Xe ôm – không còn sống được với nghề

GD&TĐ - Bước vào nghề xe ôm grab được chừng 5 tháng, anh Phạm Mạnh Đức, 47 tuổi ở Định Công, Hà Nội, chia sẻ: Cũng là nghề dịch vụ nhưng có lẽ đây là nghề “thấp tầng” nhất. Tuy nhiên, vì cơm, áo, gạo, tiền, chưa có việc gì hơn thì vẫn phải làm...

Xe ôm – không còn sống được với nghề

Đơn giản mà... “xương xẩu”

Kể về quá trình đến với nghề xe ôm grab hiện nay, anh Đức cho biết: Đang lúc thất nghiệp, thấy ngoài đường có nhiều xe ôm grab, nên anh tìm đến công ty để đăng ký. Thủ tục và điều kiện hành nghề cũng khá đơn giản họ chỉ cần xuất trình chứng minh thư, hộ khẩu, bằng lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm.

Sau đó, được đào tạo một buổi về quy định của công ty; hướng dẫn thao tác về sử dụng điện thoại để nhận các thông tin dịch vụ và khách hàng; thanh toán cước phí;... Cuối cùng là kích hoạt tài khoản cá nhân và như vậy là có thể hành nghề.

Để nhận được “cuốc” xe từ công ty, người chạy xe ôm grab phải nộp mức phí là 20% giá trị của “cuốc” xe đó. Với mức phí này, nhiều tài xế xe ôm grab đã phải bỏ nghề, bởi nếu tính hết các chi phí như bảo dưỡng, khấu hao xe, tiền xăng dầu, cước sử dụng 3G,... thì chạy xe là không có lãi lời gì.

Cước phí rất rẻ, 2km đầu là 11.000 đồng, từ km thứ 3 trở đi là 3.800 đồng/km. Một thông báo khách hàng của công ty cho người lái xe ôm grab sẽ được xác nhận trong vòng 45 giây, nếu không sẽ bị “trôi cuốc”, điều này chỉ được hạn định khoảng 10%. Công ty yêu cầu phải nhận cuốc 100%, bất kể cuốc xa, gần, thời tiết,... như vậy, chỉ cần không để ý điện thoại hoặc để chế độ im lặng, các tài xế xe ôm rất dễ bị “trôi cuốc”,...

Về thu nhập nếu chịu khó chạy thì cũng có thể kiếm được 300-400 nghìn/ngày, tuy nhiên trừ đi chi phí thì số tiền được nhận cũng không còn là bao.

Bên cạnh đó, khách đi xe ôm cũng có nhiều người khó tính, nên việc phục vụ khách hàng không phải lúc nào cũng được như ý. Nhiều khi, điểm đến của khách hàng chỉ là địa danh mà không phải là địa chỉ cụ thể.

Khi đó, khách hàng dù đã được chở đến địa điểm được xác nhận trên hệ thống, nhưng thực tế vẫn còn một quãng đường dài hoặc phải vào ngõ, ngách,... mới có thể đến đúng địa điểm cần đến. Việc này gây phát sinh quãng đường thực tế phải đi, nhưng cước phí lại không thay đổi, trong khi đó, không phải khách hàng nào cũng sẵn sàng chi trả khoản phát sinh này.

Nhiều xe ôm grab đã phải chở khách một quãng đường miễn phí, nếu không muốn bị khách hàng phản hồi, đánh giá chất luợng phục vụ không tốt về công ty,... “Như vậy, sống được với nghề này hầu như là điều không thể” - anh Đức kết luận.

Nên chuyển nghề

So với xe ôm truyền thống thì grab, uber,... đang chiếm ưu thế bởi sự tiện lợi và giá thành rẻ hơn, rất nhiều người làm nghề xe ôm truyền thống, để tồn tại đã phải làm quen và đăng ký tham gia vào grab, uber... cùng với đó, loại hình dịch vụ này cũng mở ra rất nhiều cơ hội việc làm bán thời gian cho các đối tượng như sinh viên, người lao động tự do,...

Việc mở rộng không giới hạn các đối tượng tham gia vào dịch vụ xe ôm dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin đã khiến cho nhiều người làm nghề xe ôm truyền thống đến nay không còn sống được với nghề. Xã hội nảy sinh những mâu thuẫn giữa xe ôm truyền thống và xe ôm thời @.

Đã có không ít các trường hợp mâu thuẫn, va chạm, đánh nhau, tranh giành khách hàng giữa hai loại hình xe ôm này mà báo chí đã nêu trong thời gian qua.

Dịch vụ xe ôm grab ra đời, có thể được xem làm một ví dụ sinh động cho sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến đời sống xã hội, khi các nghề cũ đang dần mất đi, thay vào đó là các nghề mới trên cơ sở nền tảng công nghệ thông tin.

Chính vì vậy, việc tìm kiếm một nghề khác để thay thế đang là vấn đề đặt ra đối với hàng vạn lao động nghề xe ôm.

Để chuyển đổi nghề nghiệp, họ cũng đang rất cần được đào tạo nghề, đây cũng là vấn đề đặt ra cho các ban ngành chức năng. Tuy nhiên, trước hết người lao động cần chủ động tự trang bị kỹ năng, kiến thức nghề nghiệp để nhanh chóng tham gia trở lại vào thị trường lao động.

Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, xe ôm từ lâu đã là một nghề giúp cho hàng vạn lao động mưu sinh. Trong “cơn bão” công nghệ thời 4.0, những nghề có yêu cầu kỹ năng giản đơn như xe ôm đều đứng trước nguy cơ bị thay thế một cách nhanh chóng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?
Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...