Xanh mãi nghĩa cả cao đẹp

Xanh mãi nghĩa cả cao đẹp

Cô giáo của học sinh khuyết tật

Hơn 40 năm đứng lớp ở trường tiểu học Yên Thường (Gia Lâm, Hà Nội), bà giáo Nguyễn Thị Sang trở về nhà an dưỡng tuổi già. Nhưng thấy lớp học dành cho trẻ mồ côi, khuyết tật do mình đứng ra lập cách đây 15 năm đang khuyết chân giáo viên (cô giáo đang đứng lớp vừa qua đời vì căn bệnh ung thư), bà giáo Sang xin chính quyền xã để được tiếp tục làm “nghề giáo” gieo chữ cho các em nhỏ đáng thương này.

Bà giáo Sang xem lại bài kiểm tra “Viết thư cho mẹ” của học sinh
Bà giáo Sang xem lại bài kiểm tra “Viết thư cho mẹ” của học sinh

Trở lại thời gian, năm 1995, thấy các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, khuyết tật và thiểu năng trí tuệ có khả năng tiếp thu chậm, không thể đến trường, bà giáo Sang đứng ra thành lập “Lớp học tình thương” với hi vọng bù đắp cho các cháu những thiệt thòi về trí tuệ. Bà mượn tạm một căn nhà kho nhỏ để làm nơi dạy học rồi lên trường tiểu học xin lại mấy bộ bàn ghế cũ làm nơi chỗ ghi chép cho các em học sinh. “Ban đầu, lớp học tiếp nhận 18 cháu, hầu hết là những đứa trẻ chậm hiểu, kém phát triển trí tuệ. Nhưng đứa nào cũng ngoan và nghe lời cô giáo” – Bà cười hiền hậu.

Thấy công việc của bà có ý nghĩa, trường tiểu học Yên Thường đứng ra giúp đỡ bảng, một số bàn ghế cho lớp học và động viên cô giáo làng có tấm lòng nhân ái hoàn thành sứ mệnh của mình. Chính quyền xã còn trích 1 triệu đồng tặng bà làm quỹ lớp. Bà dùng số tiền đó để mua sắm thiết bị dạy học cần thiết cho các cháu. Lúc đó, bà giáo Sang vẫn đảm đương dạy học sinh lớp 1 trường tiểu học Yên Thường.

Một buổi dạy ở trường, bà dành buổi còn lại phụ trách lớp học. Nhiều gia đình có con bị tàn tật, kém phát triển, thậm chí là những học sinh mồ côi cha hoặc mẹ, có hoàn cảnh khó khăn, không thể đến trường cũng đều đến học ở lớp học của bà. Tiếng lành đồn xa, lớp tình thương của bà đón nhận nhiều học sinh hơn nữa, nhiệm vụ của bà giáo càng nặng nề hơn.

Khi chương trình học tiểu học chuyển sang học cả ngày, lòng bà đau đáu trăn trở khi không thể phụ trách lớp được nữa. May thay, có cô giáo tên Nguyễn Thị Mạn cùng trường vừa nghỉ hưu, bà bàn với cô nhận lớp để dạy học. Năm ngoái, cô Mạn vừa qua đời vì căn bệnh ung thư quái ác, cũng là lúc bà giáo Sang vừa đến tuổi nghỉ hưu. Bà lại đứng tên nhận dạy lớp học mà bà tâm huyết bấy lâu.

Ngoài dạy viết chữ, kiến thức, bà giáo Sang còn dạy cho các cháu biết cách viết thư và ứng xử với mọi người
Ngoài dạy viết chữ, kiến thức, bà giáo Sang còn dạy cho các cháu biết cách viết thư và ứng xử với mọi người

Tre già nuôi măng mọc

Lớp học bà giáo Sang có 18 học sinh từ 6 – 16 tuổi, có 1 cháu liệt 2 tay, 1 cháu liệt tay phải, 2 cháu mắt chỉ còn 2/10, 4 cháu nói ngọng, còn lại là thiểu năng trí tuệ…. Bà kiêm nhiệm dạy chương trình từ lớp 1 cho đến lớp 5. Có học sinh đã học lớp bà đã đến hơn 10 năm vẫn còn chưa ra được lớp. Bà cười: “Dạy lớp này như dạy trẻ tập đi, như là nhà giữ trẻ. Có đứa khuyết tật, tôi cứ giữ nó ở lớp để hòa nhập, chứ để cháu ở nhà lủi thủi một mình, tội nó lắm”.

Ngày nào cũng thế, bà giáo Sang lại đạp xe gần 5km đến lớp dạy cho các em học sinh. Có lần đang dạy, 1 học sinh bị động kinh lăn đùng ra sàn, sùi bọt mép, chân tay co giật, tim hầu như ngừng đập… Bà lo quá, cuống quýt ngồi dạy ngực 1 lúc, cháu bé mới tỉnh lại, mặt ngơ ngác. Sau vụ đó, lớp học bà còn có thêm chiếc chiếu để sẵn đề phòng trường hợp tương tự xảy ra.

Nhớ lại những kỉ niệm với các học sinh, bà giáo Sang cười ấm áp: “Có hôm, tôi bị trúng gió, phải đi cấp cứu gấp nên không kịp báo nghỉ cho các em. Sáng mai, hơn chục đứa, kể cả những đứa bị tật vận động nhẹ cũng kéo xuống trạm xá thăm cô giáo. Lúc đó, vừa nhìn thấy khuôn mặt ngờ nghệch, ngây thơ của đám học sinh, tôi vừa cảm động vừa lo chúng nó đi đường không cẩn thận”.

Không chỉ đứng ra dạy lớp học tình thương, bà giáo Sang còn nhận cháu Nguyễn Hải Long có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn về nuôi nấng, dạy dỗ nên người. Mẹ Long bị tâm thần, cha bỏ đi lấy vợ lẽ không quan tâm gì đến con. Long không thể đến lớp như các bạn. Từ năm 2004, được “mẹ nuôi” chăm sóc như con đẻ, Long cố gắng phấn đấu học giỏi. Nay cháu Long đã lên lớp 7, học lực luôn loại khá và rất ngoan ngoãn. Bà bảo: “Gia đình bên ngoại muốn đón cháu về nuôi để cho gần mẹ gần con. Tôi cho cháu về để cháu thấm thía hơn tình mẫu tử. Nhưng đây vẫn là ngôi nhà thứ hai của cháu”.

Hôm trước, có cô bạn thân ở gần Cầu Đuống bảo, có một cháu bé chuẩn bị vào lớp 1 có hoàn cảnh rất đáng thương, nếu không được giúp đỡ, có thể cháu bé không được đi học. Bố cháu bị nhiễm HIV, mẹ chán đời bỏ đi nước ngoài, cháu sống với ông nội già yếu và nghèo đói. “Tôi đang sắp xếp thời gian đến thăm cháu và tính chuyện nhận cháu về nuôi nấng” – bà giáo Sang nói.

Với những việc làm bằng cả tấm lòng và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, bà giáo Sang đã nhiều lần được biểu dương về những hoạt động vì trẻ em thiệt thòi. Tại hội nghị "Thầy, cô giáo Hà Nội nhận, chăm sóc trẻ mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn" do Công đoàn giáo dục TP Hà Nội tổ chức, cuối năm 2009, báo cáo tham luận của bà được lãnh đạo và các đồng nghiệp nhiệt liệt hoan nghênh. Bà vinh dự được UBND huyện Gia Lâm khen ngợi vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua từ năm 2004 – 2009 và đi dự buổi lễ báo cáo về những tấm gương nhà giáo nhận đỡ đầu học sinh  của thành phố Hà Nội đầu năm nay.

Văn Nhung

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ