(GD&TĐ) - Thời gian xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1 chỉ còn một ngày. Hoàn toàn khác với không khí ảm đạm năm trước, nhiều trường năm nay còn ngạc nhiên trước lượng hồ sơ thu về quá lớn.
Thí sinh nộp hồ sơ tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: gdtd.vn |
Trường bội thu hồ sơ
Trường ĐH Đồng Tháp: TS.Nguyễn Văn Đệ - Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi cho biết: Cho đến nay số hồ sơ xét tuyển của trường lên tới 3500 bộ, gấp trên 3 lần tổng chỉ tiêu xét tuyển. Chiều 9/9, trường phải tổ chức họp để đề xuất phương án vì lượng hồ sơ quá nhiều so với dự tính.
Dự đoán, điểm trúng tuyển tất cả các chuyên ngành sẽ cao hơn điểm xét tuyển. Trong đó, các ngành sư phạm Toán, sư phạm Hóa, điểm trúng tuyển có thể lên tới 18. Một số ngành ngoài sư phạm như Môi trường, Quản lý đất đai, Nuôi trồng thủy sản,... do nhu cầu xã hội cao nên trường sẽ ưu tiên tuyển số lượng lớn hơn, do đó, điểm trúng tuyển có thể thấp hơn các ngành khác, nhưng vẫn cao hơn điểm xét tuyển.
Trường ĐHDL Văn Lang đã quyết định điểm trúng tuyển nguyện vọng bổ sung vào 18 ngành đào tạo của trường. Hầu hết các ngành điểm trúng tuyển đều cao hơn điểm nhận hồ sơ. Cụ thể, ngành Thiết kế công nghiệp điểm trúng tuyển cao hơn điểm xét tuyển 3 điểm; Thiết kế đồ họa cao hơn 2,5 điểm; Thiết kế thời trang cao hơn 1 điểm; Thiết kế nội thất (khối V) cao hơn 2 điểm; Quản trị kinh doanh (khối A) cao hơn 2,5 điểm... Nhà trường cho biết sẽ gửi giấy báo trúng tuyển cho thí sinh vào hôm nay (10/9).
Trường ĐH Y Hà Nội năm nay thông báo tuyển bổ sung 40 chỉ tiêu ngành Y tế công cộng, mức điểm xét tuyển 22 và 30 chỉ tiêu ngành Y học cổ truyền, mức điểm xét tuyển là 25 điểm. Trường nhận hồ sơ đến hết ngày 14/9, nhưng thống kê đến hết ngày 6/9 trường đã nhận được 196 hồ sơ, trong đó 91 đăng ký xét tuyển Y học cổ truyền và 103 đăng ký Y tế công cộng.
ĐH Kỹ thuật công nghệ TP HCM: Thống kê hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung vào đến cuối ngày 5/9, trường đã nhận được 2.500 hồ sơ xét tuyển hệ ĐH (chỉ tiêu xét tuyển: 2148) và 1.400 hồ sơ xét tuyển CĐ, vượt trên 300 so với chỉ tiêu. Lượng hồ sơ rải khá đều nên tất cả 22 ngành đào tạo ĐH và 19 ngành đào tạo CĐ có xét tuyển số hồ sơ đã vượt chỉ tiêu.
Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP HCM thống kê đến ngày 4/9 đã nhận được số hồ sơ gấp trên 7 lần chỉ tiêu (bậc ĐH chính quy). Với ngành bậc CĐ, số hồ sơ trường nhận được cũng rất lớn: 936 trên 110 chỉ tiêu.
Trường ĐH Nông lâm T .HCM đã nhận được 7.691 hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung, trong khi chỉ tiêu chỉ trên 2.000.
Trường ĐHSP Hà Nội cũng nhận được số hồ sơ khá lớn cho với chỉ tiêu với tổng 1.992 hồ sơ xét tuyển.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng có lượng hồ sơ rất lớn. Hiện trường này đã nhận được tới trên 10.000 hồ sơ. Trường sẽ công bố danh sách thí sinh trúng tuyển trên website vào ngày 11/9.
Thanh, kiểm tra nghiêm việc xét tuyển
Ông Bùi Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho biết, Thanh tra Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp cùng Vụ Kế hoạch và Tài chính và Vụ Giáo dục Đại học tổ chức thanh tra, kiểm tra xét tuyển. Nội dung kiểm tra bao gồm việc thực hiện chỉ tiêu đăng ký của các trường, nếu trường xác định chỉ tiêu vượt quá năng lực hay tuyển vượt chỉ tiêu Bộ sẽ kiên quyết xử lý. Hình thức xử lý có thể là cắt giảm chỉ tiêu của trường vào năm sau, thậm chí cắt quyền tự xác định chỉ tiêu; đặc biệt, xem xét vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường.
Ông Bùi Anh Tuấn lưu ý: Các trường phải nghiêm túc thực hiện quy chế tuyển sinh. Cụ thể, trong xét tuyển cần thực hiện đúng thời gian xét tuyển mỗi đợt 20 ngày và kết thúc vào 31/10; điểm nguyện vọng sau không được thấp hơn nguyện vọng trước; đồng thời phải công khai việc xét tuyển.
Đặc biệt, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học nhắc nhở: Giai đoạn này, các thí sinh cần hết sức cẩn trọng với các chiêu lừa tuyển sinh. Ví dụ một số trường thông báo tuyển lớp dự nguồn tuyển sinh; gửi thông báo trúng tuyển cho thí sinh dưới điểm sàn – điều này hoàn toàn không được phép.
Việc một số trung tâm hay công ty đứng ra tuyển sinh cũng là bất hợp pháp. Đặc biệt, một số thí sinh nhận được lời mời qua trung gian nộp tiền để chạy trường. “Thí sinh nên rất cẩn trọng với những điều này vì Bộ GD&ĐT sẽ kiên quyết không cấp bằng cho những trường hợp không có đầu vào” – ông Tuấn nhấn mạnh.
Hiện nhiều vẫn có nhiều thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển không hợp lệ. Lỗi thường gặp là sai mã ngành, đăng ký không đúng khối ngành xét tuyển. Thường những hồ sơ sai đều được nhà trường công khai trên trang web, thí sinh cần lưu ý theo dõi để tránh đánh mất cơ hội đáng tiếc. |
Hiếu Nguyễn
TIN LIÊN QUAN |
---|