Xây dựng nền báo chí cách mạng, chuyên nghiệp đồng hành cùng dân tộc

Xây dựng nền báo chí cách mạng, chuyên nghiệp đồng hành cùng dân tộc

>>Hội Nhà báo Việt Nam qua các kỳ đại hội

Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam 2010-2015
Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam NK 2010-2015. ảnh gdtd.vn

Đến dự Đại hội có đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và gần 300 đại biểu khách mời là lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bộ, Ban, Ngành, Đoàn thể, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, các cơ quan báo chí trung ương và địa phương, các nhà báo lão thành, các đồng chí lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam qua nhiều thời kỳ.

Đại hội cũng vinh dự được nhận lẵng hoa chúc mừng của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cùng nhiều đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Phát biểu khai mạc Đại hội, nhà báo Đinh Thế Huynh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chỉ rõ: Đại hội lần thứ IX Hội Nhà báo Việt Nam có nhiệm vụ đánh giá, tổng kết các hoạt động báo chí và hoạt động của Hội trong những năm qua; khẳng định và biểu dương những thành tựu và đóng góp của báo chí Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam đối với sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đồng thời chỉ ra những yếu kém, khuyết điểm trong hoạt động báo chí cũng như hoạt động của các cấp Hội; xác định phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp nâng cao vai trò, vị trí chất lượng và hiệu quả hoạt động trong nhiệm kỳ tới.

Đại hội có nhiệm vụ lựa chọn những nhà báo xứng đáng đại diện cho giới báo chí cả nước vào Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa IX để nhận trách nhiệm chỉ đạo các cấp Hội Nhà báo xây dựng Hội Nhà báo Việt Nam phát triển lớn mạnh trong những năm 2010-2015.

Các đại biểu bỏ phiếu bầu BCH Hội khóa IX ngày 11/8
Các đại biểu bỏ phiếu bầu BCH Hội khóa IX ngày 11/8
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã gửi lời tốt đẹp nhất đến các nhà báo lão thành, thân nhân, gia đình các nhà báo liệt sĩ, toàn thể những người làm báo Việt Nam cùng đông đảo cộng tác viên và anh chị em làm công tác in ấn, phát hành báo chí trong cả nước; đồng thời biểu dương và cảm ơn những đóng góp to lớn của giới báo chí nước nhà, của Hội Nhà báo Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Đại hội
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Đại hội. ảnh gdtd.vn
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhận định: Đại hội lần thứ IX Hội Nhà báo Việt Nam được tiến hành vào thời điểm nhân dân ta, đất nước ta đang có nhiều hoạt động và sự kiện quan trọng, nhiều ngày lễ lớn; giới báo chí cả nước cũng vừa tưng bừng kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và vinh dự đón nhận Huân chương Sao vàng - phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước trao tặng.

Trong 85 năm qua, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập tờ báo Thanh niên, khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam, giới báo chí nước ta luôn luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, đã chứng kiến và trải qua những chặng đường lịch sử vô cùng oanh liệt và vẻ vang của dân tộc.

Các thế hệ nhà báo Việt Nam đã tham gia tích cực và có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, thực sự là những chiến sĩ cách mạng, những người lính xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng.

Nhiều nhà báo đã không quản gian nguy đến những nơi đầu sóng, ngọn gió để phản ánh cuộc chiến đấu anh dũng và sáng tạo của chiến sĩ, đồng bào. Hàng trăm nhà báo đã ngã xuống nơi chiến trường hay trong ngục tù của thực dân, đế quốc, hiến dâng cả cuộc đời mình cho sự nghiệp vẻ vang của dân tộc.

Hoạt động báo chí trong những năm đổi mới nói chung và trong 5 năm qua nói riêng đã đóng góp to lớn và quan trọng vào thành tựu phát triển chung của đất nước: Đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, cổ vũ nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh trung thực, sinh động ý chí, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, những vấn đề bức xúc, nóng bỏng của cuộc sống, góp phần tổng kết thực tiễn, hoạch định chính sách, tham gia quá trình giám sát và phản biện xã hội, quản lý đất nước. Đã phát hiện, biểu dương, cổ vũ những nhân tố mới, điển hình tiên tiến; tích cực tham gia đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ kỷ cương pháp luật; giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường dân tộc, truyền bá văn hóa, nâng cao dân trí, nhận thức chính trị và trách nhiệm xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ; đồng thời góp phần nâng cao uy tín, vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng, báo chí cũng còn những thiếu sót, khuyết điểm cần kiên quyết sửa chữa, khắc phục. Đó là tình trạng một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ mục đích, sa vào giật gân, câu khách tầm thường, để lọt những thông tin sai sự thật, lộ bí mật quốc gia, làm tổn hại đến lợi ích chung của nhân dân, của đất nước; đưa thông tin tiêu cực một chiều, lại thiếu sự phân tích, bình luận khách quan làm cho xã hội phân tâm. Một số ít nhà báo còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín và danh dự của giới báo chí.

Khẳng định Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm ủng hộ và tạo các điều kiện thuận lợi để báo chí phát triển, để các nhà báo phát huy tài năng sáng tạo, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, phục vụ và cống hiến nhiều nhất cho đất nước, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng thể hiện mong muốn và tin tưởng giới báo chí và Hội Nhà báo Việt Nam sẽ nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhất trách nhiệm của mình, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nỗ lực phấn đấu để góp phần nâng cao dân trí, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, cổ vũ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; đồng thời tích cực bồi dưỡng, từng bước hình thành bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn, nhân cách con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Muốn thế, nội dung thông tin báo chí cần trung thực, khách quan, phong phú, nhiều chiều. Cách diễn đạt và chuyển tải thông tin cần chính xác, kịp thời, sinh động, hấp dẫn, giữ gìn bản sắc và sự trong sáng của tiếng Việt; trước những vấn đề mới, phức tạp hoặc những sự kiện lớn, quan trọng trong nước và quốc tế, cần có phân tích, bình luận sắc sảo, thuyết phục nhằm hướng dẫn nhận thức, dư luận xã hội một cách đúng đắn theo quan điểm, đường lối của Đảng. Tránh cách đưa thông tin phiến diện hoặc suy diễn, vũ đoán; loại bỏ những thông tin sai lệch ảnh hưởng đến đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Tích cực biểu dương, cổ vũ cho cái đúng, cái tốt, cái đẹp; phê phán, lên án những thói hư tật xấu, các hiện tượng tiêu cực, suy thoái về đạo đức lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tư tưởng cơ hội, thực dụng. Đồng thời kiên quyết đấu tranh bác bỏ những luận điệu sai trái, làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta. Ở đây đòi hỏi người làm báo phải có đủ bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ và đạo đức nghề nghiệp...

Thay mặt Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa VIII, nhà báo Lê Quốc Trung, Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN khóa VIII đã trình bày báo cáo chính trị với tựa đề: "Tiếp tục nâng cao vị trí, vai trò, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc."

Trên cơ sở phân tích, đánh giá khách quan, thẳng thắn hoạt động nhiệm kỳ qua, Đại hội đã  đề ra  7 nhóm nhiệm vụ  trọng tâm của nhiệm kỳ mới là: Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương (khóa X) về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới; Đổi mới nhận thức và tăng cường các biện pháp, các hình thức mới trong công tác giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh cách mạng, nhận thức chính trị - xã hội; Tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, tính chuyên nghiệp trong hoạt động báo chí cho hội viên; Tham gia hiệu quả vào công tác quản lý, chỉ đạo báo chí; chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên – nhà báo; Đẩy mạnh hoạt động văn hóa- thể thao; Tiếp tục tăng cường, mở rộng hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế của hội...

Kết thúc 3 ngày làm việc khẩn chương, nghiêm túc và trách nhiệm, đến chiều ngày 12/8 Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ IX đã bế mạc và thành công tốt đẹp.

BCH Hội Nhà báo Việt Nam khóa IX ra mắt Đại hội. ảnh gdtd.vn
BCH Hội Nhà báo Việt Nam khóa IX ra mắt Đại hội. ảnh gdtd.vn

Đại hội đã bầu ra 51 đồng chí vào Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa IX nhiệm kỳ 2010-2015. Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Trung ương Đảng, TBT báo Nhân Dân tái đắc cử Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2010-2015. Đại Hội đã thông qua Nghị quyết và ra mắt Ban chấp hành khóa mới. 

Tính đến tháng 12/2009, cả nước có 706 cơ quan báo chí in, gồm: 178 báo in (trung ương, các ban, bộ, ngành, đoàn thể có 76 báo; các tỉnh, thành phố có 102 báo); 528 tạp chí (trung ương, các ban, bộ, ngành, đoàn thể có 414 tạp chí; địa phương 114 tạp chí); 1 hãng thông tấn quốc gia; 2 đài phát thanh, truyền hình quốc gia, 1 đài truyền hình của ngành, 64 đài phát thanh, truyền hình tỉnh, thành phố, trên 600 đài cấp huyện, hàng ngàn trạm truyền thanh cấp xã; 37 báo điện tử, 160 trang điện tử của các cơ quan báo chí, hàng ngàn trang thông tin điện tử...Cả nước có gần 18.000 người làm báo chuyên nghiệp được cấp thẻ nhà báo, hàng ngàn cán bộ, kỹ sư, nghệ sỹ, nhân viên làm việc trong các cơ quan báo chí và hàng chục ngàn người khác là cộng tác viên, nhân viên, lao động tham gia các công đoạn: viết bài, sản xuất chương trình, cung cấp thông tin, in ấn, tiếp thị, quảng cáo, phát hành và các dịch vụ khác.

Lập Phương - Cao Từ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ