“Xây dựng Chính phủ điện tử dù khó khăn nhưng vẫn có thể làm được”

GD&TĐ - Thiếu tướng Nguyễn Việt Thế khẳng định việc xây dựng hệ thống mạng nội bộ cho Chính phủ điện tử dù khó khăn song với cơ sở hạ tầng và trình độ, năng lực công nghệ thông tin đã phát triển lên một bước mới như hiện nay thì Việt Nam hoàn toàn có thể làm được.

 “Xây dựng Chính phủ điện tử dù khó khăn nhưng vẫn có thể làm được”

Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ về xây dựng Chính phủ điện tử, nhiệm vụ xây dựng hệ thống thông tin điện tử thông suốt, kết nối liên thông văn bản điện tử, dữ liệu điện tử Chính phủ đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và 100% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến, xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ duy nhất trên Internet được xem là những nội dung trọng yếu của cải cách thủ tục hành chính quốc gia.

Trao đổi với PV GD&TĐ, Thiếu tướng Nguyễn Viết Thế, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội internet Việt Nam (VIA), nguyên Cục trưởng Cục Tin học - Nghiệp vụ của Bộ công an khẳng định, việc xây dựng Chính phủ điện tử dù khó khăn song với cơ sở hạ tầng, trình độ CNTT như hiện nay thì Việt Nam vẫn có thể làm được.

Thiếu tướng Nguyễn Viết Thế, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội internet Việt Nam
Thiếu tướng Nguyễn Viết Thế, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội internet Việt Nam 

Vấn đề sử dụng Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng ở Việt Nam trong mối tương quan với vấn đề an ninh quốc gia đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Sau 20 năm kể từ khi Internet chính thức có mặt tại Việt Nam, phải nói đến nay đã có những bước phát triển vượt bậc. Hiện nay nếu nói không cần Internet thì e rằng là không ổn. Chính phủ cần phải tạo điều kiện để Internet phát triển lành mạnh.

Gần đây nổi lên vấn đề về đảm bảo an ninh mạng, an ninh chủ quyền quốc gia trên Internet, đây là một vấn đề đang được quan tâm.

Trung Quốc đã xây dựng được mạng Baidu để thay cho Google và họ cũng làm một mạng xã hội riêng có chức năng như Facebook để dành riêng cho người dùng nội địa Trung Quốc.

Hiện nay cũng có thông tin Trung Quốc cũng đang đàm phán với Facebook để xây dựng Facebook riêng cho Trung Quốc để đảm bảo an ninh quốc gia nhưng lại vẫn đáp ứng được nhu cầu dùng mạng xã hội của người dân.

Đây là mô hình và cách làm mà Việt Nam nên tham khảo. Tôi cho rằng Việt Nam nên đi theo hướng này, tức là cần phải xây dựng một hệ thống mạng nội bộ dùng riêng cho mình.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là hạn chế hay cấm đoán Internet cùng các dịch vụ của các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Bên cạnh việc xây dựng hệ thống mạng nội bộ, vẫn phải song song phát triển các dịch vụ khác hiện đã có.

Về quy định một số công ty như Google, Youtube, Facebook phải đặt máy chủ tại Việt Nam theo ông có khả thi?

Gần đây có ý kiến cho rằng nên cấm Facebook, Google, Youtube vì các công ty này không đặt máy chủ ở Việt Nam thì rõ ràng là không ổn vì không phù hợp với các thông lệ quốc tế. Có lẽ là không cấm được điều này. Chúng ta phải chấp nhận cùng chung sống và cùng chia sẻ thông tin với nhau.

Chính Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khi phát biểu cũng đã nói rất rõ điều này, thể hiện rất rõ quan điểm của Bộ Công an đó là không cấm internet hay mạng xã hội ở Việt Nam.

Nhưng từ đó mà trọng trách đặt ra cho cơ quan chức năng sẽ nặng nề hơn là phải làm sao vừa đảm bảo an ninh mạng nhưng vẫn phải đảm bảo được môi trường để Internet phát triển, để Internet vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa là nơi kết nối với thế giới.

Chúng ta không thể đóng cửa được, không thể tách biệt mình với thế giới bên ngoài, nhất là trong xu thế chung toàn cầu hóa mạnh mẽ như hiện nay.

Ông nhận xét thế nào về chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử hiện nay và về ý kiến cho rằng trong khoảng 5 – 7 năm nữa, Việt Nam sẽ xây dựng được một mạng xã hội riêng, có thể thay thế mạng xã hội Facebook?

Trước hết, tôi cho rằng ý kiến trong vòng 5 – 7 năm nữa Việt Nam sẽ xây dựng được một mạng xã hội thay cho Facebook hoàn toàn có thể làm được vì năng lực, trình độ về công nghệ thông tin của Việt Nam hiện nay đã được cải thiện rất nhiều so với trước.

Thậm chí hiện nay trình độ CNTT của Việt Nam còn vượt xa nhiều nước. Ví dụ như chỉ số đánh giá cho mức độ sẵn sàng CNTT, thế giới đánh giá Việt Nam ở mức cao. Các bảng xếp hạng các chỉ số của Việt Nam đều ở thứ hạng tốt.

Thêm vào đó, hiện nay các tập đoàn, công ty công nghệ của Việt Nam đã trưởng thành hơn cách đây 10 – 15 năm trước rất nhiều, hoàn toàn có thể đảm nhận được trọng trách này.

Hiện nay, Chính phủ đề ra mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử, thì phải khẳng định là muốn làm điều này dứt khoát hạ tầng mạng của mình phải mạnh.

Chúng tôi cũng đã tham khảo mô hình và cách làm của các đại diện nhà mạng nước ngoài như của Mỹ, Nga hay Trung Quốc về việc xây dựng Chính phủ điện tử, cụ thể là tin học hóa các thủ tục hành chính thì đều có mạng tách bạch với internet, có mạng nội bộ dùng riêng của Chính phủ.

Thực ra hệ thống mạng nội bộ đã được Bộ Công an triển khai từ nhiều năm nay rồi. Bộ Công an đã xây dựng được một hệ thống mạng nội bộ riêng, chỉ dùng trong Bộ Công an mà không kết nối internet bên ngoài.

Xây dựng Chính phủ điện tử thì việc đầu tiên là cần phải xây dựng một hệ thống mạng nội bộ. Vấn đề là làm như thế nào, làm được đến đâu thì lại phụ thuộc vào điều kiện năng lực, vật lực của mình.

Hiện nay tôi được biết một số công ty công nghệ của Việt Nam, nhất là công ty viễn thông như Viettel, FPT, CMC có năng lực và nhân lực rất tốt. Tôi cho rằng họ có đủ năng lực để xây dựng mạng nội bộ này. Đó là mạng nội bộ dùng riêng để xây dựng Chính phủ điện tử, đảm bảo an ninh an toàn mà không cần kết nối Internet.

Để các công ty chuyên về công nghệ viễn thông và tin học trong nước có thể phát huy được hết năng lực của mình vào quá trình xây dựng hệ thống mạng nội bộ cho Chính phủ điện tử, theo ông cần phải có những giải pháp cụ thể gì?

Về cụ thể hóa chủ trương xây dựng mạng nội bộ như thế nào thì phải căn cứ vào chiến lược của Bộ Thông tin và Truyền thông. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký đề án tầm nhìn đến năm 2030 về xây dựng Chính phủ điện tử. Một Chính phủ muốn mạnh, một đất nước mạnh thì cần phải hiện đại. Như vậy, có thể thấy chủ trương của Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn.

Hiện nay hình thức đầu tư theo mô hình công – tư kết hợp (PPP) đang rất phổ biến, vừa giảm nhẹ được gánh nặng về vốn, nhân lực cho nhà nước lại vừa tạo cơ hội để các doanh nghiệp phát triển năng lực, thì đầu tư xây dựng mạng nội bộ cũng nên làm theo hình thức này.

Vừa rồi tôi được biết tập đoàn CMC cũng đã để nghị được làm dữ liệu điện tử cho thành phố Hà Nội và họ cũng đang bắt đầu triển khai rồi, tôi tin là họ sẽ thành công.

Ngoài ra, các công ty khác như Viettel, FPT rất có năng lực về cái này thì nhà nước cũng nên tạo hành lang thông thoáng để cho họ có thể hợp tác và thực hiện.

Nên khuyến khích các công ty công nghệ Việt Nam học thêm các công ty nước ngoài để hoàn thiện thêm về trình độ năng lực. Tôi lấy ví dụ như Cốc Cốc hiện nay đã xây dựng hệ thống tìm kiếm cũng rất ổn, dựa theo Google chẳng hạn, đó cũng là một sự sáng tạo.

Tôi tin rằng, với trình độ CNTT, nhân lực và vật lực như hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng thành công hệ thống hành chính công trực tuyến của Chính phủ điện tử.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ