Xây dựng Luật Nhà giáo: Cơ sở lý luận và thực tiễn

GD&TĐ - Bên cạnh những thành tựu đạt được, đội ngũ giáo viên phổ thông hiện còn bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập. Phân tích tình hình phát triển đội ngũ nhà giáo trong 5 năm qua: GS.TS Trần Công Phong cùng nhóm nghiên cứu Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã nghiên cứu đề tài: Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo, từ đó phân tích những nguyên nhân của hạn chế, đề xuất các giải pháp tháo gỡ, khắc phục.

Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý là yêu cầu cấp thiết để thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT
Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý là yêu cầu cấp thiết để thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT

Vấn đề thừa, thiếu cục bộ

Về số lượng, xét trên tổng thể, đội ngũ giáo viên phổ thông hiện nay vẫn còn có tình trạng thừa, thiếu cục bộ tại một trường, một vùng và các môn học đặc thù. Tại các trường điểm, các địa bàn thuận lợi có tình trạng thừa giáo viên hay sinh viên sư phạm ra trường không tìm được việc làm trong khi tại những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... vẫn thiếu giáo viên trầm trọng, nhất là giáo viên có trình độ cao.

Tuy đã tiến hành đào tạo nhiều năm trở lại đây nhưng năm học này, nhiều trường học vẫn thiếu giáo viên đặc thù như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, Giáo dục công dân, Ngoại ngữ...; hầu hết giáo viên giảng dạy môn Công nghệ, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục hòa nhập đều chưa được đào tạo chuẩn. Tình trạng

giảng dạy kiêm nhiệm không đúng chuyên môn được đào tạo còn khá phổ biến, nhất là ở các trường THCS quy mô nhỏ.

Năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm của một bộ phận giáo viên còn yếu, chưa tương xứng với trình độ được đào tạo, phương pháp dạy học chậm được đổi mới. Việc ứng dụng các công nghệ hiện đại trong giảng dạy mới chỉ dừng lại ở số ít giáo viên. Một bộ phận giáo viên chưa coi trọng việc rèn luyện phẩm chất chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ; chưa toàn tâm, toàn ý phục vụ sự nghiệp giáo dục; thiếu gương mẫu về đạo đức, lối sống, cá biệt có trường hợp còn tham gia vào các tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật, làm cho dư luận xã hội bất bình, lo lắng.

Hệ thống văn bản thiếu, chồng chéo, thiếu đồng bộ

Việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với đội ngũ GV còn chậm; hệ thống văn bản đến nay vẫn còn thiếu, chồng chéo và thiếu đồng bộ, thiếu cụ thể và tính khả thi. Nhiều quy định trong một số chế độ, chính sách đối với nhà giáo nói chung và giáo viên nói riêng đã ban hành từ lâu, không còn phù hợp song chậm được sửa đổi, bổ sung. Do đó, các địa phương còn lúng túng trong việc thực hiện, như: Việc chuyển xếp ngạch, thi nâng ngạch; việc thực hiện các chế độ phụ cấp và trợ cấp, tiền thù lao vượt giờ, thêm giờ… cho giáo viên.

Các chế độ, chính sách đãi ngộ đối với giáo viên chưa đủ mạnh nên chưa có tác dụng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Giáo dục và chưa bảo đảm việc chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ giáo viên, để giáo viên thực sự yên tâm, gắn bó mật thiết với nghề và toàn tâm, toàn ý phục vụ sự nghiệp giáo dục.

Cơ chế quản lý giáo viên còn lạc hậu, mang tính cào bằng và chưa tạo động lực để GV nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Phân tích nguyên nhân

Theo nhóm nghiên cứu, về khách quan, năng lực tài chính của nước ta còn hạn hẹp. Các chế độ, chính sách hiện có đối với giáo viên chưa theo kịp yêu cầu ngày càng cao về phổ cập giáo dục phổ thông và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Về chủ quan, nhìn chung các cấp, các ngành chưa nhận thức đầy đủ và sâu sắc quan điểm “giáo dục là quốc sách hàng đầu” và “vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ nhà giáo trong việc nâng cao chất lượng giáo dục”, trong đó có đội ngũ giáo viên. Các cơ quan chức năng chậm cụ thể hóa những quan điểm của Đảng thành cơ chế, chính sách của Nhà nước; thiếu những chính sách đồng bộ, hợp lý đối với giáo viên ở tầm vĩ mô để thúc đẩy giáo dục phát triển.

Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về nhà giáo, Luật Viên chức được Quốc hội ban hành năm 2010 nhưng mới chỉ là luật “khung” về viên chức; nhiều quy định về nhà giáo trong Luật Giáo dục còn chung chung nhưng chưa được cụ thể hóa đối với nhà giáo

giảng dạy ở các cấp học và trình độ đào tạo, trong đó có giáo dục phổ thông.

Đáng chú ý, công tác quản lý Nhà nước đối với giáo viên chưa theo kịp yêu cầu phát triển của giáo dục và vẫn còn tình trạng chồng chéo, phân tán.

Đề xuất, kiến nghị

Nhóm nghiên cứu đề nghị Quốc hội tiếp tục đưa Dự án Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội nhằm thể chế hóa, pháp định hóa các nội dung liên quan đến nhà giáo, trong đó có chế độ, chính sách đối với nhà giáo mà Luật Viên chức, Luật Giáo dục, Luật Cán bộ, công chức chưa quy định cụ thể được.

Bên cạnh đó, đối với Chính phủ và các bộ, ngành, cần thống kê, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về chế độ, chính sách đối với nhà giáo nói chung; ban hành các chế độ, chính sách thay thế các quy định không còn phù hợp với tình hình hiện nay, như định mức giáo viên, các chế độ lao động, chế độ thù lao vượt giờ, thêm giờ….; Nghiên cứu cải cách mạnh mẽ chế độ tiền lương cho nhà giáo nói chung và GV nói riêng. Về lâu dài, cần có chế độ tiền lương hợp lý, đủ sức bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần để đội ngũ nhà giáo thực sự chuyên tâm với nghề dạy học.

Đối với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, cần xây dựng quy hoạch đội ngũ giáo viên tại địa phương để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục; Bảo đảm việc thực hiện chế độ, chính sách cho giáo viên tại địa phương; Trong khuôn khổ của pháp luật, có những chính sách riêng để hỗ trợ đời sống, kể cả đất ở và nhà ở cho đội ngũ GV.

Thực hiện Quyết định số 2760/QĐ-BGDĐT ngày 11/8/2016 về việc phân công lập đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo và Luật Giáo dục (sửa đổi), Bộ GD&ĐT ban hành Kế hoạch lập đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo.

Theo đó, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục chủ trì, phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Vụ Pháp chế và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ này tiến hành xây dựng Báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật hoặc đánh giá thực trạng quan hệ xã hội có liên quan đến đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo; xây dựng dự thảo đề cương Luật Nhà giáo.

Bên cạnh đó, các đơn vị này cũng được giao nhiệm vụ tổ chức lấy ý kiến về đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo; xây dựng dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật; hoàn thiện hồ sơ gửi sang Bộ Tư pháp để tổ chức thẩm định; hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ xem xét, thông qua. Sau khi có Nghị quyết thông qua của Chính phủ, phải chỉnh lý, hoàn thiện lại hồ sơ gửi sang Bộ Tư pháp...

Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chủ trì, phối hợp với Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ tiến hành nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thông tin tư liệu về Luật Nhà giáo và điều ước quốc tế liên quan đến nhà giáo trong Luật Giáo dục của một số nước trên thế giới; đánh giá tác động của chính sách; Phối hợp với Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của các hoạt động trong Kế hoạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.