Xin thoát nghèo để tự mình vươn lên

GD&TĐ - Hơn 1 năm nay, việc tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo đã không còn là chuyện xa lạ ở xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên. Bởi giờ đây, dù cuộc sống vẫn chưa hết khó khăn, nhưng người dân ở xã Chà Nưa đã tự ý thức rằng, “muốn thoát nghèo phải tự mình vươn lên”.

Mô hình nuôi gà của gia đình ông Khoảng Văn Né.

​
Mô hình nuôi gà của gia đình ông Khoảng Văn Né. ​

Tìm gặp gia đình ông Khoàng Văn Né, dân tộc Thái, sinh năm 1955, bản Nà Ín 2, ông Né là người đầu tiên ở xã Chà Nưa viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Trong ngôi nhà sàn 3 gian đầy đủ tiện nghi, ông Né mừng rỡ chia sẻ: “Gia đình tôi đông con, nên mãi không thoát được nghèo. Kinh tế gia đình trước nay chủ yếu làm ruộng, cũng chỉ gọi là đủ ăn, đến năm 2016 gia đình tôi được nhà nước hỗ trợ một con bò giống sinh sản và được hướng dẫn chăn nuôi gà, vịt. Đến nay, bình quân mỗi năm thu nhập cũng hơn 25triệu đồng, tivi, xe máy đều có cả rồi, nhà cửa được xây lại khang trang, nên chúng tôi chủ động xin ra khỏi hộ nghèo, nhường xuất hỗ trợ nghèo cho những bà con khác còn khó khăn hơn”.

Còn gia đình ông Thùng Văn Vũ, dân tộc Mông, bản Pa Có, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, là hộ nghèo nhiều năm của huyện. Năm 2018, ông Vũ là 1 trong 27 hộ của xã Chà Nưa viết đơn xin thoát nghèo. “Chúng tôi được hỗ trợ vốn sản xuất từ nguồn vốn 30a, ban đầu là một con bò giống năm 2016, đến nay chúng tôi đã có thêm 2 con bê. Trên địa bàn những gia đình có xe máy, nhà cửa, trâu, bò đều thoát nghèo cả rồi, nên tôi cũng học theo những gia đình khác, xin ra khỏi hộ nghèo”.

Cuộc sống người dân vẫn chưa hết khó khăn nhưng vẫn xin thoát nghèo.
Cuộc sống người dân vẫn chưa hết khó khăn nhưng vẫn xin thoát nghèo. 

Đằng sau những lá đơn tự nguyện thoát nghèo ấy là sự tự ý thức to lớn về tinh thần, trách nhiệm, mong muốn không ngừng vươn lên trong cuộc sống của bà con Nhân dân xã Chà Nưa. Trong những năm qua, để giúp người dân thật sự thoát nghèo, chính quyền huyện Nậm Pồ nói chung và xã Chà Nưa nói riêng đã triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ người nghèo từ nguồn vốn 30a và Chương trình 135.

Trong đó, huyện Nậm Pồ đã chú trọng xây dựng nghị quyết chuyên đề về giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết về phát triển gia súc, gia cầm giai đoạn 2016 - 2020 định hướng đến năm 2025 trên địa bàn; triển khai các chương trình, dự án như: Hỗ trợ con giống, cây giống, kinh nghiệm canh tác, chuyển giao khoa học kỹ thuật mới...  

Nhờ vậy, công tác xóa đói giảm nghèo từ huyện đến cơ sở luôn được chú trọng, gắn trách nhiệm cho mỗi đơn vị, cán bộ, đảng viên trong việc giúp đỡ hộ nghèo trên địa bàn. Kết quả đạt được giai đoạn 2016-2018, toàn huyện Nậm Pồ đã có 114 hộ gia đình được giúp đỡ, vươn lên thoát nghèo và xin thoát nghèo, tính riêng xã Chà Nưa là 60 hộ xin thoát nghèo.

Theo ông Khoàng Văn Van, Bí thư Đảng ủy xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên cho biết: “Trên địa bàn xã Chà Nưa có 4 dân tộc đang sinh sống, có 9 bản. Giai đoạn 2017-2019, người dân cũng đã dần ý thức, chăm chỉ lao động để thoát nghèo, trong năm 2017 và 2018 đã có 60 hộ làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Chúng tôi đã biểu dương những tấm gương tiêu biểu xin thoát nghèo, vì thế mà những người dân có hoàn cảnh tượng tự cũng có ý thức viết đơn xin thoát nghèo.

Những lá đơn xin thoát nghèo của người dân không chỉ đánh giá cao tính tự giác, tự lực, tự cường, vươn lên trong cuộc sống của bà con Nhân dân vùng khó, mà còn trở thành một trong những bàn đạp để đưa xã Chà Nưa là xã đầu tiên của huyện Nậm Pồ về đích nông thôn mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội học thực hành. Ảnh: Website nhà trường

Các trường có 'nhờn luật'?

GD&TĐ - Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có Kết luận về việc thực hiện quy định trong tự chủ mở ngành đào tạo các trình độ giáo dục đại học...