Xây dựng một nền hành chính phục vụ, vì dân và hiện đại

Xây dựng một nền hành chính phục vụ, vì dân và hiện đại

(GD&TĐ)-Đó là mục tiêu mà Đề án 30 về đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước mà Chính phủ đã triển lai quyết liệt trong thời gian qua. Kết quả, đến thời điểm này, cả nước đã đơn giản hóa 3.248 thủ tục hành chính, mang lại hiệu quả tích cực cho xã hội.

h
Đơn giản hóa thủ tục hành chính thể hiện quyết tâm của Chính phủ nhằm xây dựng một nền hành chính phục vụ, vì dân và hiện đại (ảnh MH)

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, tính đến giữa tháng 9 này, các bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để đơn giản hóa 3.248 thủ tục hành chính, đạt 68% trong tổng số thủ tục hành chính phải đơn giản hóa.

Như vậy, cùng với kết quả bước đầu của Đề án 30, việc triển khai cơ chế một cửa, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO và công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, công tác kiểm soát thủ tục hành chính đã và đang từng bước trở thành công cụ quan trọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng một nền hành chính phục vụ, vì dân và hiện đại.

Bên cạnh đó, việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính và kiện toàn bộ máy chuyên trách làm công tác này đã đưa cải cách thủ tục hành chính đi vào chiều sâu, cụ thể hóa tư tưởng, quan điểm chỉ đạo về cải cách thủ tục hành chính nêu trong các Nghị quyết của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020.

Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại trong công tác cải cách thủ tục hành chính. Đó là một bộ phận cán bộ, công chức, kể cả cấp lãnh đạo chưa thấy hết vai trò công tác cải cách thủ tục hành chính trong việc phát triển kinh tế-xã hội, ổn định chính trị. Nhiều trường hợp còn bảo thủ, cố tình níu kéo, duy trì các quy định cũ, không nhiệt tình với công cuộc cải cách.

Sức ỳ của bộ máy hành chính các cấp trong việc thay đổi thói quen, cách làm cũ còn lớn, do vậy việc thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính theo 25 Nghị quyết của Chính phủ tại các bộ, ngành, địa phương còn chậm trễ. Ở nhiều nơi vẫn chưa làm tốt việc niêm yết công khai đầy đủ thủ tục hành chính tại nơi giải quyết thủ tục hành chính. Cán bộ, công chức chưa giải quyết đúng các quy định về thủ tục hành chính, gây khó khăn, phiền hà cho dân.

Nguyên nhân của việc chậm tiến độ thực thi phương án đơn giản hóa của 380 thủ tục, nhóm thủ tục hành chính thuộc 66 Nghị định của Chính phủ, 3 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và gần 100 văn bản quy phạm pháp luật của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; đồng thời ảnh hưởng đến kế hoạch cải cách thủ tục hành chính và cải cách thể chế của Chính phủ chính là việc chậm sửa đổi, bổ sung các Luật, Pháp lệnh.

Để tiếp tục đưa công tác cải cách thủ tục hành chính đi vào chiều sâu, tạo sự chuyển biến tích cực trong phục vụ nhân dân, Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Tư pháp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 của Quốc hội dự án luật sửa nhiều luật, dự án pháp lệnh sửa nhiều pháp lệnh để thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính đã được Chính phủ thông qua tại 25 Nghị quyết thuộc quyền quyết định của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản và áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008.

Bộ trưởng, Thủ tưởng cơ quan ngang bộ quan tâm chỉ đạo việc thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý theo 25 Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này; kịp thời công bố, công khai và cập nhật thủ tục hành chính lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định số 63/NĐ-CP; đồng thời xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, là trách nhiệm chính trị trong việc xây dựng nền hành chính văn minh, hiện đại và vì dân. Đây cũng là giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và củng cố niềm tin của người dân vào bộ máy chính quyền.

Hiệu quả tích cực của việc cải cách thủ tục hành chính đang và sẽ mang lại cho xã hội là rất lớn lao. Bằng hình thức này hay hình thức khác, chương trình cải cách thủ tục hành chính nói chung và cải cách thể chế nói riêng cần được tiếp tục duy trì để trở thành một kênh thường xuyên kết nối giữa khối tư nhân và nhà nước. Việc rà soát các thủ tục hành chính đang tồn tại cũng như những thủ tục sắp ra đời cần là một quá trình liên tục và có sự tương tác, trao đổi tích cực giữa cơ quan nhà nước với cộng đồng xã hội chịu tác động. Việc lựa chọn các vấn đề rà soát cần đi theo chủ đề để giải quyết dứt điểm bản chất của khó khăn, vướng mắc chứ không chỉ dừng lại ở những thủ tục đơn lẻ.

Các hoạt động truyền thông cần có định hướng rõ ràng, cụ thể và được đẩy mạnh hơn nữa để tầm ảnh hưởng của cải cách thủ tục hành chính có thể sâu rộng tới cộng đồng xã hội không chỉ ở những thành phố, địa phương lớn mà còn cả ở những vùng sâu, vùng xa, nông thôn hẻo lánh.

Minh Duy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ