Xây dựng tiêu chuẩn Người đào tạo tại doanh nghiệp

GD&TĐ -Ngày 10/12, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phối hợp với Chương trình đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam (GIZ) tổ chức hội thảo “Góp ý chương trình đào tạo người đào tạo tại doanh nghiệp”.

Ông Trương Anh Dũng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại hội thảo
Ông Trương Anh Dũng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đã tập trung thảo luận những vấn đề xoay quanh nội dung chương trình đào tạo được xây dựng trên cơ sở tiêu chuẩn Người đào tạo tại doanh nghiệp cho các nước ASEAN và nhu cầu cũng như bối cảnh  ở Việt Nam.

Đào tạo tại doanh nghiệp bao gồm tất cả các hoạt động đào tạo do doanh nghiệp lập kế hoạch, tổ chức và thực hiện cho người lao động của mình, hoặc cho người học nghề, người học tập trong khuôn khổ liên kết với đối tác bên ngoài nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ chiến lược sản xuất kinh doanh.

Trong bối cảnh CMCN 4.0, nguồn nhân lực chất lượng cao đã trở thành nguồn vốn quan trọng của doanh nghiệp. Phát triển nguồn nhân lực được nhìn nhận là sự đột phá chiến lược trong phát triển doanh nghiệp nói riêng và phát triển nền kinh tế nói chung.

Đào tạo tại doanh nghiệp nhằm phát triển kỹ năng, nâng cao năng lực của người lao động chính là giải pháp sống còn của doanh nghiệp.

Ông Trương Anh Dũng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Vấn đề đào tạo tại doanh nghiệp trong gắn kết với doanh nghiệp đã được đặt ra, tuy nhiên làm thế nào để thực hiện có hiệu quả công tác này là một vấn đề mới.

GIZ đã hỗ trợ xây dựng bộ tiêu chuẩn về người dạy nghề trong doanh nghiệp tại các nước ASEAN, đây được coi là một khung để các nước ASEAN căn cứ tham khảo xây dựng chương trình đào tạo cho những người đào tạo nghề trong doanh nghiệp.

Ở cấp độ khu vực, tiêu chuẩn người đào tạo tại doanh nghiệp cho các nước ASEAN do Tổ chức hợp tác phát triển Đức xây dựng đã được Hội nghị Quan chức cấp cao về giáo dục (SOM-ED) và Nhóm công tác về các điển hình Lao động tiên tiến nhằm tăng cường tính cạnh tranh trong ASEAN của Hội nghị Quan chức cấp cao về Lao động ASEAN (SLOM-WG) lần lượt thông qua vào tháng 12/2017 và 12/2018.

Tiêu chuẩn này mô tả các yêu cầu chung năng lực sư phạm và các công việc đào tạo, tạo nên chương trình khung và hướng tới chuẩn mực khu vực nhằm bảo đảm những người đào tạo có các kỹ năng, kiến thức và năng lực cần thiết để thực hiện đào tạo tại doanh nghiệp một cách hiệu quả.

Trên cơ sở thỏa thuận giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Chương trình đổi mới đào tạo nghề ở Việt Nam, nhiệm vụ xây dựng chương trình người đào tạo tại doanh nghiệp dựa trên tiêu chuẩn của ASEAN và nhu cầu người đào tạo tại doanh nghiệp Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ