc da cam chỉ còn lại là lời kể của những người đồng đội của đơn vị C20, quân 7 trực thuộc trung đoàn bộ E9 – F304 như bác Vũ Đình Cẩn, bác Đặng Đức Đẩu,... những người từng ăn một mâm, ngủ một giường,… với bố tôi, nay đều được hưởng chế độ chất độc da cam. Anh kể thêm: Bố anh nhập ngũ tháng 1/1964 tại chiến trường tỉnh Quảng Bình, Vĩnh Linh, Quảng Trị, Hạ Lao (nước CHDCND Lào). Trong một trận chiến, khi ông đang cùng đồng đội ở trong hầm, thấy có chất gì như mưa bay vào trong. Lúc đó ông không hay biết cái thứ đó là gì, mãi sau này khi đã sinh thêm 4 người con và nghe qua các phương tiện thông tin đại chúng ông mới biết đó là chất độc điôxin. Biết cũng chỉ là biết, cả ông bà và gia đình đều không biết tới những chế độ mà sau này họ có thể được hưởng nên khi ông mất, bà đã mang mọi giấy tờ và những chứng minh cho tháng ngày chiến đấu của ông chôn cùng ông. Dù chỉ là mảnh giấy nhỏ cũng không còn.

Anh Nguyễn Văn Toan (thường gọi là anh Cu).
Anh Nguyễn Văn Toan (thường gọi là anh Cu).

Họ rất mong nhận được sự giúp đỡ của các tấm lòng hảo tâm để có thể nuôi các em và lo cho con ăn học. Và rất mong chính quyền xem xét hoàn cảnh để những đứa em, đứa cháu thiểu năng trí tuệ sẽ có được chế độ cho người bị nhiễm chất độc da cam để đỡ một phần những trang trải cho vợ chồng anh Soạn.

Huệ Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ