Xét xử vụ nâng điểm thi tại Hà Giang: Bảo vệ “lơ là” đã tiếp tay cho gian lận thi cử

GD&TĐ - Chiều nay, khi HĐXX xét hỏi các nhân chứng là chiến sỹ công an làm nhiệm vụ bảo vệ bài thi, các trả lời tại tòa cho thấy sự lỏng lẻo, thiếu nghiệp vụ của lực lượng làm nhiệm vụ là một trong những nguyên nhân để Vũ Trọng Lương có cơ hội dùng xe tải chở bài thi đi.

Bị cáo Vũ Trọng Lương "to gan" dùng xe tải chở bài thi đi ngay trước "mũi" lực lượng công an làm nhiệm vụ bảo vệ bài thi
Bị cáo Vũ Trọng Lương "to gan" dùng xe tải chở bài thi đi ngay trước "mũi" lực lượng công an làm nhiệm vụ bảo vệ bài thi

Theo trả lời của chiến sỹ Công an Hà Giang tên Lịch tại tòa thì anh được phân công  tham gia bảo vệ Ban in sao đề thi và giám sát toàn bộ các hoạt động của tổ xử lý bài thi trắc nghiệm.

Trưa 7/7/2018, Vũ Trọng Lương đánh xe tải đến Trường THPT Chuyên tỉnh Hà Giang phá niêm phong cửa phòng, sau đó mở cửa phòng để vận chuyển 05 hòm đựng bài dự thi và máy tính sang Sở GD&ĐT. Việc vận chuyển này để Lương sửa bài thi sao cho trùng khớp với kết quả đã sửa trên phần mềm đã được Lương thao tác từ trước.

Chiến sỹ công an tên Lịch cho biết thời điểm đó anh đi ăn trưa nên không để ý đến hành động của Vũ Trọng Lương. Khi Lương bị Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang phát hiện và có yêu cầu anh Lịch sang chứng kiến có phải chữ ký của anh trên mẫu niêm phong cửa và các hòm chứa bài thi hay không, anh Lịch xác nhận không phải chữ ký của mình.  

Một nhân chững khác là Nguyễn Thái Học (cán bộ Phòng PK02 Công an tỉnh Hà Giang) thừa nhận được phân công nhiệm vụ bảo vệ an ninh tại trường THPT Chuyên tỉnh Hà Giang, thời gian bảo vệ là 24/24, anh và các đồng nghiệp được bố trí ăn nghỉ một phòng ngay tại trường.

“Trưa 7/7/2018, khoảng hơn 11h, ông Vũ Trọng Lương vào phòng chúng tôi và bảo: “Chú là Phó trưởng Ban thư ký, Thành viên tổ xử lý bài thi trắc nghiệm, đến đây chuyển đồ về Sở Giáo dục và nhờ mấy anh em chuyển hộ”. Sau khi gọi điện cho anh Lịch và được xác nhận, anh Nguyễn Thái Học và đồng nghiệp không chỉ đồng ý để Lương phá niêm phong mà còn nhiệt tình giúp đỡ Lương chuyển các bài thi xuống xe tải do Lương đã bố trí sẵn.

Nhân chứng Vi Hoàng Hiệp (công tác tại PC07 Công an tỉnh Hà Giang) thừa nhận có giúp Lương khiêng đồ xuống tầng 1 và đặt cạnh xe tải. Anh Hiệp cũng không biết đó là những tài liệu gì.

Khi bị chủ tọa phiên tòa chất vấn vì sao là các cán bộ công an làm nhiệm vụ bảo vệ bài thi mà không biết việc làm của Vũ Trọng Lương? Các cán bộ công an làm nhiệm vụ bảo vệ nói rằng sau này mới biết là sai.

Để bảo đảm an toàn cho kỳ thi này, ngoài lực lượng công an như đã nói trên, còn có Tổ thanh tra giám sát các hoạt động chấm thi gồm 02 người là Trần Quang Huy và Khổng Chí Nguyện, cả hai cùng công tác tại Trường Đại học Tân Trào (Tuyên Quang). Trước tòa, các cán bộ thanh tra, giám sát này thừa nhận không có nghiệp vụ xử lý bài thi trắc nghiệm.

Trong phiên xét xử ngày hôm nay, ông Vũ Văn Sử - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang đã nói rằng: “Lần đầu tiên trong lịch sử thi cử nước nhà xảy ra sự việc này. Tôi đã báo cáo với các cấp, báo cáo trung thực, quyết tâm cùng các cơ quan chức năng vào cuộc. Đây là điều hết sức đau lòng nên mới có phiên tòa ngày hôm nay”.

Theo ông Sử thì ông vốn rất tin tưởng vào sự bảo mật, an toàn của kỳ thi, tin tưởng vào việc không có tiêu cực. Ông đã bàng hoàng và “sốc” khi sự việc nghiêm trọng đã xảy ra. Ông Sử cho biết ngay tối ngày 7/7/2018 ông được báo tin mất dấu niêm phong tại phòng chứa bài thi trắc nghiệm đang được giữ tại Hội đồng thi trường Chuyên Hà Giang. Ngay lập tức, ông Sử cùng hai phó giám đốc khác của Sở là anh Bình, chị Chính đến ngay địa điểm trên để kiểm tra.

Ông Sử được cấp dưới báo lại là gọi điện cho Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương đều không được, xuống nhà tìm thì cửa nhà ông Hoài đóng kín. Ông Sử đã sốc và không ăn được cơm

“Tôi linh tính có chuyện bất thường sau đó yêu cầu trích xuất camera giám sát thì thấy anh Lương xuất hiện tại phòng chứa bài thi trắc nghiệm, giật niêm phong, mở khóa cửa và mang cây CPU máy tính ra khỏi phòng chứa bài thi” - ông Sử khai báo trước tòa.

Những lời khai báo trước tòa cho thấy, vị lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Giang đã biết rất rõ có điều "bất thường" trong việc quản lý bài thi, và cũng thấy rất rõ hành vi táo tợn của các nhân viên dưới quyền ngay từ khi vụ việc chưa bị phát lộ. Vậy tại sao với trách nhiệm của mình ông đã không báo cáo tình hình với các cơ quan chức năng của địa phương và lãnh đạo Bộ GD&ĐT để kịp thời xử lý, ngăn chặn?

Phải chăng đã có những điều uẩn khúc "bất thường", đã làm cho vị Giám đốc này không báo cáo trung thực ngay lúc đó về sự việc diễn ra, với các cơ quan chức năng của Bộ GD&ĐT, để đến lúc dư luận báo chí lên tiếng, cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc, vị lãnh đạo này mới... ân hận (?).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ