Thiết kế chuẩn nội dung
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hạnh, chuẩn nội dung mô tả học sinh (HS) cần biết, hiểu và có thể làm những gì bằng cách xác định những kiến thức, kĩ năng, thái độ cốt lõi trong chương trình của môn học ở một lớp học, cấp học.
Chuẩn nội dung môn học trả lời những câu hỏi: HS học những gì ở môn học? Học sinh học mỗi nội dung đó ở mức nào?
PGS.TS Nguyễn Thị Hạnh cho biết, trong môn Ngữ văn, chuẩn nội dung chỉ bao gồm: Một tập hợp các kiến thức, kĩ năng, hành vi của môn học; Những sự thể hiện của HS liên quan đến từng tiêu chí thuộc kiến thức, kĩ năng, hành vi của môn học.
6 tiêu chí được dùng để thiết kế chuẩn xuyên suốt các lớp ở bậc phổ thông.
Mức độ nội dung của các tiêu chí này sẽ ngày càng phức tạp hơn, nhiều hơn ở các lớp trên;
Có một vài tiêu chí không dùng để đánh giá ở các lớp đầu cấp tiểu học do học sinh lứa tuổi này trí tuệ chưa phát triển đáp ứng với tiêu chí đó.
Ví dụ về tập hợp các kiến thức, kĩ năng, hành vi của môn học: môn Ngữ văn có những kiến thức về Tiếng Việt, kiến thức về tác phẩm văn học, kĩ năng đọc và xem, kĩ năng viết và trình bày, kĩ năng nghe, kĩ năng nói.
Các kiến thức và kĩ năng nói trên được phát triển thành năng lực làm chủ tiếng Việt, năng lực văn học.
Những sự thể hiện của HS liên quan đến từng tiêu chí thuộc kiến thức, kĩ năng, hành vi của môn học,ví dụ: Trong kiến thức về tiếng Việt, gồm có những kiến thức cụ thể sau: Ngữ âm và chữ viết, vốn từ và ngữ nghĩa, các kiểu câu và cách dùng câu, cấu trúc và thể loại văn bản, hoạt động giao tiếp ...
Để có thể thiết kế chuẩn nội dung đọc hiểu, theo PGS.TS Nguyễn Thị Hạnh, cần xác định các tiêu chí để mô tả năng đọc hiểu.
Các tiêu chí này phải bao hàm được 3 thành tố cấu thành của năng lực đọc hiểu ở các phương diện kiến thức về văn bản, kĩ năng đọc hiểu văn bản, sự sẵn sàng vận dụng nội dung văn bản vào giải quyết vấn đề trong học tập và đời sống.
Các tiêu chí này cũng cần được mô tả cụ thể cho 2 loại văn bản lớn là văn bản thông tin không có hư cấu và văn bản nghệ thuật.
Các tiêu chí dùng cho chuẩn nội dung năng lực đọc hiểu cụ thể như sau:
Tiêu chí 1: Loại văn bản và độ khó của văn bản (đọc 2 loại văn bản: văn bản thông tin bao gồm các văn bản không hư cấu về văn hóa, khoa học, hành chính; văn bản nghệ thuật gồm các tác phẩm văn học thể loại truyện, thơ, kí, kịch bản.; độ dài của văn bản từ 100 - 2.000 chữ cho các giai đoạn từ 1 đến 5 tương ứng với các lớp từ 1 đến 12)
Tiêu chí 2: Hiểu ngôn từ và cấu trúc của văn bản (nghĩa của từ ngữ và các tầng nghĩa của từ ngữ, cấu trúc câu, cấu trúc của văn bản)
Tiêu chí 3: Hiểu các ý chính và chi tiết trong văn bản (hiểu ý nghĩa của thông tin, chi tiết; giải thích thông tin, chi tiết; rút ra thông tin mới, nắm ý chính; tóm tắt văn bản; đối chiếu thông tin; hiểu quan điểm tác giả, tim ra những nội dung tranh luận)
Tiêu chí 4: Kết nối văn bản với kiến thức chung để suy luận và rút ra thông tin từ văn bản (kiểm chứng thông tin, đối chiếu thông tin với kiến thức và kinh nghiệm, rút ra thông tin có ích và giải thích về thông tin có ích)
Tiêu chí 5: Phản hồi và đánh giá về thông tin trong văn bản (xác nhận tính đúng đắn, phù hợp của thông tin, quan điểm tác giả; rút ra bài học cho bản thân, phân tích sự phù hợp của văn bản với các bối cảnh và các độc giả khác nhau)
Tiêu chí 6: Vận dụng ý tưởng trong văn bản để giải quyết vấn đề (nêu ý kiến, biện pháp giải quyết một hoặc một số vấn đề trong tình huống tương tự hoặc trong tình huống khác với tình huống ở văn bản; giải thích lí do đề xuất ý kiến và biện pháp)
Xây dựng chuẩn thể hiện
Với chuẩn thể hiện, PGS.TS Nguyễn Thị Hạnh cho biết được dùng để đo lường các hoạt động học tập của HS đáp ứng chuẩn nội dung, do vậy chuẩn thể hiện mô tả các mức độ mà học sinh cần đạt được ở chuẩn nội dung.
Các mức độ trong chuẩn thể hiện gồm từ mức thấp đến mức cao. Trong mỗi nội dung học tập, các mức đều có ví dụ minh họa.
Chuẩn thể hiện có một số đặc điểm sau: Cụ thể (chi tiết hóa nội dung); có thể đo lường được (có tiêu chí và các mức độ cần đạt); HS có thể đạt được (gắn với khả năng của học sinh); thực tế (gắn với bối cảnh nhà trường và xã hội); có tính thời điểm (phù hợp với học sinh ở một giai đoạn nhất định).
:“Như vậy theo thời gian, theo sự biến đổi của bối cảnh, người ta có thể điều chỉnh chuẩn thể hiện trong khi có thể chưa cần điều chỉnh chuẩn nội dung” - PGS.TS Nguyễn Thị Hạnh cho hay.