“Xóa sổ” ngôi trường 25 tuổi: Sở GD&ĐT đề nghị tạm dừng, UBND tỉnh “ép” phải giải tán

Một loạt bài về một ngôi trường có tuổi đời 25 năm với bề dày thành tích dạy và học, từng được nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba sắp có nguy cơ bị “xóa sổ”. Để tìm hiểu rõ hơn về ngôi trường này phóng viên báo Lao Động đã có buổi trò chuyện với ông Trần Dũng Long, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc.

“Xóa sổ” ngôi trường 25 tuổi: Sở GD&ĐT đề nghị tạm dừng, UBND tỉnh “ép” phải giải tán
Thưa ông, là cơ quan quản lý trực tiếp hoạt động giáo dục của tỉnh, ông đánh giá như thế nào về chất lượng đào tạo của trường THCS&THPT Hai Bà Trưng?

Trường THCS&THPT Hai Bà Trưng có tiền thân là trường chất lượng cao chuyên cấp 2 của thị xã Phúc Yên, bởi là trường chuyên nên chất lượng đào tạo rất tốt. Sau đó, trường đề xuất thành lập THCS là chuyên cấp 2 còn THPT là bán công, nhưng Bộ GD&ĐT không cho phép giữ mô hình bán công nên khối THPT bán công của trường chuyển thành công lập và thành lập trường THCS&THPT Hai Bà Trưng chuyển về cho Sở GD&ĐT quản lý và hoạt động theo hình thức cũ. Khối THCS vẫn tuyển sinh trên toàn thị xã Phúc Yên, các em sau khi học xong THCS vẫn phải thi tuyển bình thường để lên THPT Hai Bà Trưng.

Trường THCS&THPT Hai Bà Trưng có chất lượng đào tạo rất tốt, được phụ huynh tin tưởng, năm nào các em học sinh cũng đạt được nhiều thành tích trong học tập cũng như trong các kỳ thi Học sinh giỏi, kỳ thi đại học, cao đẳng...

Vậy các điều kiện khác của trường như thế nào, thưa ông?  

Do trường THCS&THPT Hai Bà Trưng được xây dựng từ khi là trường cấp 2, diện tích chưa đầy 6.000m2, quy mô hai cấp gồm 24 lớp, như vậy để xây dựng phát triển trường này thành trường chuẩn, hiện đại trong tương lai là không được. Vì diện tích theo quy định của Bộ GD&ĐT tối thiểu 6m2/học sinh. Nhưng tỉnh Vĩnh Phúc là tỉnh có điều kiện nên tỉnh quy định với những trường này cần 30m2/học sinh. Trường Hai Bà Trưng có quy mô tuyển sinh hiện nay khoảng 1.000 học sinh, như vậy cần 3ha, do đó để phát triển trường này trong tương lai tại vị trí này là không phù hợp.

Hiện nay thị xã có 3 trường THPT, trong đó có trường Hai Bà Trưng, trường THPT Bến Tre và THPT Phúc Yên). Ba trường này về diện tích nói chung đều chật hẹp, nhưng chật hẹp nhất là trường Hai Bà Trưng.

Xin ông cho biết, chủ trương UBND thị xã Phúc Yên dựa vào căn cứ nào để tách, sáp nhập trường Hai Bà Trưng?

Tỉnh ủy Vĩnh Phúc xây dựng đề án 01 ban hành tháng 11/2016 về cơ cấu lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Riêng mảng giáo dục đào tạo, tỉnh ủy giao cho UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo Sở GD&ĐT phải quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới giáo dục của tỉnh trước tháng 7/2017 (…) Trong đó nêu ra một số định mức cho các huyện và địa phương, ví dụ huyện Vĩnh Tường có quy mô tối đa không quá 5 trường, các huyện khác như Lập Thạch, Bình Xuyên, thị xã Phúc Yên, thành phố Vĩnh Yên không quá 4 trường...

Để hướng dẫn triển khai thực hiện đề án này tỉnh có văn bản 2485 hướng dẫn Sở GDĐT và các sở ngành quy định cụ thể về việc giảm trường của các địa phương. Trong văn bản này có nêu: Huyện Vĩnh Tường giảm 1 trường, huyện Lập Thạch giảm 2 trường, thị xã Phúc Yên đang có 4 trường, trong đề án mức tối đa vẫn được 4 trường nhưng căn cứ tình hình thực tế nên ủy ban cũng chỉ đạo thị xã giảm 1 trường.

Vì sao lại chọn Trường THCS&THPT Hai Bà Trưng?

Chỉ đạo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc rất rõ ràng là Phúc Yên giảm 1 trường THPT, còn giảm trường nào là do Sở GD&ĐT phối hợp với UBND thị xã Phúc Yên bàn bạc xem xét giảm trường nào.

“Xóa sổ” ngôi trường 25 tuổi: Sở GD&ĐT đề nghị tạm dừng, UBND tỉnh “ép” phải giải tán ảnh 1

Trong tình hình đó, UBND thị xã Phúc Yên có văn bản 63 gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó có đề xuất với UBND tỉnh 2 nội dung chính. Thứ nhất, đề nghị UBND tỉnh chuyển khối học sinh THCS của trường THCS&THPT Hai Bà Trưng về trực thuộc phòng GDĐT thị xã Phúc Yên quản lý. Nội dung thứ hai là đề nghị tỉnh chỉ đạo Sở GDĐT phối hợp với UBND thị xã Phúc Yên đề xuất, sắp xếp lại hệ thống THPT trên địa bàn thị xã. 

Trong những đề nghị như thế thì nhân dân và phụ huynh học sinh của trường THCS&THPT Hai Bà Trưng đã nghĩ rằng sẽ có việc giải thể trường Hai Bà Trưng. Và từ đó xuất hiện những đơn thư, kiến nghị. Những đơn thư kiến nghị này nhìn chung đều bày tỏ nguyện vọng là giữ nguyên mô hình THCS&THPT Hai Bà Trưng và giữ nguyên hiện trạng trường hoạt động bình thường.

Vậy trước những nguyện vọng của nhân dân, Sở GDĐT có quan điểm như thế nào thưa ông?

Sau khi xuất hiện những đơn thư như vậy, Sở GDĐT cũng đã phân tích và có những lần tiếp những đoàn phụ huynh lên làm việc với sở. Sở cũng có những ý kiến thống nhất như nguyện vọng phụ huynh là chính đáng, phụ huynh muốn cho con em của mình học tại trường THCS&THPT Hai Bà Trưng cũng là chính đáng. Chất lượng và hiệu quả đào tạo của nhà trường trong những năm qua là thực tế. Nhưng Sở cũng khẳng định rằng chủ trương, chính sách và những chỉ đạo của tỉnh đối với ngành về việc sắp xếp lại các trường học trên địa bàn tỉnh cũng là đúng đắn.

Đến thời điểm này do tình hình như thế nên Sở cũng có đề xuất UBND tỉnh kế hoạch số 30 (ngày 26.5), sau đó là báo cáo số 622 (ngày 9.6) là ở thời điểm này xin sắp xếp mạng lưới ở các địa phương khác theo đúng quy định của đề án. Riêng địa bàn thị xã Phúc Yên ở thời điểm này Sở đề nghị nên tạm dừng chưa quy hoạch lại mạng lưới giáo dục phổ thông, đặc biệt là chưa giảm 1 trường để nghiên cứu kỹ, tránh xảy ra những bức xúc khi chưa nhận được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh.

Với kiến nghị này của Sở GDĐT, phản hồi của UBND tỉnh như thế nào?

Sau khi có báo cáo số 622 và kế hoạch 30, UBND tỉnh cũng đã có những văn bản chỉ đạo tiếp theo. Thứ nhất là văn bản 4629 ngày 22.6, trong đó UBND tỉnh không đồng tình với đề xuất của Sở GD. Lý do UBND tỉnh đưa ra là Sở GDĐT phải thực hiện nghiêm túc văn bản chỉ đạo số 2485. Có nghĩa cấp Sở phải thực hiện theo đúng chỉ đạo, UBND tỉnh cũng đã phê bình sở GDĐT vì không nghiêm túc thực hiện.

Trong văn bản này UBND tỉnh cũng chỉ đạo luôn là trong khi chưa thống nhất giảm 1 trường THPT ở địa bàn thị xã Phúc Yên thì yêu cầu Sở GDĐT tạm dừng giao chỉ tiêu khối THCS của trường Hai Bà Trưng.

Sau khi có văn bản chỉ đạo 4629 của UNND tỉnh, Sở GDĐT đã phải ra văn bản tạm dừng tuyển sinh. Chính vì văn bản tạm dừng tuyển sinh THCS này mà nhiều phụ huynh hiểu nhầm rằng đây là ý kiến của Sở, Sở thực hiện, Sở chỉ đạo nên bắt đầu xuất hiện những đơn thư nhiều hơn và chúng tôi tiếp tục phải làm việc với đại diện phụ huynh.

Xin cảm ơn ông đã chia sẻ thông tin!

Sau khi nhận được công văn số 4939/UBND-VX2 ngày 3.7 của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT trong hai ngày liên tiếp 4 và 5.7 đã gửi hai công văn (do Phó Giám đốc sở Trần Dũng Long ký) lên UBND tỉnh báo cáo về việc tiếp tục nhận được nhiều kiến nghị của công dân và phụ huynh thị xã Phúc Yên mong muốn không chia tách và giữ nguyên mô hình trường THCS&THPT Hai Bà Trưng. Sở GD&ĐT đề xuất cần có thêm thời gian phối hợp với thị xã Phúc Yên để làm tốt công tác tuyên truyền, ổn định tình hình trong nhân dân.
“Xóa sổ” ngôi trường 25 tuổi: Sở GD&ĐT đề nghị tạm dừng, UBND tỉnh “ép” phải giải tán ảnh 2
Công văn của Sở GD&ĐT gửi UBND tỉnh về việc báo cáo thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 4939/UBND-VX2
“Xóa sổ” ngôi trường 25 tuổi: Sở GD&ĐT đề nghị tạm dừng, UBND tỉnh “ép” phải giải tán ảnh 3
Công văn của Sở GD&ĐT gửi UBND tỉnh về việc báo cáo đơn thư của công dân thị xã Phúc Yên liên quan đến trường THCS&THPT Hai Bà Trưng ngày 4.7
Theo laodong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiện nay, tình hình an ninh mạng tại Việt Nam đang trở nên phức tạp hơn thể hiện qua số lượng đáng báo động là 13.900 vụ tấn công mạng được ghi nhận vào năm 2023.

'Giải mã' mục tiêu của mã độc Ransomware

GD&TĐ - Ransomware là một loại virus được mã hóa có nguy cơ gây tổn thương hệ thống mạng toàn cầu; cứ 11 giây, một tổ chức là mục tiêu của mã độc Ransomware.