Xanh mãi dải biên cương nơi địa đầu Tổ quốc

GD&TĐ - Những ngày cuối năm, chúng tôi đến vùng biên ải Vị Xuyên (Hà Giang) nơi cực Bắc địa đầu của Tổ quốc, thắp nén hương thơm trên đỉnh 468 và Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên. Đã hơn ba mươi năm kể từ khi cuộc chiến đấu kiên cường bảo vệ biên giới phía Bắc khép lại, những “Lò vôi thế kỷ”, những “Cối xay thịt”, hay “Ngã ba tử thần” trên mặt trận Vị Xuyên đã dần tươi xanh trở lại. Cuộc sống bình yên, no ấm đã về với những bản làng vùng biên viễn.

Đài hương trên điểm cao 468 là nơi những người lính Vị Xuyên tìm về để thắp nén tâm nhang tưởng nhớ đồng đội mãi mãi nằm lại chiến trường.
Đài hương trên điểm cao 468 là nơi những người lính Vị Xuyên tìm về để thắp nén tâm nhang tưởng nhớ đồng đội mãi mãi nằm lại chiến trường.

Từ TP Hà Giang, khi những vạt nắng hanh hao trải vàng trên khắp các triền núi đá, chúng tôi xuất phát về Vị Xuyên. Con đường dẫn lên điểm cao 468 đã được đổ bê tông phẳng phiu, kéo dài đến sát chân đài tưởng niệm.

Chiếc xe hai cầu của Văn phòng Tỉnh ủy Hà Giang chồm lên trên con dốc chênh vênh, một bên là vách đứng, một bên là vực thẳm, với những khúc gấp khiến anh lái xe bẻ vô lăng như vặn cả một bên sườn. Trên điểm cao này, nơi đã từng đặt Sở Chỉ huy của Sư đoàn 356, một đài hương vươn thẳng trên nền trời trong veo.

Sống bám đá, chết bám đá…

“Sống bám đá, chết bám đá, thành bất tử” - lời thề người lính Vị Xuyên được khắc trên tấm bia đá tạc hình những người lính đứng hiên ngang dưới bóng Quân kỳ Quyết thắng ở ngay dưới chân đài hương.

Sau những trận đánh ác liệt và chịu nhiều hy sinh cách đây ba mươi năm, thời gian đã hàn gắn phần nào vết thương của cuộc chiến, song ký ức đau thương trong lòng những người lính Vị Xuyên dường như vẫn còn nguyên, chỉ cần nhắc đến nước mắt lại chực trào.

Chuyến về thăm mặt trận Vị Xuyên - Thanh Thủy này, chúng tôi có dịp trò chuyện lâu với cựu chiến sĩ đặc công Vàng Văn Xuyên, ở thôn Giang Nam, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên.

Sinh ra, lớn lên rồi cầm súng chiến đấu bảo vệ từng tấc đất quê hương, với cựu chiến binh Vàng Văn Xuyên, ký ức về những ngày đau thương được ông gói gọn trong hai từ “bi tráng”. Chiến sự kết thúc, ông Xuyên tình nguyện nhận trông coi việc đèn nhang trên đài tưởng niệm này.

Chỉnh lại lá Quốc kỳ vừa bị gió tung lên, rồi xếp lại những bông hoa cúc trắng phau trên hương án, cựu chiến sĩ đặc công Vàng Văn Xuyên bảo, ông về chăm chút cho đài hương từ khi vừa được xây dựng xong. Dù mới được vài năm nhưng việc chăm sóc, nhang khói cho đồng đội đã trở thành thói quen.

Uống ngụm trà đặc sánh, giọng cựu chiến binh Vàng Văn Xuyên như chững lại: “Mình còn sống đến hôm nay chắc là do đạn có mắt mà tránh người”.

Rồi ông kể: Đầu năm 1984, khi quân tình nguyện Việt Nam đang tổ chức tổng phản công truy quét tàn quân Khmer Đỏ, thì ở miền Bắc, quân Trung Quốc tổ chức tấn công dọc tuyến biên giới, lấn chiếm các điểm cao nhằm xâm lấn lãnh thổ Việt Nam. Riêng ở Hà Giang, sau khi chiếm trọn điểm cao 1509, chúng tiến hành đánh lấn, pháo kích các điểm cao phía dưới. Thậm chí còn bắn về tận TP Hà Giang, cách trận địa gần 20km.

Từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 5/1984, quân Trung Quốc lần lượt chiếm đóng trái phép nhiều vị trí trên lãnh thổ Việt Nam, gồm các cao điểm 1030, 1250, 226, 233, 685, 772… Thời điểm đó, do tương quan lực lượng, quân Trung Quốc đã tràn sang chiếm giữ các vị trí trọng yếu.

Trước tình hình này, quân ta phải lùi xuống các vị trí thấp hơn để cản đường tiến của kẻ thù. Sư đoàn 356 cũng được điều từ Lào Cai sang Vị Xuyên để thực hiện Chiến dịch MB84 nhằm chiếm lại các điểm cao đã mất. Tuy nhiên, có một số trận đánh chiếm lại các cao điểm của ta không đạt được kết quả như mong đợi, bởi quân Trung Quốc được hỗ trợ hỏa lực rất mạnh, nhất là pháo binh.

Những làng mạc đã hồi sinh nơi biên cương phía Bắc Tổ quốc.
Những làng mạc đã hồi sinh nơi biên cương phía Bắc Tổ quốc. 

Pháo địch bắn đỏ nòng, nhất là ở điểm cao 772, 685. Các trung đội của ta vẫn kiên cường giữ vững trận địa. Trên điểm cao 685, đạn pháo của ta và địch thi nhau cày xới suốt ngày đêm. Thời điểm ấy, cả một vùng rộng lớn ở điểm cao này chỉ thấy một màu trắng xóa, không một cây cối nào có thể sống sót.

Chính vì vậy, nơi đây được đặt cho cái tên “Lò vôi thế kỷ”. Rồi ông nhắc tiếp đến những địa danh khác như: “Đồi thịt băm”, “Thung lũng gọi hồn” và giải thích một cách tường tận cho mấy người trẻ chúng tôi.

Trong trận đánh khốc liệt nhất tại điểm cao 772 ngày 12/7, hàng trăm cán bộ chiến sĩ anh dũng hy sinh, có cả cán bộ cấp tiểu đoàn, trung đoàn. Dù không lấy lại được các cao điểm đã mất nhưng quân ta cũng chặn được Trung Quốc thực hiện mưu đồ vượt qua ngã ba Thanh Thủy để tiến xuống thị xã Hà Giang.

 Tổng cộng, trong 6 năm, hơn bốn nghìn người lính đã nằm lại nơi chiến trường Vị Xuyên. Có đến một nửa trong số đó vẫn chưa thể trở về quê mẹ sau hơn ba mươi năm. Hài cốt của họ còn nằm trên các dãy núi này và thung lũng dưới kia. 
Ông Xuyên nghẹn ngào

Trầm ngâm một chút, người cựu binh mặt trận Vị Xuyên năm xưa chỉ tay về những mái nhà thấp thoáng ở phía Tây Bắc nhìn từ hướng đài hương, đó là thôn Nậm Ngặt và các điểm cao 772, 685 ngay trước mặt.

Ông Xuyên kể: Những ngày giao tranh ác liệt, người dân ở xã Đạo Đức, Thanh Sơn (Vị Xuyên) cách chiến trường cả vài chục cây số vẫn nghe âm thanh chát chúa của những trận đấu pháo. 

Dải biên cương hồi sinh

Đã hơn ba mươi năm biên giới ngưng tiếng súng và người dân đi sơ tán từ khắp nơi đã trở về, dựng lại những mái nhà, trồng lại những khoảnh nương và thu dọn chiến trường để hồi sinh dải biên cương của Tổ quốc.

Quay trở lại câu chuyện của thôn Nậm Ngặt, thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến, mấy chục hộ người Dao trong bản nhận được lệnh sơ tán đến xã Đường Âm (huyện Bắc Mê). Tất cả hoạt động được tiến hành ngay trong đêm, ai cũng tưởng chỉ đi ngắn ngày.

Nhưng ngờ đâu, cuộc sơ tán ấy kéo dài tận 10 năm. Đến năm 1990, biên giới ngưng tiếng súng bà con vì nhớ đất ông cha nên cùng nhau trở về. Nhà cửa bị xóa sổ, xung quanh là vô số mìn còn sót lại.

Giữa tận cùng cái khổ, người trong bản cùng dựa vào nhau, dựng nên những ngôi nhà chung, hướng dẫn nhau tránh mìn, gỡ mìn, vừa làm lại những mảnh nương để trồng lúa và nuôi dê. Đến nay, Nậm Ngặt đã quây quần hơn 60 hộ. Dù vẫn còn hết sức khó khăn nhưng người dân trong bản vẫn thủ thỉ động viên nhau đồng lòng khắc phục, miễn sao giữ chắc được từng tấc đất biên cương.

Rời Nậm Ngặt, trên đường trở về trung tâm huyện Vị Xuyên, anh bạn là chuyên viên Văn phòng Tỉnh ủy Hà Giang tiếp tục đưa chúng tôi vào thăm Bản Pin (nay là thôn Thanh Sơn, xã Thanh Thủy). Theo lời giới thiệu của anh, trong cuộc chiến đấu khốc liệt trên mặt trận biên giới Vị Xuyên những năm 1984 - 1989, nơi đây được xem là tuyến phòng thủ thứ 2 sau các chốt ở các cao điểm và được mệnh danh là “Thủ đô của lính” lúc bấy giờ.

Trước mắt chúng tôi, những chứng tích lịch sử trong cuộc chiến đấu giành lại các cao điểm trên mặt trận biên giới vẫn vẹn nguyên. Vẫn còn đó cửa hang Thẳm Nghịa và những ngôi nhà đá tựa lưng vào các vách núi dựng đứng.

Cổng chào vào thôn văn hóa Nậm Ngặt.
 Cổng chào vào thôn văn hóa Nậm Ngặt.

Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Long - một người con sinh ra, lớn lên ở Bản Pin và cũng là người tham gia tải đạn, vận chuyển lương thực cho bộ đội tuyến đầu thì: Bản Pin (Pin theo tiếng Tày có nghĩa là trèo, leo) vốn là một vùng đất có địa thế hiểm trở, phía Tây được che chắn bởi dãy núi Đán Thân hay còn gọi là núi Thần.

Đây cũng là điểm cuối cùng của các phương tiện cơ giới, vì vậy Bản Pin được xem là hậu cứ của bộ đội ta. Dọc theo chân núi Thần được bố trí nhiều hệ thống tác chiến như: Sở Chỉ huy, kho hậu cần, trạm phẫu và hệ thống hầm, hào chiến đấu...

Từ khi biên giới hết tiếng mìn, tiếng đạn, với sự đầu tư, quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đã nỗ lực xây dựng thôn Thanh Sơn ngày càng phát triển. Những con đường bê tông nay đã trải dài đến từng nhà dân, những ngôi nhà sàn mọc lên mang đậm phong cách truyền thống...

Trưởng thôn Thanh Sơn Nguyễn Văn Liền cho hay, bên cạnh phát triển nông nghiệp, chăn nuôi lợn, dê với quy mô trang trại, gia trại, nhiều hộ còn tham gia làm dịch vụ du lịch... Nhờ thế, cuộc sống người dân từng bước được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm xuống đáng kể. “Từ năm 2015, thôn Thanh Sơn được UBND tỉnh công nhận là Làng Văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới”, ông Liền chia sẻ.

Rời thôn Thanh Sơn, chiếc xe chở đoàn trở ngược Quốc lộ 2 để về Huyện ủy Vị Xuyên. Đón chúng tôi, Bí thư Huyện ủy Vi Hữu Cầu khẽ đọc mấy câu trong bài hát tự sáng tác của một người lính Vị Xuyên: “Biên giới giờ đây không còn chiến tranh/ Rừng chiều Hà Giang xôn xao lá đỏ/ Để lòng tôi gợi lên bao niềm nhớ…”, rồi nhấn mạnh về những định hướng cho phát triển của Vị Xuyên.

Với ưu thế là hệ thống cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, văn hóa đa dạng, huyện xác định tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. “Hiện Vị Xuyên đang triển khai nhiều giải pháp, phấn đấu đến năm 2020, trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của tỉnh”, Bí thư Huyện ủy Vi Hữu Cầu nhấn mạnh.

Bí thư Huyện ủy Vi Hữu Cầu cũng chia sẻ, song song với phát triển du lịch, huyện luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao nhằm đưa ngành nông nghiệp trên địa bàn chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích.

Mặc dù là huyện miền núi, đất đai không phải lợi thế song nhiều năm gần đây, Vị Xuyên đã đạt được mục tiêu giữ vững an ninh lương thực. Bên cạnh đó, huyện đang tập trung phát huy lợi thế của khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy và phát triển công nghiệp tại KCN Bình Vàng (xã Đạo Đức); khai thác mỏ chì, kẽm tại Nam Sơn (xã Tùng Bá), mỏ sắt (xã Thuận Hòa)… Tương lai không xa, Vị Xuyên sẽ đổi thay nhiều hơn nữa.

Chúng tôi rời Vị Xuyên khi những nhánh phong lan rừng đua nở. Xuân đang về đâu đó nơi những nụ đào chúm chím dọc dải đường biên.

Thoảng nghe trong gió, giữa miền cao nguyên đá tiếng của cây cối đang nảy lộc, đâm chồi... Xuân đang về trên vùng biên cương nơi địa đầu Tổ quốc và cả trên gương mặt tràn đầy nhiệt huyết của những con người đang trọn vẹn nghĩa tình với đồng đội, với sự phát triển từng ngày trên mảnh đất quê hương. Vị Xuyên sẽ mãi ngân vang khúc tráng ca bất diệt về tinh thần bất khuất, kiên trung của một thời máu lửa bi hùng.

Sau lưng những người trẻ chúng tôi, trời biên cương xanh ngắt một màu…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ