Xóm tâm thần

Xóm tâm thần

(GD&TĐ) - Bên dòng sông Tam Kỳ hiền hòa chảy uốn quanh, có một xóm nhỏ mà ở đó những nỗi đau còn hằn trĩu trong ánh mắt, trong từng ngôi nhà của người dân xóm nghèo. Một cái xóm nhỏ chỉ vỏn vẹn có 55 nóc nhà nhưng vài năm trở lại đây, đã có gần hai chục người mắc bệnh tâm thần. Chúng tôi vượt đò ngang vào thôn Tân Phú, xã Tam Phú, TP Tam Kỳ khi người dân trong xóm nhao nhác đuổi theo một người tâm thần đang chạy quanh khắp xóm..

Bi kịch của những gia đình...

Thấy chúng tôi còn ngơ ngác, bà lão chèo đò chậm rãi nói: “Nó là thằng Phúc, con ông bà Liệu - Bường trong xóm Cồn, thôn Tân Phú đó! Chắc mới bị tuột khỏi xích nên chạy ra phá làng phá xóm”. Chúng tôi cập bờ cũng là lúc mọi người đã “bắt” được người tâm thần kia. Bà mẹ của người tâm thần tên Phúc tóc tai rũ rượi, nước mắt ròng ròng níu lấy tay đứa con trai tội nghiệp của mình dỗ dành nhẹ nhàng: “Về nhà con! Về nhà ba mua kem cho ăn!”. Vừa vỗ về, bà vừa kéo chàng trai mặt đỏ bừng vì nắng đi về phía triền sông cùng mấy người hàng xóm. Chúng tôi đi theo mà không khỏi chạnh lòng.

Đó là gia đình của vợ chồng ông Trần Văn Liệu và bà Bùi Thị Bường, một gia đình được coi là “hoàn cảnh” nhất nơi đây, bởi có bốn đứa con thì ba đứa đã bị tâm thần, một đứa rất nặng phải xích lại nếu không bất chợt “nó” bỏ chạy ra phá làng phá xóm. Chúng tôi ngồi yên lặng trong ngôi nhà tồi tàn không có một vật dụng gì đáng giá của bà Bường, để nghe bà kể trong nước mắt về cuộc sống khốn khổ của vợ chồng mình. Chồng bà, ông Trần Văn Liệu mồ côi từ nhỏ, lớn lên đi bộ đội chiến đấu ở chiến trường K, sau được xuất ngũ tại Đăk Lăk, rồi ông bà đến với nhau. Niềm hạnh phúc chưa được bao lâu, bà có mang đứa con gái lớn tên Trần Thị Chung. Nhưng mới mấy tuổi đầu, Chung đã xuất hiện hiện tượng co giật, động kinh. Vài năm sau thì biến chứng “dở điên dở khùng”. Đứa thứ hai là một cậu con trai, những tưởng đó sẽ là niềm an ủi, nhưng nào ngờ mới được gần mười tuổi lại cũng có những dấu hiệu giống như người chị, để rồi bây giờ bệnh phát nặng hơn. Vợ chồng ông Liệu, bà Bường ngồi kể trong nước mắt: “Các chú thấy đấy! Chỉ cần sơ sểnh một tý là nó thoát ra. Lúc thì trốn trong bụi rậm hù trẻ con hay người già. Lúc thì cầm gậy, cầm gạch ném lên tàu thuyền, lúc lại cởi quần áo chạy khắp xóm rồi gào thét inh ỏi, lúc ăn cơm lên cơn thì đập đầu vào tường…! Chúng tôi chỉ giữ nó ở nhà thôi cũng đã đủ vất vả rồi, nói gì chuyện làm ăn kiếm sống nữa!”.

Bà Bường (bên trái) đang kể lại hoàn cảnh của mình
Bà Bường (bên trái) đang kể lại hoàn cảnh của mình

Trong lúc bà kể hoàn cảnh của mình, chàng trai có cái tên Trần Văn Phúc đã bị xích lại một góc nhà, vẫn đang gào thét, chửi bới và khóc lóc thảm thiết. Chúng tôi không khỏi cám cảnh về gia đình bà Bường. Hai vợ chồng đã gần sáu mươi, ngày ngày chỉ biết cào hến mưu sinh, quần quật từ 1 giờ sáng đến 12 giờ trưa, kiếm được đôi ba chục ngàn, thi thoảng có đi biển nhưng cũng chẳng đáng là bao. Trong khi tiền sinh hoạt, tiền thuốc thang cho hai đứa con tâm thần đã gấp mấy lần số tiền ông bà làm ra được.

Theo anh Nguyễn Tấn Đồng, Trưởng thôn Tân Phú thì trước năm 2000, xóm chỉ có ba bốn trường hợp. Đến năm 2005, con số tăng thêm 11 và hiện tại, đã có 17 người bị căn bệnh này, trong đó có một số người đã “có sổ” chứng nhận của bệnh viện, còn lại đang ở mức nhẹ hơn và thỉnh thoảng mới “lên cơn”. Những người bị bệnh thì đa phần có tiền sử bình thường, phát bệnh không do nguyên nhân gia đình, xã hội hay vì... yêu đương.

Xóm nhỏ này tuy bên ngoài không có gì khác với những xóm khác vùng phụ cận nhưng có ở đây mới thấy thật thắt lòng. Anh Trần Quang Phương, một người dân trong thôn dẫn chúng tôi đến nhiều gia đình có người bị bệnh tâm thần. Ông Thiên, 48 tuổi, là trụ cột trong gia đình nhưng mấy năm nay phát bệnh, không làm được gì, mỗi lúc lên cơn lại làm khổ gia đình, hàng xóm. Bà Hạnh có đứa con lớn mắc bệnh tâm thần, lâu lâu lại đưa lên Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam chích thuốc, kiểm tra. Nhà bà Năm Nhận cũng có mấy người bị tâm thần phân liệt lúc tỉnh lúc mê. Một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt mà chúng tôi tiếp xúc khác là nhà bà Phan Thị Tưởng. Bà Tưởng năm nay đã gần 80, vẫn một mình chăm lo cho đứa con bị bệnh tâm thần. Những khi tỉnh thì Hồ Tăng Hưng (con trai bà Hường - NV) rất ngoan ngoãn, đứa trẻ con nói cũng nghe, nhưng lúc lên cơn là không biết gì nữa, đến người mẹ già chân tay run rẩy cũng không nhận ra. Nhiều lúc giữa đêm hôm, anh Hưng lên cơn xé quần áo, chạy khắp nơi. Một thân già lại lụi cụi đốt đuốc đi tìm con. Bà nói trong nước mắt: “Năm nay tính ra nó đã ngoài ba mươi. Nhà chỉ một mẹ một con, tưởng có nó đỡ đần lúc tuổi già, nào ngờ nó lại bệnh tật như thế! Giờ tôi già rồi, còn làm được gì để kiếm ăn được nữa đâu! Nó thì lúc tỉnh lúc mê như thế. Đêm qua, nó quậy kinh khủng. Đầu đập, tay đấm vào tường rớm máu. Đi lang thang ngoài đường, nó còn rượt người ta, nhặt đá lia lên mái nhà người ta. Không chịu thấu, tui đành lấy dây xích nó lại. Nhưng nhìn cảnh con mất tự do cũng không nỡ cầm lòng chú ơi, mà thả nó ra thì...!”.

Đứa con trai tâm thần của bà Bường
Đứa con trai tâm thần của bà Bường

Những nỗi đau ở xóm tâm thần...

Tân Phú là một làng nghèo, được chia thành mấy tổ nhỏ. Nhưng những người bị bệnh tâm thần lại tập trung nhiều ở xóm giữa, gọi là xóm Cồn (Cồn Hến - NV). Những ngôi nhà san sát nhau trong một xóm nhỏ, và ở nơi ấy đã không biết bao nhiêu lần người dân chứng kiến những cảnh đuổi bắt những người tâm thần. Hầu hết nhưng người tâm thần đều rơi vào độ tuổi thanh niên, trẻ và khỏe, nếu bình thường đó sẽ là những lao động trụ cột của gia đình. Như anh Nguyễn Văn Chất, cưới vợ chưa được bao lâu thì đổ bệnh. Chỉ trong một đêm, anh phá tan hoang cửa nhà. nhìn dáng người cao lớn của anh, không ai nghĩ anh bị tâm thần. Phá phách nhiều quá, cha mẹ anh phải gửi anh lên Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam để dễ bề điều trị. Anh Nguyễn Văn Vụ, chơi guitar và hát vọng cổ rất hay, nhưng câu vọng cổ chưa kịp dứt, anh đã lên cơn, khóc như một đứa trẻ. Những đêm yên tĩnh, tiếng vọng cổ kéo theo là tiếng khóc hờ, tiếng nỉ non than vãn của anh khi trở bệnh đã ám ảnh người dân quanh đấy... Không chỉ nam thanh niên, nhiều phụ nữ cũng là bệnh nhân tâm thần. Đó là nỗi đau không chỉ của một vài gia đình nơi đây.

Ông Hồ Văn Thống, một người dân xóm Cồn chua chát: “Hồi mô tới chừ xóm làng mới có nhiều người điên như thế. Nhà tui nằm ở giữa xóm, nên thường xuyên chứng kiến những cảnh dở khóc dở cười. Gia đình phải đóng cửa suốt ngày, phòng ngừa lúc họ ném đá vào!”.

Cô con gái bị tâm thần của bà Hạnh
Cô con gái bị tâm thần của bà Hạnh

Chiếc cầu nào cứu cho xóm nhỏ?

Anh Đồng, Trưởng thôn ngậm ngùi trong ánh mắt nhìn xa xăm: “Biết làm răng chừ! Người dân còn nghèo quá! Lo cái ăn còn chật vật, lấy tiền đâu lo thuốc lo thang. Nói ra phải tội, nhưng phải chi có cách nào đó cứu giúp cho những con người bất hạnh này, để không chỉ bản thân họ mà gia đình họ đỡ cơ cực!”

Thương cảm trước hoàn cảnh quá đặc biệt của vợ chồng anh Liệu chị Bường, trước Tết Nguyên đán vừa qua, chính quyền địa phương cùng các tổ chức xã hội đã quyên góp xây dựng cho gia đình chị B. ngôi nhà trị giá hơn 12 triệu đồng. Nhà xây xong đã lâu, nhưng chưa có tiền làm cửa. Nếu có cửa khóa chặt, thì rất tiện quản lý mỗi lần mấy đứa con chị lên cơn. “Để tụi nhỏ đi vất vưởng ngoài đường, gây lo lắng cho gia đình, lại nguy hiểm cho xã hội nữa!”- chị Bường tâm sự.

Ông Võ Văn Cảnh, Trưởng ban công tác dân vận thôn Tân Phú, tỏ ra lo lắng không kém về căn bệnh tâm thần xuất hiện nhiều ở vùng quê này. Ông Cảnh nhẩm tính chỉ mới mấy năm gần đây, số người bị bệnh tâm thần đã tăng lên với đủ cấp độ nặng, nhẹ khác nhau. Mỗi lần có đoàn công tác về, ông Cảnh và chính quyền sở tại đều đưa đến thăm những gia đình có người bị bệnh. Chính quyền địa phương đã làm rất nhiều việc để có thể giúp đỡ những gia đình có người bệnh tâm thần. Nhưng là một xã nghèo, còn khốn khó về vật chất nên sự giúp đỡ chỉ mang tính động viên...

Rời “xóm tâm thần”, chúng tôi không khỏi khắc khoải về số phận của những con người ấy, của những gia đình ấy. Tiễn chúng tôi, người dân xóm Cồn ra tận mép nước của con sông hiền hòa êm trôi, ánh mắt của họ thấp thỏm. Một người tâm thần dạng nhẹ lội xuống bờ nước, hất tung lên dòng nước như muốn chào những người khách lạ. Điều gì sẽ chờ đợi họ ở những ngày tiếp theo…

PV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ