(GD&TĐ)- Quy định của Ban tổ chức tại Liên hoan Sân khấu Tuồng truyền thống toàn quốc năm 2011 (tại TP. Quy Nhơn Bình Định): diễn viên tham gia có tuổi đời không quá 40 chính là để lựa chọn những tài năng nghệ thuật, từ đó có hướng bồi dưỡng và sử dụng.
>>>Khai mạc LH Sân khấu Tuồng truyền thống toàn quốc
Các diễn viên trong các vở diễn tại LH năm nay không quá 4 tuổi. Ảnh, baobinhdinh |
So với các loại hình nghệ thuật khác, bộ môn nghệ thuật Tuồng đòi hỏi thời gian đào tạo dài hơn để có được độ chín trong nghề. Do vậy, đứng trước nguy cơ mai một của bộ môn nghệ thuật truyền thống này, việc hình thành đội ngũ kế cận với những diễn viên trẻ là điều vô cùng cần thiết và cấp bách.
Nghệ sĩ Kiều Oanh là một diễn viên trẻ chủ chốt của nhà hát Tuồng Trung ương trong Liên hoan nghệ thuật tuồng toàn quốc năm nay đã ngót 20 năm trong nghề. Kiều Oanh đã tham gia không biết bao nhiêu vở Tuồng, bao nhiêu vai diễn...Và giờ đây, chị là một trong những nghệ sĩ trẻ có triển vọng trong đội ngũ diễn viên của nhà hát Tuồng trung ương.
Khi kể về niềm say mê nghiệp diễn của mình, nghệ sĩ Kiều Oanh cho biết: Nghệ thuật sân khấu dân tộc có một cái gì đó rất đặc biệt. Nó rất khó đấy nhưng khi đã gần gũi, đã hiểu nó rồi thì khó bỏ lắm. Vì khi mình đeo đuổi cái nghề này rồi, đó là nghề các cụ để lại cho mình thì mình nghĩ là dù khó khăn thế nào đi chăng nữa thì mình sẽ cố gắng vượt qua được.
Khi mình có tình yêu ở đấy- tình yêu như ngọn lửa cháy mãi thì mình sẽ không thể để ngọn lửa ấy tắt đi. Dù có khó khăn nào cũng sẽ cố gắng, và rất mong muốn nghệ thuật tuồng có được nhiều khán giả hiểu, yêu mến và đến với nghệ thuật tuồng thì đó là một động viên khích lệ rất nhiều để vấn tiếp tục yêu nghề, gắn bó với nghề và đi tiếp chặng đường, Kiều Oanh chia sẻ.
Đến với nghề như một cơ duyên, nghệ sĩ Đức Mạnh được dì ruột của mình dìu dắt vào con đường nghệ thuật Tuồng từ khi còn nhỏ; cho đến nay anh đã gắn với nghệ thuật Tuồng gần 20 năm. Tại Liên hoan nghệ thuật Tuồng 2011, Đức Mạnh- người thủ vai Linh Tá trong vở Tuồng “Sơn Hậu”.
Anh cho biết: sân khấu Tuồng hiện nay đang đứng trước nhiều vấn đề. Khi nói đến một loại hình sân khấu, sự tồn tại của nó phải bắt đầu từ chính tác phẩm và khán giả.
Đào tạo đội ngũ diễn viên trẻ, kế cận là rất cần thiết trong việc duy trì, phát triển Nghệ thuật tuồng. Ảnh, SGGP Online |
Để sân khấu Tuồng tồn tại thì việc giữ gìn những vở diễn sống động trên sân khấu là điều trước mắt cần phải làm. Các thế hệ diễn viên sẽ là người kế cận khôi phục lại những vở Tuồng, đặc biệt là Tuồng truyền thống. Không phải ngẫu nhiên mà năm nay thành phần tham dự liên hoan tuồng truyền thống là những diễn viên dưới 40 tuổi. Điều đó có nghĩa là những nghệ sĩ trẻ sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc khẳng định khả năng của mình trong một sân diễn đồng đều về lứa tuổi. Từ đó có thể phát hiện tài năng và có hướng đào tạo, sử dụng hợp lý cùng với việc giữ gìn những vở Tuồng truyền thống. Sự nối tiếp nghệ thuật giữa các thế hệ phải là mãi mãi thì mới hi vọng nghệ thuật Tuồng được giữ vững.
Có khá nhiều vấn đề của sân khấu Tuồng đang đặt ra hiện nay, trong đó có vấn đề xây dựng đội ngũ diễn viên trẻ kế cận. Muốn vậy, trước mắt cần có một cách nhìn cụ thể trong quản lý sân khấu tuồng truyền thống, vừa là chế độ, cách đào tạo, quản lý và xây dựng đội ngũ diễn viên, nghệ sĩ trẻ. Từ đó, cần mạnh dạn trao cho họ những vở Tuồng truyền thống để công chúng ngày nay được thưởng thức.
Nói cách khác chúng ta cần phải hướng tới xây dựng bảo tàng sống về sân khấu dân tộc. Việc đào tạo và truyền thụ đang là vấn đề nan giải khi mà nhiều bạn trẻ tỏ ra hờ hững với nghệ thuật Tuồng. Bên cạnh đó, không chỉ là gìn giữ những vở Tuồng truyền thống, cần xây dựng những vở Tuồng hiện đại để phù hợp với thẩm mỹ của khán giả hôm nay. Đây là vấn đề đòi hỏi trách nhiệm không những của nhà quản lý mà của toàn xã hội mới có thể giữ được sân khấu Tuồng.
Về vấn đề này, Đạo diễn Đặng Bá Tài, Trưởng phòng nghệ thuật, nhà hát Tuồng Trung ương cho biết: Nhìn chung bước đầu có những khó khăn nhất định về lực lượng diễn viên vì muốn đào tạo được diễn viên Tuồng truyền thống tốt thì cần một kế hoạch hết sức sát sao, từ việc đào tạo, quá trình, người dậy và người học phải tận tâm với nhau. Với tuồng truyền thống ngày nay, những người trẻ phải học rất khổ cực để có một vai diễn nhưng để đảm bảo cuộc sống của họ thì quá khó. Có những lúc tôi ví rằng: chúng tôi là những người giữ lại lửa cho nghệ thuật sân khấu dân tộc. Nếu không có những người chăm lo quét tước đền đài để cho mọi người vào chiêm ngưỡng nó. Nếu như chúng tôi không làm những việc này thì nó sẽ mất.
Trước đây quan niệm của các nghệ sĩ Tuồng là “học cho chết và dùng cho sống”, tức là học cho ngấm vào trong xương máu nhưng khi ra vai diễn thì phải sử dụng những điều suy nghĩ sáng tạo của chính mình. Điều đó có nghĩa là người diễn phải sống cùng nhân vật. Quan niệm ấy đến thời nay vẫn còn nhưng chính người diễn viên lại đang phải song hành và chọn lựa sao cho hài hòa giữa đời sống và đời diễn. Để có nhiều những người trẻ yêu thích, gắn bó thì điều đó vẫn là bài toán nan giải trong hành trình gìn giữ bộ môn nghệ thuật Tuồng truyền thống.
Đinh Thúy