Xe máy phải bật đèn ban ngày: Cảnh sát giao thông khó xử phạt

Xe máy phải bật đèn ban ngày: Cảnh sát giao thông khó xử phạt

Tuy nhiên, quy định này vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Cụ thể, khoản 3 Điều 27 của Dự luật quy định: Trong suốt cả ngày, xe môtô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau. Như vậy, người lái xe máy khi tham gia giao thông phải bật đèn được trang bị theo thiết kế của xe.

* Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ (nguyên Tổ trưởng xử lý vi phạm giao thông - Công an thành phố Hà Nội):

Rất khó cho CSGT xử lý vi phạm

Việt Nam có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa (ở miền Bắc), cận xích đạo ở miền Nam, ít sương mù, việc quy định bật đèn cả ngày là quá vô lý, rất khó để lực lượng CSGT xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, còn ảnh hưởng lớn đến độ bền của bóng đèn trên phương tiện giao thông.

Tôi cho rằng, quy định này có thể áp dụng ở những nơi có nhiều sương mù như vùng cao, còn nếu áp dụng cả nước thì không phù hợp. Khi đưa ra quy định mới, cơ quan chức năng phải nghiên cứu xem có phù hợp với thực tế, nhằm mục đích gì, không thể nói nước ngoài áp dụng thì chúng ta cũng phải làm theo.

Cá nhân tôi thấy quy tắc này có vấn đề. Ví dụ một ngã tư đèn xanh đèn đỏ xảy ra tắc đường, các xe lúc nào cũng rọi đèn vào nhau thì rất chói mắt. Ngoài ra, việc bật đèn cả ngày sẽ tốn xăng dầu, thời tiết nắng nóng, gây ô nhiễm môi trường. Quy tắc này có thể mang tính khuyến khích chứ không nên bắt buộc.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy (nguyên Giám đốc NXB Giao thông - Vận tải):

Bật đèn tuỳ từng khu vực, từng tuyến đường

Không nên quy định cứng nhắc thời gian mà phải tùy theo thời tiết từng khu vực, từng tuyến đường. Ở nước ngoài cũng không quy định thời điểm cụ thể bắt buộc bật đèn mà căn cứ vào thời tiết.

Với quy định thiếu chặt chẽ và để giờ cụ thể như trên sẽ rất khó thực hiện, đặc biệt ở nước ta. Cái quan trọng nhất là cần quy định xe phải có đèn nhận diện mà đèn phải sử dụng được. Còn việc sử dụng khi nào và như thế nào cần nới rộng ra chứ không nên bó buộc.

* Ông Trần Hữu Minh (Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, thành viên Ban soạn thảo luật giao thông đường bộ sửa đổi):

Quy định bật đèn xe nhận diện cả ngày phù hợp với Công ước quốc tế

Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế về giao thông vào 20.8.2014 và cam kết thực hiện đầy đủ các nội dung trong Công ước Quốc tế.

Khoản 32 điều 6 Công ước quốc tế quy định: “Vào ban ngày, xe gắn máy lưu thông trên đường phải bật ít nhất một đèn chiếu sáng phía trước và một đèn đỏ ở sau". Chính vì vậy, nội dung trong dự thảo hiện nay thể hiện sự nhất quán của Việt Nam với Công ước quốc tế về giao thông mà chúng ta đã tham gia cam kết thực hiện. Công ước này đang được phần lớn các quốc gia trên thế giới tham gia và thực hiện.

Trong khu vực Asean, chỉ còn 3 nước là Lào, Campuchia và Việt Nam là chưa thực hiện quy định về đèn nhận diện ban ngày của xe máy. Tất cả các quốc gia khác trong ASEAN đều đã thể chế hóa thành quy định pháp luật và đã thực hiện việc bật đèn nhận diện từ trước đây rất lâu.

Ở Việt Nam, nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan tới xe máy là do các phương tiện khác không nhìn thấy xe máy (kể cả vào ban ngày), vì thế cần nâng cao khả năng nhận diện với xe máy.

Theo laodong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ