Xiếc dịp Trung thu: Bất ngờ với những thử nghiệm

GD&TĐ - Liên đoàn Xiếc Việt Nam đón Trung thu năm nay với vở “Phù thủy đại chiến”, bắt đầu từ ngày 7/9, tại Rạp xiếc Trung ương (67 - 69 Trần Nhân Tông, Hà Nội).Đây là vở diễn có nhiều thử nghiệm lần đầu tiên đầy mạo hiểm và hấp dẫn.  

Các nghệ sĩ Liên đoàn Xiếc Việt Nam nỗ lực đưa nhiều thử nghiệm mới vào vở diễn “Phù thủy đại chiến”. Ảnh: Liên đoàn Xiếc Việt Nam.
Các nghệ sĩ Liên đoàn Xiếc Việt Nam nỗ lực đưa nhiều thử nghiệm mới vào vở diễn “Phù thủy đại chiến”. Ảnh: Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

Ảo thuật diễn… kịch

NSND Tống Toàn Thắng - Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam phấn khởi khoe: “Phù thủy đại chiến” là vở diễn vừa mới được dàn dựng, hứa hẹn nhiều trải nghiệm mới mẻ dành cho khán giả nhân dịp Trung thu.

“Phù thủy đại chiến” kể về cuộc chiến giữa phù thủy Ánh sáng với phù thủy Bóng tối để bảo vệ vũ trụ, bảo vệ sự sống cho muôn loài.

Cuộc chiến này được gần 50 nghệ sĩ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam kể khéo léo, hấp dẫn qua ngôn ngữ xiếc như: Xiếc thú (chim bồ câu, trăn, đà điểu, khỉ, lạc đà, lợn...); đu dây lụa kết hợp với bể nước, đu dây da đôi, đu dây tương tác đèn laser, đu qua cầu tập thể nữ, tung hứng, hình tượng nữ, nhào lộn, màn nhảy múa bộ xương, thăng bằng trên dây, lắc vòng phản quang…

Đặc biệt, “Phù thủy đại chiến” là vở diễn đầu tiên mà ảo thuật sẽ diễn… kịch. Thông thường, khán giả đã quá quen thuộc với những trò ảo thuật được biểu diễn độc lập trong mỗi chương trình xiếc và người nghệ sĩ thực hiện các trò diễn cùng với một chiếc thùng lớn.

Thế nhưng, ở “Phù thủy đại chiến”, ảo thuật gia J (Nguyễn Việt Hoàng - Quán quân Ảo thuật siêu phàm VTV3 - 2018) có một vai diễn xuyên suốt, có lớp lang khi anh hóa thân vào phù thủy Ánh sáng.

Phù thủy Ánh sáng bao quát toàn bộ vở diễn khi là nhân vật đại diện cho cái thiện: Đem lại ánh sáng cuộc sống tươi vui cho muôn loài và cũng là người hùng bảo vệ muôn loài thoát khỏi mưu tính thâm độc của phù thủy Bóng tối.

Và trong suốt hành trình này, phù thủy Ánh sáng sẽ thực hiện nhiều trò ảo thuật có khi ở trên cao, có khi đang bay, chứ không chỉ đứng dưới mặt đất.

“Đây là một trải nghiệm mà tôi chưa từng nghĩ tới khi trở thành một ảo thuật gia. Vào vai phù thủy Ánh sáng, tôi vừa phải kể chuyện bằng các trò ảo thuật vừa phải hóa thân trong các hành động, cử chỉ và cả lời thoại của nhân vật. Lần đầu tiên một ảo thuật gia như tôi được bay lên cao và tung... phép thuật chứ không phải đứng biểu diễn một chỗ với thùng đồ” - Ảo thuật gia J hào hứng chia sẻ.

Diễn viên nữ làm xiếc với trăn

Theo bật mí của NSND Tống Toàn Thắng, “Phù thủy đại chiến” còn có thử nghiệm đầu tiên của một nữ diễn viên làm xiếc với con trăn khổng lồ trong bể nước. Đấy là phân cảnh đầy mạo hiểm của nghệ sĩ trẻ Thu Hương với màn đu dây vào trong bể kính nước hình lục giác và diễn xiếc… với trăn - một tình huống trong cuộc đại chiến giữa hai phù thủy Ánh sáng và Bóng tối.

Nghệ sĩ trẻ Thu Hương vốn là diễn viên solist của chương trình xiếc “Ionah” đình đám trong mấy năm qua tại Nhà hát Star Galaxy, rất giỏi khi trình diễn những tiết mục xiếc trên không như đu dây, nhào lộn nhưng đây là lần đầu tiên cô diễn xiếc với trăn.

“Ban đầu tôi có phần e ngại và lo lắng, nhưng được sự động viên, hướng dẫn của thầy Thắng (NSND Tống Toàn Thắng - PV), tôi đã mạnh dạn thử… cho biết. Thật mừng là tôi đã phối hợp được với “bạn diễn” trăn. Tiết mục mới này mang đến cho tôi rất nhiều cảm xúc đặc biệt” - Nghệ sĩ trẻ Thu Hương nói.

Ngoài ra, khác với các vở diễn trước đây chỉ biểu diễn trên sân khấu tròn, “Phù thủy đại chiến” được biểu diễn cùng lúc trên 3 loại sân khấu, đem lại cho khán giả cảm giác như đang thưởng thức nghệ thuật xiếc trên sân khấu nổi… 4D.

NSND Tống Toàn Thắng cho biết, đây cũng là thử nghiệm đầu tiên trên sân khấu tròn của rạp xiếc khi ở đó còn có cả sân khấu hộp vuông và sân khấu phụ phía sau. Trong đó, sân khấu hộp vuông cao 1,2m, rộng gần 40cm2 là sân khấu chính được thiết kế như một sàn thi đấu để Ánh sáng và Bóng tối so tài.

Sân khấu tròn vẫn chuyển động với các trò diễn của các loài thú. Sân khấu phụ là điểm xuất phát… “bay” của các phù thủy cũng như các hiệu ứng ánh sáng… Cả 3 loại sân khấu cùng được chuyển động với kỳ vọng sẽ đem đến cho khán giả những trải nghiệm đầy mới lạ, dường như đang lạc vào một thế giới huyền thoại lung linh của những phép thuật đầy kinh ngạc.

“Việc xây dựng câu chuyện hấp dẫn, giàu tính nhân văn luôn song hành với việc chúng tôi thường xuyên thử nghiệm các hình thức thể hiện, các trò diễn để phá rào cản quan niệm: Xiếc chỉ dành cho thiếu nhi.

Chúng tôi muốn hướng đến mọi đối tượng khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, vậy nên phải mạnh dạn thử nghiệm, mạnh dạn thay đổi” - NSND Tống Toàn Thắng nhấn mạnh.

Đón Trung thu năm nay, Nhà hát Tuổi trẻ tiếp tục sáng đèn với các vở kịch thiếu nhi “Con chim xanh”, “Niềm vui của đám gà nhà”, “Căn bếp đại chiến”, “Cuộc phiêu lưu của gà trống choai” và chương trình tạp kỹ “Dạ tiệc đêm rằm 2019”.
Nhà hát Kịch Việt Nam đãi thiếu nhi với hai vở kịch “Anh hùng sờn zách” và “Ăn quả trả vàng”. Sân khấu Lệ Ngọc tiếp tục làm nóng sân khấu kịch với hai vở “Tấm Cám” và “Huyền thoại gò Vấp Rồng”. Vẫn duy trì lịch diễn múa rối nước cổ truyền, Nhà hát Múa rối Việt Nam biểu diễn các chương trình rối cạn như “Miền đất mới của chú bé rừng xanh”, “Tấm Cám”, “Vũ điệu ếch xanh”… còn Nhà hát Múa rối Thăng Long có thêm chương trình rối cạn “Thế giới của chúng em 3”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ