Xây dựng tiêu chí đánh giá sách giáo khoa - việc cần làm ngay

Xây dựng tiêu chí đánh giá sách giáo khoa - việc cần làm ngay
Xây dựng tiêu chí đánh giá sách giáo khoa - việc cần làm ngay ảnh 1
 

(GD&TĐ) - Thời gian thay SGK sau năm 2015 đang đến gần, kèm theo đó là nhiều vấn đề thách thức NXB Giáo dục Việt Nam trong việc làm thế nào để đưa ra được bộ SGK có chất lượng cao, thể hiện được đúng tinh thần, mục tiêu của chương trình là hướng tới sự phát triển năng lực người học, hiện đại, góp phần nâng cao khả năng hội nhập quốc tế của Việt Nam. 

4 thành phần cốt lõi cần đánh giá
Việc thiếu tiêu chí đánh giá SGK hiện đang là nguyên nhân khiến chính Bộ GD&ĐT gặp lúng túng khi phê duyệt. Do đó, hỗ trợ tích cực cho việc biên soạn SGK, việc xây dựng bộ tiêu chí đánh giá SGK là hết sức cần thiết và là việc cần làm ngay – khẳng định của GS.TS. Vũ Văn Hùng - Tổng Biên tập NXB Giáo dục Việt Nam và PGS.TS. Phan Doãn Thoại - Viện trưởng Viện nghiên cứu Sách và học liệu giáo dục.
Cách đánh giá SGK sử dụng bộ tiêu chí được áp dụng ở khá nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Mặc dù khó có thể áp dụng một bộ tiêu chí đánh giá chung cho mọi quốc gia, nhưng hầu hết các bộ tiêu chí đã được xây dựng đều dựa trên bốn tham số cơ bản.
Đó là: Sự tuân thủ các mục tiêu của chương trình (dựa trên trình độ nhận thức); mức độ bao quát chiều sâu và bề rộng của nội dung kiến thức được quy định trong chương trình; dung lượng dành cho các chủ đề khác nhau trong sách so với thời gian và tỉ trọng của chủ đề đó được cụ thể hoá trong hướng dẫn của chương trình; hệ thống trình bày trong cuốn sách. 
Từ yêu cầu của thực tiễn biên soạn và thẩm định SGK tại Việt Nam và xu hướng phát triển của giáo dục quốc tế, GS.TS. Vũ Văn Hùng và PGS.TS. Phan Doãn Thoại bước đầu đã phác thảo một bộ tiêu chí đánh giá SGK mới theo định hướng đối mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015.
Theo đó, các tiêu chí được xây dựng dựa trên các yếu tố cơ bản để có được một cuốn SGK/bộ SGK đáp ứng mục tiêu và yêu cầu. Các yếu tố này thuộc 4 thành phần cốt lõi cần đánh giá của SGK. Việc đánh giá dựa theo số điểm từng cuốn SGK/bộ SGK đạt được theo từng tiêu chí với tổng điểm tối đa 100.
Trong đó, thành phần quan trọng nhất là nội dung kiến thức và phương pháp tiếp cận chương trình chiếm 35 điểm. Tiếp theo, phương pháp tiếp cận nội dung kiến thức (30 điểm); thiết kế, mĩ thuật và kĩ thuật in trong SGK (20 điểm); văn bản giáo khoa (15 điểm).
Làm việc tại Trung tâm nghiên cứu SGK của ĐH Utrecht (Hà Lan), ông Hendrianne J.Wilkens lại nhắc tới 3 phạm vi chất lượng và khẳng định, chỉ khi SGK đáp ứng được 3 phạm vi tiêu chuẩn chất lượng gồm nội dung, tính sư phạm và cách trình bày, khi đó mới có thể bàn luận về những cuốn SGK hay.
“Bạn không thể học nếu không có nội dung, giống như nhìn mà không thấy hình ảnh hay nghe mà không có âm thanh. Nhưng bản thân nội dung lại là một tài liệu thô và phải được chuyển đổi cho có tính sư phạm, HS phải hoạt động trên nội dung đó. Nếu không có hoạt động việc học sẽ không diễn ra.
Vì thế, tài liệu phải được thiết kế và trình bày sao cho có thể hỗ trợ việc học” - ông Hendrianne J.Wilkens phân tích. 
5 tiêu chuẩn, 10 tiêu chí đổi mới, hiện đại hóa SGK
Một tầm nhìn mới về SGK sau năm 2015 cần phải được xây dựng dựa trên các quan điểm quan trọng nhất của giáo dục hiện đại  là giáo dục lấy học sinh làm trung tâm, công nghệ hóa giáo dục và giáo dục vì sự phát triển bền vững. Từ quan điểm này, PGS.TS Trần Đức Tuấn - NXB Giáo dục Việt Nam xác lập 5 tiêu chuẩn với 10 tiêu chí cơ bản đổi mới và hiện đại hóa SGK. 
Với 5 tiêu chuẩn: Tính sư phạm, tính khoa học, hiện đại, tính thực tiễn và tính bền vững, theo PGS.TS Trần Đức Tuấn, SGK cần định hướng hành động và tạo điều kiện để giáo viên tổ chức hoạt động; Tăng cường qui trình hóa các hoạt động nhận thức của HS trong các bài học, đặc biệt là các bài học về kỹ năng và phương pháp.
SGK, đặc biệt là các bài học phải có khả năng tạo và kích thích động cơ, đem lại niềm vui, lợi ích cho HS trong học tập. 
Cùng với đó, Việc thiết kế nội dung, hình thức trình bày SGK, đặc biệt là các bài học trong sách phải xuất phát và phù hợp với nhu cầu, hứng thú và trình độ của học sinh; tạo điều kiện để hình thành và phát triển không chỉ kiến thức, kỹ năng mà còn cả giá trị và thái độ hành vi cho học sinh.
Các kỹ năng, phương pháp và giá trị được trình bày trong sách cần được chuẩn hóa. Nội dung, kiến thức, kỹ năng và giá trị được lựa chọn trong sách mang tính thực tiễn cao. SGK cũng cần tăng cường tích hợp và kết nối; khuyến khích tự học và học suốt đời.
Đồng thời, thiết lập và tăng cường các mối liên hệ việc khai thác kiến thức trong SGK với việc sử dụng máy tính và internet...
“Đó có thể coi là những tiêu chuẩn và tiêu chí để xác định thế nào là một cuốn SGK tốt, có chất lượng, được xây dựng theo quan điểm đổi mới và hiện đại hóa SGK” - PGS.TS Trần Đức Tuấn khẳng định.
“Trong nhiều năm, Hiệp hội các NXB Australia đã tổ chức một cuộc thi hàng năm bình chọn SGK và tài liệu dạy học tốt nhất. Đây là một phần trong quá trình chuyển đổi sang chương trình quốc gia mới. Tiêu chí đánh giá và thẩm định SGK và tài liệu học tập trên lớp cũng được thay đổi để phán ánh phương pháp tiếp cận văn hóa xã hội và tiếp cận kiến tạo đối với việc học tập.”  
- GS.TS Mike Horsley – Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu quốc tế về SGK và phương tiện giáo dục – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GD dạy – học ĐH Central Queensland (Australia). 

Lập Phương

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ