Tử thi giữ vai trò rất quan trọng trong quá trình thử nghiệm các công nghệ an toàn. |
Khi các nhà sản xuất ô tô cùng với các cơ quan kiểm định an toàn công bố kết quả của bài kiểm tra va chạm, không thể thiếu những đoạn video ghi lại cảnh thử nghiệm của một chiếc xe trống không hoặc là với hình nộm.
Trở lại những năm 80, họ thậm chí còn sử dụng hình nộm giống các nhân vật hoạt hình đáng yêu. Tuy nhiên, điều mà cả ngành công nghiệp không muốn đề cập đến chính là việc rất nhiều những cải tiến, công nghệ mới trang bị trong xe hơi được tạo ra và thử nghiệm trên thi thể người chết.
Từ những năm 30, khi các nhà nghiên cứu tại trường đại học Wayne State lần đầu tiên thả một thi thể xuống dưới hầm của thang máy để quan sát xem nó có thể chống đỡ được loại lực tác động nào, xác người trở thành yếu tố cần thiết để giúp cho những chiếc xe an toàn hơn. Mỗi phần của chiếc xe, để đạt đến sự an toàn chúng đều được nghiên cứu một cách khoa học dựa vào những thử nghiệm trên xác người.
Priya Prasad, nguyên là nhà nghiên cứu hàng đầu về an toàn của Ford nói rằng "Xác người vẫn rất quan trọng. Mặc dù chúng tôi đã tạo ra những hình nộm khá hoàn hảo dựa trên toán học, tuy nhiên mô hình hóa về con người vẫn chưa đạt yêu cầu".
Những hình nộm như thế này không thể cung cấp đầy đủ thông tin cho các nhà nghiên cứu. |
Các nhà sản xuất ô tô thường cố gắng giữ cho tên tuổi của mình tránh xa sự thật này. Vào năm 2008, một nhà nghiên cứu của Thụy Điển đã nói với báo chí rằng General Motors và Saab đã sử dụng xác người để nghiên cứu, ngay lập tức cả 2 công ty này đã phủ nhận.
Thực tế là các nhà sản xuất xe hơi không có đủ nguồn lực về y tế mà các thử nghiệm trên thi thể đòi hỏi, nhưng các trường đại học lại hoàn toàn có thể. Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) hàng năm vẫn cung cấp nguồn tài chính hỗ trợ cho các bài kiểm tra trên xác người tại các trường đại học, và nhiều trường trong số này cũng nhận được sự hỗ trợ từ các hãng ô tô. Dữ liệu thu thập được tại đây có thể chia sẻ rộng rãi.
Dây đai an toàn hoạt động như túi khí mới của Ford cũng có quá trình phát triển như vậy, ý tưởng về nó đã được thử nghiệm từ vài năm trước và Explorer đời 2011 là chiếc xe đầu tiên trên thế giới được trang bị những dây đai này. Đây cũng chính là điểm nhấn về tính năng an toàn được hãng này cung cấp để cạnh tranh với các đối thủ.
Tuy nhiên, trước khi hệ thống này có thể được bán. Ford đã phải trả lời vô số câu hỏi chỉ vì có thêm một túi khí không có nghĩa là dây đai tự động này sẽ che chắn hành khách khỏi bị thương tích tốt hơn so với dây đai an toàn tiêu chuẩn. Nó thậm chí có thể tồi tệ hơn: Điều gì sẽ xảy ra cho những đứa trẻ, nếu như túi khí bị bung ra khi chúng đang ngủ?
Hầu hết trong các bài kiểm tra của mình, Ford sử dụng hình nộm công nghiệp mang hình dáng của người lớn và trẻ em. Nhưng nếu không thử nghiệm trên tử thi, Ford sẽ không thể biết chính xác về những tác động của loại dây đai này đối với nội tạng và các mô của con người.
Các trường đại học khi tiến hành thử nghiệm trên tử thi sẽ phải thực hiện đầy đủ các thủ tục cho mỗi khâu trong quá trình này, từ việc thông báo cho thân nhân của người hiến xác biết về mục đích sử dụng.
Wes Sherwood, người phát ngôn của Ford cho biết: "Ford cũng như các hãng khác đang cố gắng chuyển sang sử dụng các mô hình kỹ thuật số để thử nghiệm va chạm bất cứ khi nào có thể."
"Khi có một nhu cầu thật cụ thể (cho một bài kiểm tra trên tử thi), chúng tôi sẽ xem xét khả năng tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài, nhưng hầu hết công việc của chúng tôi được thực hiện trên các thiết bị kỹ thuật số".
Hoàng Minh (Theo Jalopnik)