Xây dựng Kế hoạch tổng thể (Master plan) cho giáo dục đại học Việt Nam

Chiều 15/2, tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có buổi làm việc với GS. John Graham, Hiệu trưởng Trường Đại học Chính sách công và Môi trường (SPEA), Đại học Indiana, Hoa Kỳ và PGS. Trần Ngọc Anh, giảng viên Trường Đại học Indiana, một trong những thành viên tích cực của Nhóm Đối thoại giáo dục với nhiều sáng kiến và hoạt động nhằm phát triển giáo dục Việt Nam.

Quang cảnh buổi làm việc của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
với GS. GS. John Graham và PGS. Trần Ngọc Anh.
Quang cảnh buổi làm việc của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ với GS. GS. John Graham và PGS. Trần Ngọc Anh.

Buổi làm việc nhằm thúc đẩy quá trình hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Trường Đại học Chính sách công và Môi trường (SPEA), Đại học Indiana, Hoa Kỳ và Nhóm Đối thoại giáo dục trong việc xây dựng Kê hoạch tổng thể (Master plan) phát triển giáo dục đại học Việt Nam. Nhóm Đối thoại giáo dục cũng đề xuất ý tưởng xếp hạng các trường đại học Việt Nam theo tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm và công tác hỗ trợ đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao những sáng kiến, ý tưởng và đề xuất đổi mới giáo dục Việt Nam của Nhóm Đối thoại giáo dục do GS Ngô Bảo Châu, PGS Trần Ngọc Anh cùng các thành viên khác trong thời gian vừa qua.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Muốn xây dựng được Kế hoạch tổng thể phát triển giáo dục đại học Việt Nam, ngay từ bây giờ phải định dạng được những vấn đề cơ bản, trong đó nhấn mạnh tới 5 nhiệm vụ và cũng là những định hướng nội dung hợp tác giữa Nhóm Đối thoại giáo dục với các đơn vị chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian tới. Đó là: Nghiên cứu và dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao trong vòng 5 - 10 năm tới; nghiên cứu mô hình hoạt động của các trường đại học tiên tiến trên thế giới; nghiên cứu và xây dựng được chuẩn/quy chuẩn của các trường đại học; xác định số lượng các trường đại học Việt Nam có thể phát triển lên đẳng cấp quốc tế.

“Quy hoạch mạng lưới các trường đại học sẽ theo quy luật cạnh tranh về chất lượng giáo dục của thị trường. Không như các giai đoạn trước, nhà nước không xác định số lượng cụ thể các trường đại học tại một thời điểm mà công tác quy hoạch sẽ theo định hướng mở, tùy thuộc vào điều kiện phát triển của từng giai đoạn cụ thể. Sau khi quy hoạch mạng lưới các trường đại học được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Kế hoạch tổng thể phát triển giáo dục đại học Việt Nam là bước tiếp theo để cụ thể hóa các nội dung trong quy hoạch. Chính vì vậy, Kế hoạch tổng thể phát triển giáo dục đại học Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng”. - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về nguyên tắc và nội dung hợp tác, Bộ trưởng đề nghị, Nhóm Đối thoại giáo dục sẽ chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhóm chuyên gia nghiên cứu của Đại học Quốc gia Hà Nội trong việc nghiên cứu, đề xuất. Cụ thể: Nhóm Đối thoại giáo dục tập trung vào dự báo nhu cầu nhân lực trong thời gian tới; nghiên cứu các mô hình hoạt động của các trường đại học trên thế giới. Các chuyên gia tư vấn trong nước sẽ khẩn trương hoàn thiện các sản phẩm nghiên cứu theo kế hoạch. Hai nhóm chuyên gia sẽ thường xuyên trao đổi kết quả nghiên cứu và thống nhất hoàn thiện Đề án Quy hoạch mạng lưới các trường đại học và Kế hoạch tổng thể phát triển giáo dục đại học Việt Nam.

Cũng tại buổi làm việc, PGS Trần Ngọc Anh đã đề xuất ý tưởng và một số nội dung về Xếp hạng các trường đại học Việt Nam theo tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm. Mục đích của việc xếp hạng là nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, tăng tính cạnh tranh về chất lượng giáo dục của các trường đại học ở Việt Nam, đảm bảo sinh viên tốt nghiệp đáp ứng được các yêu cầu về kỹ năng nghề nghiệp của thị trường lao động. Giúp định hướng cho các bậc phụ huynh, học sinh có được sự lựa chọn trường và ngành phù hợp. Đồng thời tăng hiệu quả phân bô nguồn lực của xã hội.

Theo Bộ GD&ĐT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ