Xem móng tay đoán bệnh

Khi móng tay hình cái thìa, tức ở phần giữa lõm xuống, viền xung quanh vểnh lên, đây có thể là dấu hiệu thiếu máu do thiếu sắt, suy giáp hoặc bệnh gan.

Xem móng tay đoán bệnh

Theo MNN, móng tay cũng như là "thầy bói" của cơ thể. Nếu đôi mắt là cửa sổ tâm hồn thì móng tay có thể là cửa sổ của sức khỏe. Một vài thay đổi của móng tay có thể là dấu hiệu của một loại bệnh tiềm ẩn hoặc cơ thể bị rối loạn:

Móng tay màu vàng

Hội chứng này xảy ra khi móng tay dày lên, mọc chậm và dần chuyển sang màu vàng. Hội chứng móng tay vàng thường là dấu hiệu của bệnh về đường hô hấp. Nếu bạn nhận thấy móng tay mình màu vàng nhưng mọc bình thường, nó có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường. 

Bệnh này làm cho glucose kết hợp với protein collagen trong móng tay, khiến móng có màu vàng. Nếu móng tay màu vàng và bạn thấy có thêm các dấu hiệu khác của tiểu đường (như khát nước hay đi tiểu nhiều), hãy đi gặp bác sĩ ngay lập tức.

Móng tay võng xuống như cái thìa

Khi quan sát, bạn thấy ở giữa móng bị lõm, 4 chung quanh vênh lên đến nỗi bạn có thể đổ một giọt nước vào giữa móng tay mà vẫn giữ được. Vấn đề này có thể liên quan đến tình trạng thiếu máu do thiếu sắt, suy giáp hoặc bệnh gan.

Dấu hiệu của bệnh tim mạch

Những vết xuất huyết hoặc những đường đỏ, nâu dưới móng tay, có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng van tim. Khi quan sát, bạn sẽ thấy chúng giống những mảnh vụn trong móng tay mình, nhưng thật ra đó là những hạt máu.

Một dấu hiệu khác có thể liên quan đến tim của bạn đó là móng tay hình dùi cui. Lúc này móng bị mềm, gia tăng độ lồi ở chỗ giao với da, đầu ngón tay dày lên.

Thiếu canxi

Có thể bạn chưa bao giờ để ý đến những thay đổi của móng tay, nhưng chắc chắn bạn từng nhìn thấy một đốm hoặc hai đốm trắng rồi. Đó thường là dấu hiệu của sự thiếu hụt canxi nên bạn cần uống nhiều sữa hơn. Thuật ngữ y khoa gọi những đốm trắng này là Leukonychia. Chúng có thể xuất hiện do chấn thương nhẹ ở gốc móng.

Móng tay giòn

Đây là triệu chứng phổ biến của sự lão hóa. Nếu bạn chưa già mà móng tay giòn có thể là do tiếp xúc nhiều với xà bông hoặc nước, hoặc thứ hóa chất độc hại nào đó.

Muốn cơ thể khỏe mạnh, bạn hãy chú ý đến những thay đổi của móng tay nhiều hơn, trong đó bao gồm độ dày và màu sắc. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ sự thay đổi bất thường nào, tốt nhất là đến bác sĩ da liễu bởi 10% bệnh lý về da liễu có liên quan đến móng tay. 

Ví dụ bệnh về da như vảy nến cũng có thể gây ra những thay đổi trên móng tay. Quan trọng nhất là giữ vệ sinh móng tốt (cắt và làm sạch thường xuyên) và đến bác sĩ nếu bạn thấy có điều gì bất thường.

Theo Thi Trân/Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ