(GD&TĐ) - Năm 2010, đại diện Sở GD&ĐT Cà Mau đi dự hội nghị về GD cho HS dân tộc thiểu số ở Lào Cai, qua hội nghị và đi thực tế ở nhiều trường tiểu học (TH) có đông đồng bào dân tộc, chúng tôi nhận thấy học sinh (HS) lớp 1 học theo chương trình CGD mạnh dạn, tự tin trong mọi hoạt động nhất là hoạt động học tập.
Học sinh dân tộc học tiếng Việt |
Khi về lãnh đạo Sở đã bàn bạc và đi đến thống nhất trình UBND tỉnh cho phép thực hiện chương trình này ở 4 huyện khó khăn, có nhiều học sinh dân tộc trong năm học 2011 - 2012 và được UBND tỉnh đã chấp nhận. Từ đó, môn Tiếng Việt 1- CGD được triển khai tại 4 huyện khó khăn là Trần Văn Thời, Thới Bình, U Minh và Đầm Dơi.
Năm đầu tiên triển khai, mặc dù được tập huấn kỹ (Sở GD&ĐT phối hợp với Vụ GD Tiểu học, Viện KHGDVN và Trường Thực nghiệm GD tổ chức tập huấn), GV dạy chương trình CGD được chọn hầu hết nhiệt tình, đạt chuẩn đào tạo, có kinh nghiệm giảng dạy nhưng khi thực hiện ở những tuần đầu còn một số còn lúng túng vì GV phải tiếp cận với phương pháp dạy học mới theo Quy trình 4 việc.
Đối với cha mẹ HS còn ngỡ ngàng trong cách học mới khác với cách học của chương trình hiện hành nhưng cha mẹ học sinh được nhà trường giải thích và GV giúp đỡ bằng cách cho họ dự giờ nên họ đã biết cách hỗ trợ cho con em họ khi học ở nhà, vài điểm trường lẻ cơ sở vật chất chưa đảm bảo yêu cầu nên hiệu quả dạy học không cao…
Năm học 2013 - 2014 là năm thứ 3 ngành GD&ĐT Cà Mau triển khai chương trình Tiếng Việt 1 - CGD, số lớp học tăng từ 39 lên 50 lớp, cái được rõ nhất khi dạy theo phương pháp trên là tạo cho HS có cách học tích cực theo quan điểm “Thầy giao việc - trò thực hiện”. HS tự làm ra sản phẩm giáo dục trí tuệ nên rất hứng thú (ghép âm đầu và dấu thanh để tạo ra tiếng mới).
Thực tế cho thấy chương trình phát huy được khả năng tư duy của HS, HS nắm chắc cấu tạo ngữ âm của tiếng nên đều đọc được và dần dần đọc tốt. Qua thời gian nghỉ hè không quên chữ. HS nắm chắc luật chính tả, có kỹ năng nghe để viết chính tả tốt.
Đặc biệt đối với HS người dân tộc thì việc dạy Tiếng Việt 1 - CGD đã xóa được rào cản về ngôn ngữ và chất lượng môn Tiếng Việt có nhiều chuyển biến tích cực. Trong thiết kế ở 2 tuần đầu (tuần 0) học sinh được hướng dẫn kỹ các quy định cần thiết phục vụ cho việc học tập nên các em HS có nền nếp học tập tốt ngay từ đầu năm học và nền nếp này đã được giáo viên duy trì trong suốt năm học.
Với giáo viên tham gia dạy chương trình này thì kiến thức và năng lực của họ được nâng lên rõ rệt qua quá trình dạy học. GV nắm vững được phương pháp dạy học theo hướng tích cực qua đó hình thành cho học sinh kỹ năng tự học. Tiến trình giờ dạy trên lớp cũng diễn ra nhẹ nhàng theo quan điểm “Thầy giao việc - trò thực hiện” nên đạt hiệu quả.
Trên thực tế giáo viên không phải soạn bài nên có thời gian nghiên cứu thiết kế bài dạy và quy trình dạy các mẫu âm, vần. Sau những bài đầu còn vướng mắc, đa số giáo viên đã hiểu bản chất của chương trình và kỹ thuật dạy học, nắm chắc quy trình của từng mẫu vần nên việc giảng dạy rất thuận lợi. Đến cuối năm, hầu hết giáo viên dạy lớp 1 đều hiểu bản chất của chương trình Công nghệ giáo dục nên vận dụng vào dạy học một cách linh hoạt, sáng tạo vào những năm sau.
(Th.S Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng GDTH, Sở GD&ĐT Cà Mau)